Để con tự đứng dậy

23/07/2017 - 11:05

PNO - Mẹ thường nói với tôi: “Con phải là con trong tương lai chứ không phải con của ngày hôm nay”. Từ mẹ, tôi học được cách tự lập và tự chịu hậu quả của những suy nghĩ và hành động của mình.

Trong đời sống mỗi người, những thói quen thật sự giữ vai trò cực kỳ quan trọng và đôi khi có thể hình thành từ rất sớm, trước cả khi chúng ta kịp nhận thức rõ hành vi của mình. Tôi may mắn được mẹ trao cho một thói quen tốt từ những năm tháng đầu đời - thói quen biết tự đứng lên…

De con tu dung day
Con phải là con trong tương lai. Ảnh minh họa

Một buổi chiều tôi chạy chơi quanh sân nhà thì vấp phải cái rễ cây, ngã lăn ra đất. Như những đứa trẻ khác, tôi bật khóc và đưa ánh mắt "cầu cứu" nhìn mẹ. Mẹ tôi vẫn đứng nói cười gần đó, dửng dưng nhìn, bất chấp tôi cố tình khóc thật to. Khóc chán, tôi lồm cồm đứng lên, tủi thân nhìn mẹ.

Lúc đó mẹ mới ôm tôi vỗ về, nói tôi tự đứng lên được sao không đứng sớm mà khóc mãi rồi mới đứng lên; con tự vấp ngã chứ mẹ đâu có làm con ngã. Rồi nhiều lần sau nữa cũng như thế, cho đến khi tôi chẳng buồn khóc những lúc vấp ngã, mà lập tức tự mình bò dậy. Chỉ là chuyện cỏn con thôi, nhưng bài học không nhỏ. Sau này va vấp với đời, tôi mới thầm cảm ơn mẹ vì bài học đó.

Quen với cách nghĩ mẹ dạy, ngã là do mình và tự mình phải biết đứng lên, dần dần tôi chẳng bao giờ khóc cầu cứu mỗi khi té ngã. Đi học, tôi cũng không bao giờ đem những khó khăn ở trường về than vãn với mẹ. Những ngày chuẩn bị thi đại học, trong khi mọi gia đình có con đi thi đều căng thẳng thì nhà tôi vẫn yên ắng. Tôi lặng lẽ ôn thi, mẹ không động viên hay tạo thêm áp lực gì, xem đó chỉ là chuyện… bình thường.

Rồi tôi vào trường y, áp lực học hành khủng khiếp đến độ nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng, chuyện kiểm tra rớt lên rớt xuống là “chẳng có gì ầm ĩ”; nhưng tôi vẫn tự mình lo học, còn sắp xếp được thời gian để làm thêm. Không phải là tôi không khó khăn, nhưng quan trọng là tôi đã quen với việc tự giải quyết những vấn đề của mình.

De con tu dung day
Để con tự đứng dậy. Ảnh minh họa

Tôi biết mẹ chưa từng qua một lớp sư phạm nào về việc dạy con, chỉ là mẹ biết yêu thương đúng cách, để giúp con mình hiểu rõ trách nhiệm với bản thân. Mẹ chẳng bao giờ la mắng, không đưa ra lời khuyên, chỉ giúp tôi nhận ra điều cơ bản nhất là biết tự sửa sai.

Điều quan trọng nhất, mẹ thường nói với tôi: “Con phải là con trong tương lai chứ không phải con của ngày hôm nay”. Từ mẹ, tôi học được cách tự lập và tự chịu hậu quả của những suy nghĩ và hành động của mình.

Một buổi chiều trong quán cơm nhỏ, tôi ngồi cạnh bàn của một gia đình có vẻ đầm ấm. Chỉ có điều, cậu ấm của họ không chịu ăn cơm, dù hai vợ chồng đã thay nhau làm đủ trò để dỗ dành. Cuối cùng, cậu cũng giật lấy chiếc muỗng từ tay mẹ, múc xúp ăn nhưng lập tức khóc thét lên vì quá nóng. Hai vợ chồng lại hốt hoảng dỗ con, bỏ luôn tô xúp, gọi món khác.

Nhìn họ, tôi chợt liên tưởng đến những gia đình mà khi đứa trẻ vấp phải chân bàn té ngã, khóc ré lên, thì cả nhà xúm lại vỗ về, đánh vào bàn vì cái tội làm cho bé ngã. Hình ảnh như vậy là rất phổ biến trong những gia đình Việt Nam, phổ biến đến quen thuộc, bình thường; như một cách thể hiện sự quan tâm và yêu thương của người lớn với con cháu mình. Tình yêu đó không sai, nhưng thật sự là không đúng cách!

Theo tâm lý học, ảnh hưởng của bố mẹ đối với con cái lớn hơn nhiều so với tác động của giáo dục hay môi trường. Cách bạn hành xử sẽ được con bạn học theo và hình thành nhân cách về sau của chúng. Khi bé phỏng miệng, bạn đổi món ăn khác vì món ăn kia “có lỗi” vì làm bé phỏng.

Khi bé ngã, bạn đánh bàn đánh ghế vì chúng làm bé ngã. Tất cả đều được bé ghi nhận và hình thành một thói quen trong vô thức: mỗi lần vấp ngã, bé sẽ đổ lỗi cho những thứ quanh mình và thụ động chờ đợi sự giúp đỡ của người khác. Trẻ sẽ không bao giờ hiểu lỗi là do chúng gây ra, mà luôn cho đó là từ nguyên nhân bên ngoài. Khi đã hình thành một loại tính cách, nếu không làm bài được, trẻ sẽ cho đó là lỗi tại đề thi khó, tại cô dạy không tốt, tại hôm đó không được khỏe…

Ra trường không có việc làm, là tại trường đào tạo không đúng yêu cầu của xã hội, tại nhà tuyển dụng không nhìn ra được năng lực của mình… Tức là, luôn tại một cái gì đó bên ngoài chứ không phải do mình. Tư duy đổ lỗi đã bám chặt vào một con người.

Tôi có không ít bạn bè gặp phải tình trạng tương tự, thường là không xin được việc làm hoặc phải làm những việc mà họ coi là không xứng. Mỗi lần ngồi với nhau, điều tôi nghe nhiều nhất từ họ là “Tao không tệ, chẳng qua là chưa gặp thời. Xã hội bây giờ dành cho con cha cháu ông”. Họ đã vô tình tự biến mình thành… Chí Phèo, nghĩa là cứ vật vờ giữa đời, vừa đi vừa chửi.

Hãy để con biết tự đứng lên mỗi khi vấp ngã. Khi con đã tự đứng lên được, bạn hãy vỗ về con bằng tình yêu thương.

Tuyến Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI