Dạy con tránh bạo lực, không sợ con yếu đuối sao?

06/12/2017 - 15:07

PNO - Đó là cuộc tranh luận chưa hồi kết giữa chúng tôi - hai người mẹ - về chuyện cho con đối phó với bạo lực bằng cách nào.

Mười năm trước, khi chúng tôi đưa con vào mẫu giáo đã rộ lên những thông tin về nạn bạo hành trong học đường, về chuyện con trẻ đi học bị bắt nạt, bị uy hiếp… Đến giờ, những chuyện ấy dường như càng nhiều hơn, khủng khiếp hơn. Nghĩa là bọn trẻ ngày một hung hăng, dữ dằn với nhau.

Day con tranh bao luc, khong so con yeu duoi sao?
 

Bạn tôi, một phụ nữ cá tính, cương quyết cho rằng con trẻ phải tự mình đối phó được với bạo lực. Ai đánh mình thì phải biết đánh trả, có như thế đối phương mới chùn bước. Cô ấy dạy con dùng nắm đấm với kẻ đã đấm mình, vì “chờ mách giáo viên hay mách mẹ thì con cũng bị đập te tua rồi”. Bạn bảo chưa chắc mách người lớn đã giải quyết được vấn đề, bởi khi không có mặt người lớn, kẻ ăn hiếp sẽ lại tiếp tục đánh con.

Tôi không phủ nhận phần đúng trong điều bạn nói. Trong cuộc sống, ta nên tự giải quyết vấn đề của mình chứ không thể lúc nào cũng mong chờ sự trợ giúp. Nhưng tự giải quyết theo cách nào lại là chuyện cần tranh luận. Tôi hỏi bạn liệu dùng bạo lực đáp trả bạo lực có thực sự chặn được bạo lực hay chỉ cuốn những đứa trẻ bây giờ và những người lớn sau này vào những cơn “say máu”. Bạo lực thường gây kích động. Cơn tự ái của bản năng hung dữ sẽ bốc lên, làm mờ lý trí con người.

Tôi không muốn con bị kích động lòng tự ái và bản năng hung dữ. Tôi muốn con có trái tim nhân ái và tấm lòng độ lượng với cuộc sống, giữ niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp, những hiểu biết, cảm thông. Tôi tin rằng chỉ bằng cách đó con mới nhận lại được đúng những điều ấy.

Như một nhà văn Pháp từng nói - “Cuộc đời là một tấm gương, nếu ta mỉm cười với nó, nó sẽ mỉm cười với ta. Nếu ta nhăn mặt với nó, nó cũng sẽ nhăn mặt đáp trả”. Nếu con tôi không chỉ nhăn mặt mà còn đấm thẳng vào tấm gương ấy, hẳn những mảnh vỡ sẽ văng ngay vào mặt con tôi, gây sát thương lập tức và để lại những vết sẹo.

Bạn hỏi tôi không sợ con mình yếu đuối sao khi dạy con tránh bạo lực, mang sự hòa nhã đối xử với những kẻ áp bức. Tôi không sợ. Sự mạnh mẽ không nằm trong nắm đấm mà nằm trong cách ta bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Sức mạnh của lý trí và tinh thần mới là sức mạnh lâu bền và mang đến sự bình an. Tuy rằng, để dạy con điều đó, tôi phải kiên nhẫn nhiều hơn, chứ không đơn giản như gửi con vào một lớp học võ.

Bạn hỏi tôi, không sợ con thiệt thòi khi phải nhường nhịn và chấp nhận bỏ qua những điều bất công? Tôi không nghĩ rằng nhường nhịn là thiệt thòi. Khi chấp nhận những bước lùi, bao giờ ta cũng có được những bước tiến xa hơn, bởi từ những bước lùi, ta mới có khả năng nhìn bao quát sự việc và tỉnh táo mà đi tới.

Tôi tin, vì con tôi vẫn đang lớn lên - hiền hòa, dễ thương và ngoan ngoãn. Cháu biết chọn bạn mà chơi, chọn nơi để bước vào, tránh những nguy cơ. Quanh con tôi có rất nhiều tình thương, yêu mến của bạn bè, thầy cô, hàng xóm... Tôi nghĩ, tình yêu thương, sự tử tế chính là tấm áo giáp bảo vệ con. 

Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI