Đi tìm hạnh phúc

15/02/2017 - 06:30

PNO - Gia đình sẽ hạnh phúc và phát triển khi mọi thành viên là những người bạn đồng hành.

Để diễn tả tình yêu cuộc sống của Phan Hà Anh - một phụ nữ viết văn hay, lại đảm đang và đầy nghị lực, có lẽ chỉ cần vài từ: “Hành trình đi tìm hạnh phúc”. Đó cũng là tên một cuốn sách của chị được đông đảo người đọc đón nhận. Trên hành trình ấy đã có những gì? Nước mắt, nỗi buồn, niềm vui song hành và những chấp nhận, những đối đầu chị đã chọn cho mình để tìm kiếm hạnh phúc…

Hành trình bất ngờ

Hơn mười năm trước, Hà Anh không hề nghĩ mình sẽ thành người như bây giờ. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên từ một khu chợ tồi tàn, suốt ngày phụ mẹ bán đậu phụ và mắm tôm, mặt mũi đen nhẻm, cả người luôn… bốc mùi. Gia đình khó khăn, chị phải rất chật vật mới có thể tốt nghiệp cao đẳng. Tất cả những thứ ấy được chị gom góp làm vốn liếng cho con đường hơn mười năm xa xứ.

Di tim hanh phuc
Hà Anh và chồng con

Ra trường, Hà Anh thực tập tại một khách sạn ở miền quê. Uwe Effenberger - người đàn ông sau này đã gắn bó cuộc đời với chị, giám đốc dự án một công ty đóng tàu biển của Đức, tình cờ đến nghỉ tại khách sạn này. Trước đó không lâu, Hà Anh vừa vật vã chấm dứt một cuộc tình. Không ngờ, chị lại gặp cái tình yêu sét đánh với người đến từ phương xa ấy. “Điều gắn bó chúng tôi với nhau chỉ có thể gọi là tình yêu. Một tình yêu có sự quan tâm chân thành từ hai phía” - chị chia sẻ.

Rồi Hà Anh lấy chồng, chẳng mấy người thân quen được biết vì chị không thông báo. Cũng có vài anh chàng ngẩn ngơ tiếc nuối khi bất ngờ biết tin chị lấy chồng xa xứ... Lại có người hiểu lầm, trách chị “tham vàng bỏ ngãi” khi lấy chồng Tây. Thật tình, nếu Hà Anh ở lại Việt Nam, có thể chị đã thành vợ của một trong số những anh chàng vẫn theo đuổi chị; nhưng số phận lại đem trái tim chị đặt vào bàn tay một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Họ gặp tình yêu sét đánh thực sự: yêu nhau ba tháng, cưới nhau trong ba ngày. Và giờ, họ đã có hơn chục năm chung sống, với hai thiên thần nhỏ.

Hành trình đến với hạnh phúc của chị không hề là “tham vàng bỏ ngãi” mà đầy gian nan. Giờ chị vẫn nhớ như in những vất vả để đến được với ngày cưới. Chị nhận lời cầu hôn của anh vì nhận ra sự chân thật hiển hiện: “Khi chúng ta là vợ chồng, sẽ không ai chia lìa được. Chúng ta sẽ mãi ở bên nhau. Mình cưới nhau nhé”.

Sau khi sang Đức ra mắt gia đình người yêu, visa của chị hết hạn, buộc phải quay về Việt Nam. Chờ giấy tờ từ Việt Nam gửi sang phải khá lâu vì vướng lễ tết. Chị đã nản lòng, định quay về thì anh động viên: “Mình cùng nhau làm thì chắc chắn thành công, đừng bao giờ bỏ cuộc trước khi chưa biết cái gì sẽ đến”.

Qua thông tin trên internet, anh chị nhận thấy rất nhiều đôi đã cưới nhau suôn sẻ ở Scotland và Đan Mạch nên quyết định chọn Đan Mạch để kết hôn, đơn giản là vì gần hơn. Gọi điện cho văn phòng đăng ký kết hôn ở Đan Mạch thì không ai bắt máy vì đang kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, anh chị đánh liều trực tiếp đi Đan Mạch, cụ thể là đến thị trấn Tonder giáp ranh với Đức. “Trời lạnh căm căm, mưa đá rơi lộp cộp trên cửa kính xe, nhìn hai bên đường chỉ thấy toàn cây khô, cừu, ngựa... Đêm hôm ấy tôi ngủ, cừu và ngựa tung tăng cả trong giấc mơ. Tonder là một thị trấn nhỏ, buồn thiu như đang bị bỏ hoang.

May mắn, sau vài ngày ở lại đó để giải quyết các thủ tục, chúng tôi được họ đồng ý cho tổ chức lễ cưới. Lễ cưới diễn ra không hề như trong tưởng tượng của tôi. Chỉ có cô dâu,  chú rể, người chủ trì và một bà làm chứng người Singapore. Không hoa hồng, không váy cưới, không họ hàng, không nhẫn, không sâm banh… tóm lại là không gì cả. Cũng may là có mang theo cái máy ảnh, nên ghi lại được khoảnh khắc ấy”.

Chị dừng một lúc rồi chia sẻ: “Điều ấn tượng nhất khiến tôi quyết định kết hôn với anh là nhận ra anh sống đầy trách nhiệm, không tìm cách tránh né khó khăn. Anh không giàu, không trẻ nhưng tôi nghĩ, những giá trị đó đều không bền vững mà sẽ tàn đi theo thời gian”.

Hà Anh đặt chân đến nước Đức vào mùa đông, lấy chồng mùa đông, đi học mùa đông và có lần… đi lạc cũng vào mùa đông. Một mình lạc giữa khu rừng đầy tuyết trắng lạnh lẽo, xung quanh chỉ thấy cây khô, không một bóng người, chị bật khóc tự hỏi: “Mình đang làm gì ở đây thế này? Mình đâu có thuộc về nơi này! Mẹ ơi, con muốn về nhà”.

Chị nhớ lại: “Mùa đông đầu tiên buồn khủng khiếp, không ngày nào tôi không có nước mắt, dù được chồng cưng chiều hết cỡ. Những ngày tháng đầu tiên ăn cơm không nước mắm, không canh mùng tơi, không đậu phụ mắm tôm, tôi thấy mọi thứ đều quá đỗi xa lạ. Mỗi lần nhìn thấy người châu Á, bất kể Tàu, Phi, Sing hay Việt, chỉ cần tóc đen mũi tẹt là tôi nhào đến làm quen ngay. Chỉ thèm được nghe một câu tiếng Việt…”.

Phụ nữ luôn cần được yêu

Nhắc đến chồng, Hà Anh luôn dùng những từ ngữ đầy âu yếm và tôn trọng. Hơn mười năm tận tụy lo từ miếng ăn đến giấc ngủ cho vợ, đến nay anh vẫn là người tình, người bạn, người thầy, người cha chị luôn yêu thương, tôn trọng. Hơn mười năm yêu một người mà chị không hề thấy chán. Chị từng nói, mình là người luôn muốn được yêu, luôn cần có người để mình yêu và thể hiện tình yêu qua những bữa cơm ngon, những buổi tối hẹn hò, những lần tay trong tay kéo nhau hối hả chạy trong mưa… Tự nhận mình là mẫu phụ nữ luôn thèm khát tình yêu, đôi khi chị tự hỏi, nếu không phải là anh mà là người khác, thì mình có yêu người ta đến vậy không? Hà Anh vẫn luôn cảm ơn số phận đã gắn kết mình với anh.

Nói vậy nhưng không phải bỗng dưng số phận đặt ngay hạnh phúc vào tay chị. Hà Anh vẫn phải vun trồng từng ngày bằng tình yêu và sự trân trọng của mình. Cuộc sống vẫn có những va chạm bởi hàng tỷ thứ khác biệt vốn có giữa vợ Đông chồng Tây. “Nhưng, vợ chồng như cái chìa và ổ khóa, có mài giũa thì mới mở lòng nhau được. Tính mình nóng nhưng nói xong là thôi, lại ôm nhau làm hòa, không giận lâu được. Có như thế thì mới êm thấm, thuận hòa, chứ cay nghiệt với nhau từng chuyện nhỏ nhặt thì ở một mình cho thoải mái”, Hà Anh cười.

Chị kể, hơn mười năm gắn bó, chưa một lần vợ chồng nói trống không với nhau, mà bao giờ cũng có “làm ơn”, “cám ơn”… Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, chị hay nói “Ich, Mich, Mein, Meine… (Em, vì em, của em…), là chồng chị sẽ chỉnh lại ngay: Em nói sai rồi, em phải nói: Wir, Uns, Unser (Chúng ta, vì chúng ta và của chúng ta).

Trong gia đình chị, các quan hệ đều được chăm sóc bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Yêu thương thôi chưa đủ, mà sự tôn trọng mới thật sự là điểm cực kỳ quan trọng trong quan hệ gia đình. Mẹ chồng Hà Anh muốn làm gì với hai cháu đều hỏi ý kiến hai vợ chồng. Ngược lại, có kế hoạch gì, hai vợ chồng cũng đều hỏi ý kiến bà. Bà rất yêu quý con cháu nhưng không bao giờ can thiệp vào chuyện riêng của các con. Khi Hà Anh gặp mẹ chồng lần đầu tiên, bà đã xấp xỉ bảy mươi, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, tháo vát. Bà là một phụ nữ Đức vừa cổ điển vừa hiện đại. Bà luôn coi chồng con là trên hết và đối xử với con dâu như con ruột.

Bà thật sự là chiếc cầu nối các thành viên gia đình. Bà nhắc mọi người ngày sinh của một người họ hàng; bà tưới cây, lấy thư cho con cháu khi chúng đi nghỉ hè; bà đưa đón cháu đi học chính khóa, ngoại khóa… “Mình không bao giờ phải lo quà cáp những ngày lễ lạt cho nhà chồng vì việc đó đã có chồng lo. Những món quà mình tặng mẹ chồng chỉ đơn giản là một lẵng hoa nhỏ, một tấm thẻ mua hàng, một buổi chiều mời bà đi cà phê hay xem phim, xem kịch cùng các cháu. Chỉ vậy thôi nhưng bà rất thích”, Hà Anh nói về mẹ chồng đầy vẻ yêu quý.

Ngày mai sẽ hơn hôm qua

Công việc chính của Hà Anh trong mười năm ở Đức là chăm sóc gia đình, tranh thủ những khoảng thời gian rỗi để viết lách. Chị cũng tự mày mò đọc và dịch các tài liệu trên mạng để học thêm tiếng Đức. Viết vài truyện ngắn, dịch vài bài báo… tiền kiếm được không nhiều nhưng chị luôn đam mê. Nó giúp chị vượt qua những tháng ngày trống trải. Sáng tác của chị từng đoạt giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Đan Mạch tổ chức.

Đa số tác phẩm của Hà Anh xoay quanh chuyện gia đình, con cái, vợ chồng…  Với hai cuốn sách được xuất bản (Hành trình đi tìm hạnh phúc và Làm dâu nước Đức), một cuốn sách tham gia dịch Hậu trường Wikileaks và rất nhiều bài báo đăng rải rác, chị rất vui khi gia đình, bố mẹ tự hào về con gái, chồng chị tự hào về vợ, các con chị tự hào về mẹ.

Con cái dần lớn lên, quỹ thời gian dành cho con của chị cũng bớt đi, Hà Anh chuyển sang một chặng đường mới: cố gắng hoàn thành chương trình THPT ở Đức và thu xếp làm việc trong một công ty nhỏ gần nhà với thời gian linh động để còn lo cho con.

Chị chia sẻ: “Người ta đi Tây mười năm, chịu kiếm tiền là đã làm giàu. Còn mình thì chẳng kiếm được gì ngoài vài chữ làm vốn lận lưng. Ngay từ khi đặt chân sang đất nước này, mình đã xác định sẽ cố gắng học. Mong muốn đó theo đuổi mình đến tận ngày nay. Mình tin, một khi đã “muốn” thì người ta sẽ có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn trên con đường đã chọn. Nếu không dám đối mặt với khó khăn, mãi mãi sẽ chỉ giẫm chân một chỗ thôi”.

Tôi đã nhận ra sự nỗ lực không ngừng của Hà Anh khi theo dõi chị 360 blog cho đến facebook. Người mẹ ấy luôn cố gắng từ những điều đơn giản nhất trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của mình. Và đúng như chị nói, con cái có ước mơ của con cái và chúng sẽ nỗ lực để thực hiện. Còn mình cũng phải tự cố gắng với những ước mơ của mình. Gia đình sẽ hạnh phúc và phát triển khi mọi thành viên là những người bạn đồng hành.

Khi đánh dấu chọn ban Khoa học xã hội trong đơn xin học THPT, chị có cảm giác mãn nguyện vô cùng, dù nhiều người hỏi chị “học lại để làm gì?”. Chị trả lời đơn giản, chỉ vì mình muốn ước mơ được thực hiện, muốn làm những gì mình chưa làm được và chưa được làm. Biết là rất khó khăn nhưng mình sẽ bắt đầu từ đầu…

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI