Đi học sớm là trao cho con cơ hội rèn kỹ năng thích ứng

11/10/2017 - 14:04

PNO - Khoa học cũng đã chứng minh đi ngủ sớm và thức dậy vào mỗi buổi sáng sớm sẽ giúp đồng hồ sinh học của chúng ta hoạt động một cách đều đặn.

Gần đây, chuyện thay đổi khung thời gian học tập sớm hơn cho học sinh (có mặt tại trường lúc 6 giờ 45 phút) đã có khá nhiều phụ huynh lên tiếng, phàn nàn về việc học sinh phải đến trường sớm. Thay vì than phiền, kiến nghị thay đổi khung thời gian có bao giờ bạn nghĩ ta nên làm gì để con trẻ thích nghi với điều này?

Di hoc som la trao cho con co hoi ren ky nang thich ung
 

Bài viết của tôi thể hiện góc nhìn cá nhân theo hướng tập thích nghi và làm quen với hình thức mới thế nào để đối chứng với khung thời gian cũ.

Chúng ta đều biết, giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu và đầu tư giáo dục thế hệ trẻ trong thời đại ngày nay đang đặt ra nhiều thách thức to lớn cho ngành giáo dục. Việc áp dụng khung thời gian học tập cho học sinh gần đây thể hiện một bước đột phá mới dám thay đổi đồng thời cũng là một thách thức lớn cho những nhà làm công tác giáo dục.

Trong khoảng thời gian tìm ra khung thời gian học tập thích hợp nhất cho học sinh Việt Nam, phụ huynh cần đồng hành và có biện pháp hỗ trợ để con dần thích nghi với cái mới.

Cho trẻ thấy bố mẹ ủng hộ việc con đến trường sớm

Trong cuộc sống, môi trường giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người và lànền tảng cơ bản cho việc hình thành, phát triển nhân cách trẻ em.

Việc thay đổi giờ học sớm hơn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ nên bố mẹ phải nắm bắt tâm lý, chia sẻ, động viên khuyến khích tinh thần trẻ kịp thời.

Di hoc som la trao cho con co hoi ren ky nang thich ung
 

Tư tưởng và cách giáo dục từ gia đình ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Có thể chỉ cần người lớn tỏ thái độ khó chịu, phản ứng với cách thay đổi khung thời gian học tập ít nhiều tác động đến trẻ. Cho nên hạn chế gieo vào đầu trẻ những suy nghĩ không tích cực.

Cha mẹ đừng nên nghĩ đến trường đi học sớm là một khó khăn, thiệt thòi đối với trẻ mà thay vào đó hãy trao cho con mình cơ hội được học kỹ năng thích ứng. Việc thích ứng trước những thay đổi của cuộc sống luôn là điều cần có ở mỗi con người và con chúng ta cũng thế.

Giờ học được thay đổi sớm hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến thể chất của trẻ. Làm gì trước việc lịch học thay đổi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ thiết nghĩ cần chăm sóc trẻ từ những điều nhỏ nhất và nên bắt đầu từ giấc ngủ

Giúp con nhận ra tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc và đúng giờ

Các chuyên gia về sức khỏe thường khuyên chúng ta nên duy trì thời gian ngủ từ 7 - 8 tiếng và với học sinh có thể từ 8 - 10 tiếng (tùy theo lứa tuổi). Vì ngủ đủ giấc rất quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất cho trí não và hệ thần kinh của trẻ.

Biết được điều này, phụ huynh hãy cho con biết tác hại của việc không ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ khiến cơ thể diễn tiến phức tạp (hệ thần kinh không phản ứng với các kích thích, trao đổi chất giảm nhất là trong các tế bào thần kinh, suy nhược cơ thể,…). Từ đó giảm khả năng tiếp thu bài ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Một khi con bạn nhận thức đúng đắn về việc đảm bảo ngủ đủ giấc, đúng giờ thì sẽ có thái độ và hành vi tích cực hơn trong việc giữ gìn sức khỏe.

Trước thực tế trẻ phải đến trường sớm, phụ huynh cũng đừng quên hỗ trợ tinh thần khuyến khích con ngủ sớm dậy sớm để dần cho con làm quen và thích ứng.

Quản lý giờ giấc của con hợp lý, đúng cách

Nhìn nhận một cách khách quan, tâm lý chung của các ông bố bà mẹ Việt thường muốn dành những gì tốt nhất cho con từ miếng ăn giấc ngủ. Ít ai nỡ đánh thức con dậy sớm mà chỉ muốn chúng được ngủ thêm chút nữa. Cho nên có không ít phụ huynh phàn nàn về chuyện giờ học thay đổi cũng là chuyện dễ thấy và thông cảm.

Di hoc som la trao cho con co hoi ren ky nang thich ung
Tạo cho con thói quen đi ngủ đúng giờ. Ảnh minh họa

Giấc ngủ phải luôn được đảm bảo đủ và có giấc ngủ sâu để có sức khỏe tốt mà học tập, làm việc. Khoa học cũng đã chứng minh đi ngủ sớm và thức dậy vào mỗi buổi sáng sớm sẽ giúp đồng hồ sinh học của chúng ta hoạt động một cách đều đặn. Cho nên muốn trẻ dậy sớm mà đủ giấc đòi hỏi phải kéo theo việc đi ngủ sớm. Và dần bỏ tư tưởng chiều con và bao biện cho việc dậy sớm khó khăn với trẻ.

Trẻ nhỏ ý thức về quản lý giờ giấc còn hạn chế nên bố mẹ cần giúp con có khung thời gian biểu ăn uống, ngủ nghĩ và học tập sao cho khoa học và hợp lý.

Củng cố nếp sinh hoạt khoa học, thói quen tích cực cho con  

Thực tế là trẻ sống ở thị thành thường thức khuya hơn so với trẻ em nông thôn. Chính vì ngủ muộn dậy sớm đã khiến không ít trẻ đến trường trong tình trạng vẫn còn ngây ngủ hoặc ngủ gật trong giờ học chỉ vì ngủ không đủ giấc.

Trẻ em thành phố ngủ trễ có thể xuất phát từ chính bản thân trẻ (chưa muốn ngủ, phải hoàn thành bài tập ở nhà,…) hoặc từ những nguyên nhân khác (thói quen sinh hoạt gia đình, game, phim ảnh,…).     

Chuyện ngủ, thức đủ giấc và đúng giờ với một số gia đình đã được xây dựng từ trước thì nên duy trì để hình thành thói quen, nếp sống cho gia đình và cho trẻ. Với những gia đình chưa củng cố được thói quen này thì cần áp dụng ngay từ giờ.

Đi ngủ đúng giờ của cha mẹ và các thành viên trong gia đình có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nếp sống gia đình và thói quen sinh hoạt khoa học cho trẻ.

Hình thành một thói quen mới, một hành vi tích cực cho trẻ không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình. Tập làm quen với khung thời gian học tập mới của học sinh cũng vậy.

Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI