YouTube Việt: Những tiềm ẩn chết người

14/04/2019 - 10:00

PNO - Liên tục nâng cấp công cụ quét tự động nhưng YouTube dường như bất khả với số lượng video mới mỗi ngày. Kết cục, nội dung độc hại vẫn tồn tại nhan nhản, hiểm họa khôn lường.

YouTube Việt - một vũ trụ hoang

Không người quản lý, không có luật lệ, mỗi cá nhân mặc sức khai khẩn... là hiện trạng của YouTube Việt hiện tại.  

Chưa bao giờ, YouTube và từ khoá YouTuber (nhà sáng tạo nội dung- theo cách gọi của YouTube) lại gây ngao ngán đến thế. Không hẳn trước đây YouTube không tồn tại những bất cập mà vì trong một thời gian ngắn, sự bất lực của người dùng trước những nội dung nguy hiểm lẫn công tác quản lý ngày càng lộ rõ.

Hằng hà sa số những kênh YouTube chứa nội dung độc hại, tiêu cực vẫn ngang nhiên tồn tại và xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, lực lượng chức năng chỉ vào cuộc khi vụ việc bị dư luận, truyền thông lên tiếng. 

 BàiYouTube Việt: Kéo nhau đi làm 'nhà sáng tạo nội dung'

Hiểm họa khôn lường

Với số lượng video khủng mỗi ngày, việc kiểm soát toàn bộ nội dung là bất khả với hệ thống kiểm duyệt của YouTube. Theo thống kê, cứ mỗi phút có 300 giờ nội dung video được tải lên YouTube. Ước tính, nếu mỗi nhân viên theo dõi lượng video khổng lồ như vậy trong thời gian 8 tiếng/ngày, Google cần hơn 50.000 nhân viên làm việc. Do đó, không lạ khi nhiều kênh YouTube chứa nội dung độc hại vẫn có thể tồn tại dưới vỏ bọc hoàn hảo.

YouTube Viet: Nhung tiem an chet nguoi
Hình ảnh mang tính bạo lực xuất hiện trên một kênh YouTube. Kênh này thường xuyên được phụ huynh tìm cho con xem vì cứ ngỡ, những nhân vật hoạt hình như Elsa, Spiderman sẽ mang lại những câu chuyện thú vị. 

Mới đây “thử thách Momo” khiến các bậc cha mẹ hoảng hồn khi nhận ra bao lâu nay, con cái của họ đang xem một nhân vật có ngoại hình quái dị và hành động gớm ghiếc, bạo lực. Điều đáng nói, Momo ẩn trong các video hoạt hình mà nếu không quan sát kỹ hay theo dõi nội dung, phụ huynh không thể ngờ Peppa Pig, Fortnite trên kênh YouTube Kids - nền tảng YouTube dành riêng cho trẻ em, lại có hình ảnh khó chấp nhận như vậy.

Chưa có thống kê cụ thể về ảnh hưởng của thử thách Momo đến trẻ em và trong câu chuyện đầy nỗi sợ hãi, có phần gây hoang mang dư luận từ bài đăng ban đầu của nhóm phụ huynh người Anh. Tuy nhiên, từ sự phản ứng có phần gây sốc này, nhiều phụ huynh khác xem xét lại nội dung trực tuyến mà con cái của họ xem hằng ngày.

YouTube Viet: Nhung tiem an chet nguoi
Một kênh YouTube khác chỉ bị xử lý khi dư luận lên tiếng phản ứng vì các nội dung dành cho trẻ em nhưng dung tục, phản cảm.

Không chỉ có Momo, YouTube Kids từng bị người dùng phản ứng với chuỗi phim Người nhện và nữ hoàng băng giá (tên tiếng Anh: Spiderman Elsa). Trong phim, tất cả các nhân vật đều quen thuộc với trẻ em nhưng có nhiều hành động phản cảm, bạo lực như ôm hôn, cắt áo ngực, cắt lưỡi...

Ngay khi dư luận phản ứng, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có quyết định xử phạt hành chính đối với ông Trà Ngọc Hải, chủ sở hữu kênh YouTube Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xoá toàn bộ video phản cảm, nhiều video tương tự vẫn liên tục được re-up (đăng tải lại) trên nhiều kênh YouTube khác, khó lòng kiểm soát.

Ngoài nội dung bẩn dành cho trẻ em, YouTube còn tiềm ẩn mối họa dành cho bất kỳ người sử dụng nào khác với hằng hà các video gây sốc, sex, bạo lực. Trường hợp có thể kể đến là 2 chương trình hẹn hò được chiếu trên YouTube: Date and kiss  Dare Pong. Những gì diễn ra trong chương trình đều bị dư luận lên án vì đi ngược thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống không lành mạnh cho giới trẻ. Sau khi dư luận phản ứng, chủ kênh bị phạt và buộc xóa toàn bộ nội dung phản cảm.

YouTube Viet: Nhung tiem an chet nguoi
Nhân vật Momo với ngoại hình quái dị được lồng ghép trong các video hoạt hình.

Gần đây nhất, những video bạo lực, đánh đấm như kênh của Khá Bảnh vừa bị YouTube xóa với lý do vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube. Trước ngày bị xóa, một bộ phận không nhỏ giới trẻ xem Khá là thần tượng với điệu múa quạt nổi tiếng khi đi bar, nhiều học sinh sang nhà Khá chơi để được gặp thần tượng, tết đến nhà để chúc năm mới “đàn anh”... Chưa có những hành động cụ thể để khẳng định nội dung các video bạo lực, ăn chơi từ Khá Bảnh tác động xấu đến giới trẻ nhưng sự ảnh hưởng là có và đang lớn lên nhanh chóng.

Khoảng trống và sự thả nổi

Mới đây, theo The Verge, đã diễn ra phiên điều trần để xử lý vụ kiện giữa Chủ tịch ủy ban Do Thái - Jerry Nadler và YouTube về việc ông nhận hàng loạt bình luận chỉ trích, bêu riếu là “đồ yêu tinh” trong một video được trực tiếp trên hệ thống YouTube. Ông Jerry Nadler cho rằng phải có biện pháp ngăn chặn những cơn cuồng nộ của người dùng vì họ đang thoải mái phát tiết và không bị xử lý khi xúc phạm danh dự người khác.

Đại diện của YouTube cho biết ngoài việc nỗ lực để loại bỏ hàng triệu video có nội dung độc hại, vi phạm chính sách, gần đây YouTube còn tăng cường đội ngũ để lọc tính năng bình luận. Tuy nhiên, với lượng video khổng lồ, chính YouTube cũng đang lay hoay tìm biện pháp tối ưu với các thuật toán nhận diện.

YouTube Viet: Nhung tiem an chet nguoi
Những hình ảnh nhân vật hoạt hình đánh lừa người xem khi đằng sau đó là những câu chuyện bạo lực.

Từ phía YouTube, hệ thống đang phụ thuộc vào việc gắn cờ để tìm và lọc nội dung không phù hợp. Điều này có nghĩa, thay vì phát hiện nội dung xấu ngay khi chưa xuất bản nội dung, những video này phải được ai đó xem và dùng công cụ báo cáo. Do đó, nếu không bị gắn cờ, YouTube hoàn toàn không hay biết về việc nội dung độc đang tồn tại.

Giữa tháng 4/2018, YouTube sử dụng công cụ quét tự động và thủ công xoá hơn 8,3 triệu video chứa nội dung phản cảm. Trước đó, năm 2017, hệ thống tiếp tục quét và xoá hơn 8.000 video vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube. Động thái này nhằm xoa dịu những bức xúc của người dùng nhưng so với lượng video đăng tải mỗi ngày, những cuộc đại xử lý như thế chưa thấm vào đâu.

Ngoài YouTube, sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc xử lý các trường hợp video chứa nội dung độc hại, phản cảm dù có nhưng luôn rơi vào thế đã rồi. Có nghĩa, khi dư luận và truyền thông lên tiếng, phản ứng mạnh mẽ, cơ quan chức năng mới có động thái làm việc với YouTube để kiểm soát. Sự tác động dừng ở mức hậu kiểm, cảnh báo sau khi sản phẩm đã được phát tán trong thời gian khá dài là kẽ hở cho những kênh chứa nội dung độc hại có thêm đất sống.

YouTuber và "thương vụ ăn chia" với YouTube network

Doanh thu từ quảng cáo sẽ phụ thuộc vào nhóm thị trường. Việt Nam là thị trường nhỏ, tỷ lệ doanh thu chỉ dao động từ 0.5-1 USD/1.000 views, nghĩa là nếu video đạt 1 triệu view, bạn nhận được 1.000 USD. So với thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, mỗi 1.000 views có thể đạt từ 6 - 8 USD. 

Đó là con số ước tính dành cho video được chạy quảng cáo, con số thực lãnh dành cho những kênh làm việc trực tiếp với YouTube và kênh thuộc sự quản lý của một đơn vị network khác, tỷ lệ ăn chia sẽ được tính toán. Ví dụ, tỷ lệ ăn chia của YouTube và Yeah1 network là 45-55, sau đó doanh nghiệp này chia lại cho chủ sở hữu kênh thuộc quản lý từ 70-95% doanh thu nhận được. 

Tại Việt Nam, hệ thống network YouTube tương đối nhiều. Ngoài Yeah1, còn có POPS, Metub, Điền Quân, RIAV, VTVcab... Ở mỗi đơn vị đều có tỷ lệ ăn chia khác nhau và thế mạnh riêng. Khi thuộc sự quản lý của một đơn vị network, chủ tài khoản được lợi hơn về mặt bản quyền, hỗ trợ đóng thuế thu nhập cá nhân, tận dụng nội dung có bản quyền để phát triển sản phẩm mới, tối ưu hoá không gian quảng cáo...  

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI