Đừng bắt con điều chỉnh giới tính

16/10/2017 - 15:35

PNO - Mong con trở về “bản năng gốc”, có thể hiểu là trong ý của cha, con gái mình đang không là chính nó. Con đang không là chính mình hay cha mẹ chưa chịu hiểu con là ai?

“Em đã thổ lộ với cha rằng mình là đồng tính nữ được một năm. Cha không phản đối, nhưng yêu cầu em phải điều chỉnh lại. Xin các cô, các anh chị, các bạn cho biết điều chỉnh ở đây là điều chỉnh như thế nào?”.

Dung bat con dieu chinh gioi tinh
 

Có tiếng cười râm ran hội trường buổi workshop Hiểu để yêu thương (thuộc dự án Be loved Be yourself do nhóm sinh viên của Vietseeds Foundation và Seeds UNIV tổ chức hồi đầu tháng 10/2017) khi nghe chia sẻ trên.

Nhưng rồi mọi người lặng đi khi cô gái trẻ ấy đứng lên cùng tiếng nấc. Ngồi ghế bên cạnh là cha cô - chỉ cách gang tấc mà như có bức tường ngăn để không thể cất nổi một câu: “Cha ơi, con đã cố ngoan rồi, đã cố học giỏi; con thi đậu đại học rồi, con còn phải điều chỉnh những gì nữa hả cha?”.

Cha muốn con trở về “bản năng gốc”

Nhìn cô gái đầy nữ tính với mái tóc chấm vai, chiếc áo tay loe, nhún bèo… đâu đó một ý nghĩ thoáng qua, liệu cô gái chọn chiếc áo này do sở thích của mình hay muốn đẹp lòng cha? Thân hình rắn rỏi, nước da rám nắng cho hay ở người cha đơn thân này, gió sương mưu sinh không dễ gì quật ngã. Nhưng với vấn đề của con gái mình, ông không đứng vững để đối mặt.

Ông kể, con gái ông đã nói về việc cô không thích và sợ con trai; cô đã tìm hiểu năm, sáu năm để nhận ra “mình là ai”. “Nghe con tâm tình, tôi lặng người và mất thăng bằng từ đó đến nay. Tôi muốn con quay lại là con gái dù tôi không có con trai. Tôi muốn mỗi con người trở lại là chính mình, về với bản năng gốc” - người cha Nguyễn Văn T. (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói.

Trong buổi workshop ấy, có rất nhiều ý kiến, chia sẻ về chuyện chăm sóc sức khỏe người chuyển giới, các quy định của pháp luật, hôn nhân đồng giới... nhưng cả khán phòng đã ngừng lại lâu với câu chuyện của hai cha con vì được gia đình hiểu, thừa nhận là cội rễ hạnh phúc của mọi người con. Chuyện nhà ông T. như một chiếc gương mà ai soi vào cũng thấy một phần đời mình trong đó.

Dung bat con dieu chinh gioi tinh
 

Chị Jessica (một trong những người chuyển giới đầu tiên của Việt Nam, chủ hiệu trang điểm, thiết kế thời trang ở TP.HCM) khiến cả khán phòng nín thở với câu hỏi: “Con người có ai muốn mình phải xài thuốc hay phải tiêm chích, mổ xẻ? Tôi cũng sợ vậy, mũi tiêm hormon nữ đầu tiên làm cho tôi sốt, phát hoảng. Tôi từng đứng trước gương, cầm dao lam định cắt phăng đi thứ không phải của mình. Khi sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, tỉnh dậy, tôi chỉ xin bác sĩ cho mình được chết vì ho cũng đau, nhúc nhích cũng đau.

Nhưng tôi đã chấp nhận đánh đổi tất cả để mỗi sáng nhìn vào gương, có một cô gái trong ấy nhìn tôi, mỉm cười. Khát khao thân xác trở về là một người phụ nữ luôn cháy bỏng, thôi thúc, nhưng nếu cứ chờ hoài thì ai, ai sẽ đem đến cho tôi đây? Những ai thân khác - hồn khác sẽ hiểu thế nào là bức bối, bóp nghẹt và hiểu giá trị của sự trở về”.

Bó tay với sự thể hiện nữ tính ngày càng nhiều của con trai, trước đây, mẹ chị Jessica đã tuyên bố thẳng thừng: “Mày làm gì thì làm, 30 tuổi phải lấy vợ sinh con!”. Như vậy, khác nào đã hại một đời người. Liên tưởng đến trường hợp cô gái 18 tuổi, con ông T., lệnh của cha “trở về bản năng gốc” - phải yêu con trai, lấy chồng, sinh con... chẳng phải là khơi mào cho tấn bi kịch đời con? Nếu cô gái nhắm mắt vâng lời, đêm đêm nằm cạnh chồng, cô sẽ ra sao? Quãng đời đó chẳng lẽ cha mẹ không lưu tâm?

Bao lâu để nắm tay con?

Bà Đinh Thị Yến Ly (Chủ tịch Hội Phụ huynh có con đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam - Pflag VN) trân trọng sự có mặt của ông T. trong buổi workshop. Như nhiều bậc cha mẹ khác, bà mong con lớn khôn, học hành đàng hoàng, lập gia đình, sinh con. Nhưng hoàn toàn sụp đổ cái lộ trình vạch sẵn đó khi bà phát hiện trang nhật ký con trai tỏ tình với một bạn trai khác.

Lo sợ, hoảng loạn biến thành giận dữ, bà bắt con đốt nhật ký, không được giải thích và cấm để xảy ra lần nào nữa. Áp lực “để càng lâu con càng lậm” khiến bà ráo riết tìm phương cách - hết dắt con đi gặp các nhà tâm lý đến vào nhà chùa nhờ các cao tăng “chữa trị”. Kết quả: con chẳng thay đổi mà không khí gia đình càng thêm căng thẳng, mẹ con không trò chuyện, không ăn cơm chung.

Bà viết cho con nhiều lá thư với cùng nội dung “buộc con quay đầu”. Những cánh thư lọt thỏm vào khoảng không. Cho đến một ngày, hồi đáp lại "tối hậu thư" của mẹ - đuổi con đi để sống với những gì mình cho là đúng đắn, con trai bà viết: “Con ước chết đi ngay lúc mới lọt lòng để khỏi làm khổ cha mẹ, là một tội đồ ô nhục dòng họ”. Cậu cũng xin mẹ cho mình được ở nhà đến khi tốt nghiệp đại học rồi sẽ ra đi, dù với cậu, không được sống gần cha mẹ là một hình phạt. 

Đến với buổi workshop cùng con trai, nay đã là thạc sĩ, giảng viên đại học, có đóng góp tích cực vào hoạt động vì quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), bà Yến Ly rưng rưng chia sẻ: “Giờ đứng đây, vui và ấm áp thế này, tôi rùng mình khi nghĩ nếu những tháng năm đó tôi không kịp lắng nghe con, kiên quyết đuổi con đi thì giờ đây biết nó lưu lạc nơi nào? Tôi chỉ có mình nó. Với anh T., tham dự buổi này, anh chỉ cần nhớ một điều đơn giản rằng con gái anh không muốn nó như vậy. Có ai mong rơi vào một nhóm thiểu số để ngày ngày phải đi đấu tranh đòi lại những quyền lợi cơ bản và tối thiểu vốn là của mình?”.

Mong con trở về “bản năng gốc”, có thể hiểu là trong ý của cha, con gái mình đang không là chính nó. Con đang không là chính mình hay cha mẹ chưa chịu hiểu con là ai? Phải tốn bao lâu, bao nhiêu nước mắt cho một thâm tình đi lạc vì chữ “hiểu” muộn màng đó?

Mười năm, tám năm, ba năm hay chỉ một phút để chấp nhận và ôm con vào lòng? Trên thực tế, đã có biết bao bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT bị cha mẹ kỳ thị, ghẻ lạnh, ngược đãi nên đã chọn là chính mình khi giã từ cuộc sống. Tại sao lại có sự đối chọi một mất một còn giữa “được là mình” và được gia đình chấp nhận, yêu thương?

Buổi workshop kết thúc, dáng liêu xiêu của ông T. khuất dạng qua đám đông các bạn trẻ LGBT đang xúm xít tạo dáng chụp hình lưu niệm, rời khỏi nơi chưa cung cấp cho ông phép giải... đưa con gái về “bản năng gốc”. Dù sao, hy vọng ông biết được con gái cần ông hiểu, yêu thương nó mà không kèm theo cái điều kiện cả đời cô không làm được. 

Chương trình Hành trình hiểu về nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về LGBT do Pflag VN tổ chức sẽ diễn ra lúc 13g30, ngày 22/10 tại khách sạn Sen Việt (33 Cao Thắng, P.2, Q.3, TP.HCM). Đăng ký tham dự qua số: 090.722.8393.

Tô Diệu Hiền

Con thương ai là chuyện của con, miễn được hạnh phúc

Một sáng, bà Hạnh Nhi (ngụ Bình Dương) đang làm việc trên máy tính, con gái tiến lại gần thổ lộ: “Mẹ ơi! Con nói mẹ nghe. Con không yêu con trai, chỉ yêu con gái thôi”. Sửng sốt, bàng hoàng dù trước nay linh tính đã ít nhiều mách bảo, bà Nhi cố kéo màn hình lên xuống, chuyển trang mong đánh lừa cảm xúc. 

Rồi không hiểu từ đâu, bà tuôn ra những lời lẽ mà mãi đến giờ bà vẫn “nể” mình: “Con yêu ai đâu có gì quan trọng. Con thương ai hay sống với ai là chuyện của con, miễn con hạnh phúc là mẹ hạnh phúc. Mẹ chỉ sợ con đang thù ghét và rắp tâm hại ai thôi!”. Ân cần, chân thành, bà khẳng định với ông T.: “Con gái anh như vậy là như vậy, nó không thể giống người bên cạnh”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI