Vì sao vào đại học ngày càng dễ?- Bài 2: Mở ngành không khó, hậu kiểm dễ dàng!

19/04/2019 - 06:03

PNO - Điểm dễ nhận thấy là Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT có nhiều quy định gần như là kẽ hở để các trường lách, tăng chỉ tiêu. Trong khi đó, những năm gần đây, vấn đề kiểm soát vượt chỉ tiêu dường như Bộ GD-ĐT không mạnh tay.

Chuyên đề: Vì sao vào đại học ngày càng dễ? 

“Đẻ” ra nhiều phương thức xét tuyển, tư vấn dồn dập, tung chiêu chăm sóc tận răng để tăng khả năng biến “khách hàng” tiềm năng thành thân thiết… hơn bao giờ hết, các trường đại học đang dồn lực thu hút thí sinh càng nhiều càng tốt, biến công đoạn tuyển sinh trở thành “phiên chợ” đầy màu sắc và cạnh tranh quyết liệt.

Bài 1: 'Chợ' tuyển sinh

Đến hẹn lại lên, khi các trường tất bật với công tác tuyển sinh, xin mở ngành, xác định chỉ tiêu thì Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 01 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Điểm dễ nhận thấy là Thông tư 01 có nhiều quy định gần như là kẽ hở để các trường lách và tăng chỉ tiêu. Trong khi đó, những năm gần đây, vấn đề kiểm soát vượt chỉ tiêu dường như Bộ GD-ĐT không mạnh tay.   

Nguy cơ bùng phát vượt chỉ tiêu

Năm 2019, các trường xác định chỉ tiêu theo Thông tư 01. So với Thông tư 06 vẫn giống nhau theo hai tiêu chí: (1) tỷ lệ sinh viên (SV)/giảng viên (GV) quy đổi tương ứng với bảy khối ngành; trong đó khối ngành đào tạo giáo viên, số lượng SV giảm từ 25 xuống còn 20 SV/GV và hệ số GV có trình độ đại học (ĐH) chỉ còn 0,3. Trong khi đó, tỷ lệ SV cao đẳng, trung cấp sư phạm chính quy trên một GV quy đổi không vượt quá 25; (2) diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một SV chính quy... không thấp hơn 2,8m2. Ngoài ra, Thông tư 01 vẫn cho phép các trường được sử dụng GV thỉnh giảng (từ trình độ thạc sĩ trở lên) để tính chỉ tiêu. 

Vi sao vao dai hoc  ngay cang de?- Bai 2: Mo nganh khong kho, hau kiem de dang!
Học sinh tìm hiểu về trường đại học

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cho rằng: về điều kiện xác định chỉ tiêu không có gì thay đổi. Tuy nhiên, tiêu chí thứ hai rất nhiều trường bị vướng vì ngay cả mức cũ là 2,5m2 trước đây rất ít trường đạt được nhưng vẫn duy trì mà không có lộ trình khắc phục thì rất khó. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết: vẫn có những lo lắng về việc sẽ có trường “tận dụng” điều kiện GV thỉnh giảng để tăng chỉ tiêu, vì hiện nay phần mềm kiểm soát của Bộ GD-ĐT hoàn toàn không thể phát hiện các trường thực tế có bao nhiêu GV thỉnh giảng. 

Mới đây, cuộc tổng kiểm tra của Bộ GD-ĐT tại hơn 200 trường ĐH về các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ GV, tỷ lệ SV/GV, quy mô SV cho thấy rất nhiều trường không đạt yêu cầu: GV thiếu chuẩn trầm trọng; tỷ lệ SV/GV, diện tích sàn xây dựng còn thiếu nhiều so với quy định. Trong khi đó, hàng loạt trường khi thanh tra “sờ” đến nội dung tuyển sinh đều có vấn đề vượt chỉ tiêu. 

Một trường ĐH tư thục tại TP.HCM báo cáo trong đề án tuyển sinh: tổng số học viên, SV ĐH chính quy của trường năm 2018 là 18.873, chỉ tiêu năm 2018 là 4.870 nhưng trúng tuyển đến hơn 11.000 SV. Tuy nhiên, năm 2019 trường lại xin tăng chỉ tiêu đến hơn 5.000 SV. Đáng nói là đội ngũ GV trình độ ĐH của trường chiếm đến gần 50% (Luật Giáo dục ĐH quy định GV ĐH phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên). Một ví dụ điển hình để thấy rằng, thực tế có nhiều trường, nhất là trường tư thục và công lập tự chủ, tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo là có, song việc kiểm soát, thanh tra của Bộ GD-ĐT lại không phát hiện hoặc không công bố, không xử phạt. 

Trường công lập cũng không đứng ngoài cuộc đua “hốt” thí sinh. Theo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có nhiều sai phạm trong tuyển sinh. Việc tuyển vượt chỉ tiêu hệ ĐH chính quy của trường diễn ra từ năm 2015 đến năm 2017, với tổng số tuyển vượt lên đến 1.688 chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2015, tuyển 4.611/3.880 chỉ tiêu (vượt 19%), năm 2016 tuyển 4.523/4.165 chỉ tiêu (vượt 8,6%) và năm 2017 tuyển 4.935/4.336 chỉ tiêu (vượt hơn 13%). Trong liên kết đào tạo trong nước, năm 2015 liên kết với 11 đơn vị, năm 2016 liên kết với chín đơn vị, năm 2017 liên kết với bốn đơn vị, nhưng việc liên kết chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT. Chương trình liên kết đào tạo với Trường ĐH Sunderland (Anh), trường đã xét trúng tuyển đối với thí sinh không đạt điểm sàn tuyển sinh ĐH. 

Cần công khai và xử phạt mạnh tay

Không chỉ có vấn đề về vượt chỉ tiêu, kết quả kiểm tra về đội ngũ GV tại các trường rất đáng báo động. Có đến 20 trường, số GV chỉ có trình độ ĐH chiếm 30-64%. Điển hình như các trường: ĐH Võ Trường Toản: 252/392 GV cơ hữu có trình độ ĐH (chiếm gần 64,3%); ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương: 179/297 (chiếm hơn 60%); ĐH Phan Chu Trinh: 39/76 (trên 51%); ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương: 81/165 (hơn 49%); ĐH Điều dưỡng Nam Định: 100/205 (gần 49%); ĐH Công nghệ dệt may Hà Nội: 126/276 (trên 45%); ĐH Y Dược Cần Thơ: 142/445 (trên 32%)… Tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều trường vẫn có hàng trăm GV trình độ ĐH, như: ĐH Y Dược TP.HCM: 179/1.038; ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 103/371; ĐH Công nghiệp Hà Nội: 123/1.063; ĐH Lâm nghiệp: 128/533; ĐH Công nghệ TP.HCM: 224/944; ĐH Nông lâm TP.HCM: 131/639. 

Đáng nói hơn, hàng loạt trường ĐH có đội ngũ GV chưa tới 100 người. Trường ĐH Gia Định hơn 10 năm thành lập chỉ có 39 GV, ĐH Y khoa Tokyo - Việt Nam: 33, ĐH Trưng Vương: 36, Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Gia Lai: 31, ĐH Quốc tế Bắc Hà: 41, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội: 43, ĐH Hùng Vương (TP.HCM): 59…

Vi sao vao dai hoc  ngay cang de?- Bai 2: Mo nganh khong kho, hau kiem de dang!

Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh

Trước đó, đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT thông báo quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường ĐH và 296 ngành đào tạo cao đẳng của 74 trường ĐH. Nguyên nhân chính là do không đủ điều kiện tối thiểu (GV) để đào tạo theo điều 2, điều 3 của Thông tư 08. Trong 71 trường có ngành bị dừng tuyển sinh lại có khá nhiều trường công lập tên tuổi như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Thậm chí, ngay cả hai ĐH quốc gia Hà Nội và TP.HCM cũng rơi vào cảnh bị tuýt còi.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Thực ra, cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh như trên khó đảm bảo tính khách quan, khoa học và không điều tiết được sự mất cân đối ngành, trình độ đào tạo những năm qua. Việc ra quy định diện tích sàn/SV và tỷ lệ SV/GV cho bảy khối ngành mới là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chưa thể hiện vai trò điều tiết cơ cấu ngành đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước... Ví dụ, nếu thấy ngành nào có nguy cơ dư thừa hoặc chất lượng đào tạo yếu kém cần giảm ngay tỷ lệ SV/GV, đồng thời cho phép thu học phí tăng để điều tiết”.

Nguyên một Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: những ngành, trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế hoặc khu vực cho tăng chỉ tiêu là hợp lý. Còn việc các trường đạt chuẩn kiểm định trong nước là phải xem lại, vì công tác kiểm định và công nhận trường A, B, C đạt chuẩn rất có vấn đề. Có trường bị đánh rớt nhưng sau đó mời trung tâm khác đến đánh giá là đạt ngay. Còn việc dựa vào tỷ lệ việc làm từ 90% trở lên để cho tăng chỉ tiêu là điều hết sức buồn cười vì thực tế con số tỷ lệ SV ra trường có việc làm luôn là con số “nổ” từ các trường. Nếu không cẩn thận, vô tình thông tư lại “vẽ đường cho hươu chạy” và rất khó kiểm soát vượt chỉ tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

“Vấn đề là Bộ GD-ĐT phải mạnh tay hơn đối với những trường thường xuyên tuyển vượt chỉ tiêu như phải công khai để dư luận biết, phải xử phạt theo đúng các quy định hiện hành chứ không thể thanh tra xong rồi đâu lại vào đó. Bên cạnh đó, năm nay để tránh tình trạng các trường lạm dụng việc sử dụng GV thỉnh giảng để tăng chỉ tiêu thì chỉ cho các trường sử dụng GV thỉnh giảng có hợp đồng từ năm 2017 và 2018 thì mới kiểm soát được”, phó giáo sư - tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, nhấn mạnh. 

Vi phạm về điều kiện giảng viên kéo dài

Trong thời gian từ năm 2011-2017, Bộ GD-ĐT đã có ít nhất ba cuộc thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, cuối năm 2011 kiểm tra việc cam kết thành lập trường của 24 trường ĐH, thì đến 41 ngành không có GV là tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có GV cơ hữu và nhiều GV chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. 

Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT thông báo 503 ngành ở các trường bị dừng tuyển sinh do “trắng” điều kiện tối thiểu về GV. Năm 2015, qua rà soát, tỷ lệ SV/GV là 22,7 (nhiều trường có tỷ lệ này khá cao, có trường hơn 50 SV/GV). Trong số 3.575 ngành đào tạo được khảo sát, trên 500 ngành có tỷ lệ vượt quá 30 SV/GV, trong đó gần 100 ngành có trên 100 SV/GV (chủ yếu ở khối ngành kinh tế, quản lý, luật và giáo dục).

Tiêu Phong - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI