Đừng đánh cược mạng sống của con

14/03/2018 - 11:49

PNO - Đụng đến thiên chức làm mẹ, câu chuyện một phụ nữ ở Hưng Yên áp dụng thành công phương pháp liên sinh lan truyền khắp các diễn đàn, tạo nên cuộc “ẩu đả” kinh hoàng giữa hàng ngàn bà mẹ cũng như nữ giới.

Theo đó, ngoài phương pháp liên sinh: sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không cắt dây rốn cho con mà để dây rốn tự khô và rụng; bà mẹ này còn có những lựa chọn khác như: ăn chay trong thai kỳ, không chích ngừa cho con… Y khoa vào cuộc. Các bác sĩ đồng loạt lên tiếng cảnh báo mức độ nguy hiểm về trường hợp sinh con của bà mẹ này. 

Dung danh cuoc mang song cua con
Ảnh minh họa

Ngay sau đó, phía ủng hộ bà mẹ lập tức đổi màu lý lẽ bằng một phương châm sống: thuận tự nhiên. Họ tin rằng, sinh con cũng là một cơ chế sinh lý bình thường, tự nhiên của nữ giới. Do đó, họ không để bất cứ một can thiệp y khoa nào tác động trong suốt quá trình mang thai và sinh con của người mẹ. 

Thực chất, “phong trào” thuận tự nhiên không phải mới hình thành. Nó, một phần còn là kết quả của sự “đấu tranh” phản đối các phương pháp đi ngược với quy luật tự nhiên trong vấn đề sinh sản. Khi không ít cặp vợ chồng cầu viện y khoa trong lựa chọn giới tính của con, chọn ngày giờ hợp tuổi cha mẹ để sinh mổ…

Những can thiệp không cần thiết này khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không ít lần khuyến cáo, ngoài gây suy giảm khả năng sinh sản cho người mẹ còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực của đứa con.

Thế nhưng, trong khi thuyết sinh sản thuận tự nhiên chưa được hiểu đúng thì không ít người ngộ nhận áp dụng bằng sự từ chối can thiệp y khoa trong đời sống của mình: thuận tự nhiên - ngay khi biết mình mắc bệnh ung thư, một phụ nữ tuyên bố không bước vào bệnh viện mà tìm đến sự “tu dưỡng” tâm trí; thuận tự nhiên - con ốm, một bà mẹ kiên trì cho con bú sữa mẹ mà không đưa con đến bệnh viện hay tiêm vắc-xin cho con…

Dư luận rùng mình khi những “tín đồ” thi nhau chia sẻ những “chiến tích” bằng sự nhầm lẫn giữa may mắn trong từng trường hợp thành công cụ thể và tính khoa học phổ quát.

Mới đây, cũng chọn sinh con tại nhà mà một sản phụ ở Lào Cai phải nhập viện cấp cứu. Ca sinh tại nhà của chị khó khăn, mẹ chồng giúp đỡ bằng cách dùng dao rạch tầng sinh môn, song không khả quan, phải cấp tốc nhập viện. Đứa trẻ may mắn chào đời khỏe mạnh, nhưng trên đầu đầy những vết xây xát.

Dung danh cuoc mang song cua con
Ảnh minh họa

Ở những nước phát triển, chọn lựa sinh con bằng phương pháp nào, theo dõi từng giai đoạn thai kỳ luôn được đội ngũ y tế hỗ trợ. Đơn cử, chọn sinh tại nhà, bản thân người mẹ đảm bảo không mắc các bệnh về tim, huyết áp, chứng co giật; có một thực đơn đầy đủ dưỡng chất, được tập luyện cả thể chất lẫn tâm lý và được theo dõi trong suốt thai kỳ; đảm bảo không gian, vệ sinh nơi con chào đời… Ngày chuyển dạ, dẫu tự thân vận động, người mẹ ấy vẫn có cả lực lượng nhân viên y tế quanh mình. 

Sự can thiệp kịp thời của y khoa nhằm hạn chế những biến chứng khó lường trong thời kỳ mang thai lẫn sinh con (như suy thai, băng huyết, sang chấn tầng sinh môn…) không còn là chuyện phải bàn cãi. Vào cuối tháng 2/2018, WHO cũng công bố con số đáng buồn liên quan đến rủi ro này: toàn thế giới, mỗi ngày có 830 phụ nữ tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ và sinh con.

Tỷ lệ này thiên về những nước đang phát triển, đặc biệt các vùng miền hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa thiếu thốn chăm sóc y tế, không có thiết bị hỗ trợ sinh sản… Đây quả là nỗi đau khi hàng ngàn phụ nữ ở những vùng miền này, chưa nói đến chọn lựa phương pháp sinh, còn nặng mang giấc mơ thai kỳ khỏe mạnh, có cơ hội được tiếp cận y tế để "mẹ tròn con vuông". 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI