Đổi đời nhờ... chồng bỏ

20/09/2017 - 10:33

PNO - Đùng một cái, chị nghe tin chồng có bồ. Mấy người em họ còn chụp ảnh, quay video lại cho chị coi anh chồng và bồ dắt tay nhau đi siêu thị sắm đồ...

Chị Vũ Thị Lợi (SN 1978), trú tại buôn Phih Ja, xã K’rông nô, huyện Lắc (Đắk Lắk) vừa bận rộn với mấy đứa trẻ hàng xóm gửi trông, vừa bán nước mía cho khách. Sau nhà, con gái nhỏ 11 tuổi tranh thủ rửa chén bát, con trai lớn 13 tuổi phơi đồ cho mẹ, rồi cả hai chuẩn bị tới trường. 

Doi doi nho... chong bo
Con trai, con gái luôn sát cánh bên mẹ

“Gái đi học, qua chợ nói người ta chở cho mẹ bao than nhé. Anh Hai tan học về ngay phụ mẹ trông các bé, đừng đá banh nữa”, chị Lợi dặn dò hai con. Căn nhà khang trang mới cất hai năm trước, chị bảo nhờ dành dụm tiền bạc từ ngày chồng bỏ đi, suốt mấy năm mới làm được nhà: “Ông ấy bỏ đi theo người khác, mẹ con tôi mới có dịp đổi đời. Ngày trước quanh năm lo trả nợ cho chồng. Cực lắm! Không ngẩng đầu lên nổi”.

Kết hôn từ năm 2003, chị lấy chồng do sức ép của cha mẹ. Chồng chị là một anh thợ mộc người Huế vào Đắk Lắk hành nghề, cha mẹ chị ham cái nghề mộc của anh với quan niệm “một nghề thì sống…”, mặc dù anh đã qua một đời vợ và có con trai riêng.

Nghĩ phận mình không xinh đẹp, lại là gái quê nên chị đồng ý cưới. Ba năm sau, sinh hai đứa con, khi con gái nhỏ mới được 14 ngày thì chồng chị nói cần đi làm ăn xa. Chị gom được năm triệu đồng từ tiền vác cà phê mướn, cho chồng làm lộ phí. Nửa tháng sau anh về thăm con, cho chị mấy trăm ngàn, rồi lại đi.

Nửa năm sau, anh đưa bà mẹ bị bệnh từ Huế và cậu con riêng vào cho chị chăm nom, rồi đi biền biệt. Một năm sau anh trở lại, cho vợ được hai chiếc thẻ điện thoại 50 ngàn đồng. Chị giận, nói: “Anh mang tiền nhà đi làm ăn, giờ về không có một đồng nuôi mẹ, nuôi con. Đưa cho em hai cái thẻ điện thoại làm gì. Thôi anh giữ luôn đi”.

Suốt thời gian chồng đi làm xa, con còn nhỏ lại bận thêm mẹ chồng già, chị Lợi không đi làm thuê được, bèn tổ chức giữ trẻ tại nhà, vừa có thu nhập vừa tiện trông con. Vì biết cách chăm trẻ, lại thương yêu chúng như con đẻ, nên các gia đình rất tin tưởng, có thời điểm “nhà trẻ” của chị khá đông, tới 15 cháu. Bình quân mỗi trẻ chị lấy 1,5 triệu đồng/tháng.

Có tiền nuôi mẹ chồng và ba đứa con, mỗi tháng chị bỏ tiền dư mua từ nửa chỉ đến một chỉ vàng phòng thân. Trong lúc đó, chồng chị kêu làm ăn thua lỗ, liên tục về nhà xin tiền vợ. Từ ngày lấy chồng, ước mơ của chị là có một căn nhà riêng, nhưng chưa thực hiện được. Căn nhà trọ 500 ngàn đồng/tháng tuềnh toàng, trống trơn, chị phải kiếm gỗ về cặp vách.

Đùng một cái, chị nghe tin chồng có bồ. Mấy người em họ còn chụp ảnh, quay video lại cho chị coi anh chồng và bồ dắt tay nhau đi siêu thị sắm đồ, rồi cùng về một nhà trọ ở Đà Lạt. Chị uất giận gọi điện tra hỏi, anh nói đó chỉ là bạn. Chị phải cất công gửi con cho hàng xóm, lên Đà Lạt “nắm tận tay, day tận mặt” anh chồng.

Về nhà, má chồng bênh con trai, chửi chị thậm tệ. Bà nói hồi nào tới giờ chị sống nhờ con trai bà mà không biết điều, còn làm mất mặt chồng. Chị đau đớn muốn chết đi cho xong. Cha mẹ đẻ cũng xót, ân hận vì đã ép con gái vào nơi chẳng ra gì. Mẹ chị gọi rể về, la mắng một trận. Anh ta tự ái, đem mẹ và con riêng lên Đà Lạt ở với vợ mới.

Chị Lợi cười buồn, nói rằng chồng bỏ đi mà mình gặp may. Hai năm sau chị dành tiền mua đất, xây được cái móng nhà, tới năm 2015 mới mượn thêm tiền gia đình, bạn bè, cất nhà mới. Thoát khỏi cảnh đi ở trọ, bớt đi những khoản nợ bất tử từ chồng, chị chuyên tâm vào nghề giữ trẻ, tần tảo nuôi hai con ăn học. “Giờ một đứa học lớp 7, một đứa lớp 5. Học không giỏi lắm nhưng biết thương mẹ, rất chăm chỉ việc nhà”, chị khoe.

Điều áy náy nhất của chị vẫn là việc nhà chồng. Chị thương bà má chồng bệnh qua đời ở Đà Lạt, phải mang về Đắk Lắk chôn cất. Thi hài quàn ngoài nghĩa trang ba ngày để chờ giờ hạ huyệt, bên trên chỉ có tấm bạt che. Chồng chị có thêm một đứa con với vợ mới, rồi cũng chia tay đường ai nấy đi. 

Từ cuối năm ngoái, anh lân la về thăm con, năn nỉ chị cho quay trở lại, nhưng chị không đồng ý. Mẹ con chị quen sống đùm bọc nhau mấy năm nay rồi. Cô con gái út vẫn buồn việc cha không nhận nó là con, đổ thừa chị có con với người khác, nên nhất định không muốn cha trở về.

“Tại hồi đó cha mầy mê gái nên nói ẩu thôi, chớ hai cha con y hệt cái mặt. Thôi đừng giận nữa”, chị khuyên con gái vậy, nhưng trong lòng không còn chút nuối tiếc. Chị đã “đổi đời” khi bị chồng bỏ, giờ để anh về, biết đâu lại rước họa vô nhà, làm khổ các con. 

Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI