'Đúng, con tôi là gay'

12/03/2018 - 15:57

PNO - Có bao nhiêu bà mẹ, đáp trả thẳng thừng với những ánh nhìn kỳ thị của những người xung quanh: “Đúng! Con tôi là gay”.

Trong quá trình thực hiện chuyên đề này, tôi có cơ hội ngồi nói chuyện với nhiều bà mẹ có con là người thuộc giới tính thứ 3 (hay còn gọi là LGBT). Trong số họ, có người nổi tiếng, có người làm viên chức nhà nước, cũng có người chỉ quanh quẩn nội trợ, hàng quán ở nhà.

Khi kể câu chuyện về đứa con của mình, hầu hết họ giống như những con nhím, sẵn sàng dựng ngược gai nhọn lên bất cứ lúc nào, như một cách đáp trả thẳng thừng trước định kiến xã hội vẫn còn nhiều khắt khe với đứa con mà họ rứt ruột đẻ ra.

'Dung, con toi la gay'
Hình ảnh tại một sự kiện Tôn vinh sự đa dạng do ICS tổ chức

Chuyện bắt đầu từ bước chân ngập ngừng trước cổng tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM cách đây hơn 7 năm của cô Nguyễn Lan Mộng (48 tuổi, ở Q. Bình Tân, TP.HCM) khi cô chạy xe mười mấy cây số tìm đến dự tọa đàm “Giúp con sống thật” do báo phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới ICS (lúc đó tên là Nhóm kết nối và chia sẻ thông tin) tổ chức. Mục đích tìm cách chữa bệnh cho đứa con “bê-đê” của mình.

Cô nhớ lại: “Lúc đó, nhắc tới hai chữ "bê-đê", người ta ác cảm dữ lắm, phải làm sao bây giờ? Hỏi gia đình thì gia đình bảo phải nhốt nó lại, cách ly nó. Hỏi bạn thân thì bạn bảo mình không biết dạy con, giờ phải tống ra nước ngoài.

Hỏi ông xã cũ, ổng bảo tại mình ly hôn nên con mới như vậy, giờ ép nó cưới vợ sinh con, một thời gian sẽ hết "bệnh". Tôi nghĩ tới viễn cảnh tương lai tối mù đó, vừa thương con vừa tủi hổ, có bao nhiêu bực dọc, đau đớn, tôi trút hết lên người nó. Tôi kèm cặp, cấm cản, chửi mắng rất nhiều. Sau nó trầm cảm và có một hôm, tôi phát hiện ra nó muốn tự tử thì hết hồn”.

Do hay đọc Báo Phụ Nữ TP.HCM nên cô Mộng thấy trên báo có diễn đàn dành cho người đồng tính và biết tới buổi tọa đàm. Đó cũng là lần đầu tiên, một người quanh năm suốt tháng chỉ biết hàng quán và nội trợ như cô, giấu con để tham dự sự kiện cộng đồng về người đồng tính.

Cô Mộng kể tiếp: “Đến đó, nghe người ta nói, đây không phải là bệnh, về nhà, tôi bối rối lắm, nghĩ bụng sẽ tìm hiểu thêm. Hôm sau, Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng một bài lớn, tôi đưa cho con trai xem và kể hôm qua mẹ đi tới buổi này… Nó đọc, hiểu và cười. Lần đầu tiên sau hơn một năm trời “chiến tranh lạnh”, hai mẹ con mới cười với nhau nhẹ nhõm như vậy. Biết tôi quan tâm, nó mới nói chuyện dần dần cho tôi nghe”.

Từ đó, cô Mộng tham gia hết tọa đàm này đến hội thảo khác. Cô đăng ký làm thành viên của cộng đồng các bà mẹ có con đồng tính. Cô nhớ lại từ những buổi đầu tham gia, các bà mẹ gặp nhau là khóc, cho tới sau này thay đổi về nhận thức ra sao... Giờ nhìn lại, cô nói: “May mắn lúc đó mình đi đúng hướng. Nếu không, mình sẽ nghe lời mọi người đẩy con vào bước đường cùng. Giờ con đã có bạn trai, hai đứa cũng đang dự tính tương lai”.

Có bao bà mẹ, ông bố đã từng giống cô Mộng? Có bao nhiêu bà mẹ, đáp trả thẳng thừng với những ánh nhìn kỳ thị của những người xung quanh: “Đúng! Con tôi là gay”? Khi xã hội tiến thêm một bước, tiệm cận tới văn minh và tưởng chừng, mọi thứ đã có thể “dễ thở” hơn, thì có vẻ, sự kỳ thị vẫn đang bóp nghẹt một ai đó, một mái nhà nào đó, ở một nơi nào đó. Và khi chiếc “vòng kim cô” của lễ giáo, văn hóa truyền thống tưởng chừng đã nới lỏng ra một chút thì vẫn có những người đang sống với thân phận thật của mình trong bóng tối.

Văn hóa Á Đông từ xưa đến giờ vẫn trọng yếu tố gia đình. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (tội bất hiếu có ba, không con nối dõi là tội lớn nhất). Và như “luật” bất thành văn, chẳng ai bảo ai nhưng đều răm rắp nghe theo: con cái đến tuổi thì phải dựng vợ gả chồng. Nếu đi ngược điều đó là không hợp lẽ tự nhiên, là bất hiếu. Mà trong quan niệm từ xưa tới nay, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Phụ nữ trở thành người “chịu sào” khi con cái của họ không giống những người khác.

Trong những phụ nữ tôi gặp, có người từ chối xuất hiện trên báo, dù họ rất muốn. Có người giơ hai cánh tay bị chồng bạo hành vì tội “không biết đẻ, đẻ ra thứ gì đâu”. Có người bị chồng quay lưng bỏ đi khi biết tin con đồng tính. Có người hiện nay đang chưa biết đối diện với hai bên gia đình nội, ngoại như thế nào. Có người không biết con cái bỏ đi đâu sau khi từ nó. 

Khi được hỏi về quan điểm của phụ huynh giữa nông thôn và thành thị về câu chuyện này có khác nhau không, một cán bộ tại Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết: “Nhóm phụ huynh tiếp cận thông tin càng nhiều, càng có cơ hội bao dung với con họ và ngược lại. Đừng nghĩ, phụ huynh ở thành thị cởi mở hơn phụ huynh ở nông thôn. Tri thức bị cầm tù bởi sự ích kỷ, nó còn khủng khiếp và đáng sợ hơn nhiều”. 

Chuyên đề này như một bông hoa, dành tặng những người mẹ dũng cảm, đã không bỏ lại con trên con đường tìm kiếm chính mình. 

Đậu Dung

Hoa hậu Thu Hoài: Nếu có chuyện đổ thừa, tôi sẽ chọn con

* Phóng viên: Trong một chương trình truyền hình hồi đầu năm, sau khi nghe chị chia sẻ về đứa con đồng tính của mình, nhiều người đã cảm thấy bất ngờ… 

Hoa hậu Thu Hoài: Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện đó, rất nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBT nhắn tin trên Facebook và gửi email cho tôi. Họ rất ngưỡng mộ và họ cũng mong mẹ mình như thế. Qua chuyện đó, tôi thấy rằng, con mình cũng đã khổ sở như thế nào. Tôi cho rằng, môi trường và hoàn cảnh gia đình không nói lên được việc con mình sinh ra đồng tính hay không.

'Dung, con toi la gay'
Hoa hậu Thu Hoài và con

Tôi không muốn dùng chữ “bị” trong câu chuyện này mà gọi là “xu hướng”. Xã hội ngày xưa cũng có, nhưng họ phải giấu mình đi, âm thầm chịu đựng. Thời đại bây giờ cởi mở hơn, mình là mẹ, mình cũng phải thay đổi mới có thể nói chuyện được với con. Nếu hai mẹ con không có gì để nói với nhau, khoảng cách sẽ ngày càng lớn. Rồi một ngày nào đó, chưa biết chừng, mình sẽ “mất” con. 

* Lần đầu tiên, nghe tin con trai là người đồng tính, cảm giác của chị ra sao?

- Lúc đầu, khi nghe bạn nói con mình đồng tính, tôi bị sốc thật sự, giống như nghe tin con mắc bệnh nan y vậy. Sau đó, suy đi nghĩ lại tôi thấy, mình làm mẹ sao kỳ cục quá. Con vẫn sống bình thường, vẫn đi học, vẫn vui đùa cùng bạn bè... có gì đâu mà mình như vậy. Tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu để định hướng con mình sống theo cách nào tốt nhất. Đồng thời, vẫn kiên nhẫn chờ một ngày con sẽ tâm sự với mình. Trong 4 năm chờ đợi đó, tôi phải dặn lòng đừng làm gì để ảnh hưởng tới con.

Cứ để nó sống bình thường, mình chỉ cần chú ý, quan tâm nó hơn là được. Tôi chỉ sợ duy nhất một điều là con đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhỡ làm rồi, sau nó hối hận thì phải làm sao? Chưa kể, phẫu thuật chuyển giới như vậy, tuổi thọ sẽ giảm. Nghĩ rồi thấy thương con, lo cho con vậy thôi, chứ không phải mình sợ mất mặt.

Cho nên, khi thấy những bạn phẫu thuật chuyển giới, tôi rất thương. Có người phẫu thuật về bị cha mẹ từ mặt, có người được gia đình ủng hộ, chấp nhận. Trong số những bậc phụ huynh chấp nhận đó, có không ít người sống ở quê, nơi mà lễ giáo vẫn còn nặng nề. Họ đã rất dũng cảm và mạnh mẽ để vượt qua dư luận. 

* Thực tế có những gia đình đổ vỡ vì người chồng không chấp nhận và trút cơn thịnh nộ lên người vợ khi phát hiện con là người đồng tính…

- Bởi vậy, nữ quyền rất quan trọng. Khi phát hiện con mình đồng tính, phụ nữ rất cần sự chia sẻ của người đàn ông bên cạnh mình. Con sinh ra nó có như thế nào cũng xuất phát từ cả cha lẫn mẹ, chứ không riêng một mình ai cả. Người vợ phải làm thế nào để người chồng hiểu, cả hai phải chung sức giúp con… Ở đây, không có chuyện đổ thừa. Nếu có, tôi sẽ chọn con, chứ không phải ai khác, kể cả chồng. 

* Hiện tại, hai mẹ con nói chuyện với nhau như thế nào? 

- Nói đủ thứ. Ví dụ nói về chuyện “bồ” của con, tôi hỏi: “Dạo này thích ai không? Dáng con dạo này phì quá, phải có múi thì người ta mới thích”. Tôi hướng con mình đừng bi lụy, phải làm gì đó có sức hút. Nó mà thất tình, mình cũng mệt lắm. Nó như con mèo ướt, nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Tôi vẫn luôn bảo con, trong giới này, có rất nhiều chuyện phức tạp và con phải mạnh mẽ.  Nói vài lần thấy tỉnh ra. Tôi có một mơ ước, sau này lớn tuổi, mọi thứ ổn định, tôi sẽ tham gia hoạt động cộng đồng nhiều hơn, chẳng hạn: phụ nữ bình quyền, chống bạo hành gia đình… 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI