Dạy con trai 6 tuổi biết tôn trọng bạn gái

05/09/2017 - 16:30

PNO - Đứa trẻ 6 tuổi đã bắt đầu bước vào giai đoạn hiểu biết về cảm xúc, lòng tự tôn và sự tự ái.

Lúc này, trẻ luôn nghĩ mình đúng, nhưng cảm xúc lại rất chênh vênh khi lần đầu nhận ra sự tồn tại của những suy nghĩ khác với mình. Trẻ không đủ ý thức và sự bình tĩnh chấp nhận việc mình sai, mình thua cuộc; nên thường phản ứng bằng lời nói hoặc hành vi không phù hợp.

Nếu người lớn tỏ ra gay gắt, trẻ càng có khuynh hướng làm điều ngược lại. Chị Zowiie Williams (Bắc Ireland) đã chia sẻ kinh nghiệm thú vị khi dạy con trai 6 tuổi Callum biết nói lời xin lỗi.

Day con trai 6 tuoi biet ton trong ban gai
Callum ôm bó hoa đến xin lỗi bạn gái mà Callum đã làm tổn thương

Trên trang cá nhân, chị Zowiie Williams kể, chị rất buồn khi biết chuyện con trai nghe lời một cậu bạn, nói những điều không hay với một bạn gái trong lớp khiến cô bé không vui. Chị cho rằng, mình có trách nhiệm giúp con hiểu những lời vô tâm như thế đã khiến người nghe có cảm giác khó chịu như thế nào.

Nhẹ nhàng và tinh tế, chị giải thích cho con hiểu cảm xúc của một người khi bị chỉ trích, chọc ghẹo; nhưng không nhấn mạnh đến việc con đã sai để không làm con cảm thấy có áp lực. Chị dẫn dắt con trai nói ra cảm giác của mình khi làm bạn gái không vui. Lúc Callum bật ra câu: “Bạn ấy đã rất buồn khi tan học”, chị Zowiie nắm bắt ngay để khuyến khích con có hành động cải thiện vấn đề.

Chị nói: “Khi con bạn cảm thấy việc mình làm khiến ai đó buồn, con mới tiếp nhận ý nghĩ phải khắc phục. Bạn không thể khăng khăng kết luận con có lỗi, chỉ khiến con phản ứng bằng thái độ phòng vệ và từ chối hợp tác”. Thực tế, chính Callum là người đưa ra ý tưởng nên xin lỗi bạn và tặng bạn một bó hoa. Sáng hôm sau, chị Zowiie chuẩn bị hoa cho con trai mang đến trường “tạ lỗi” với bạn.

Chị nói: “Tôi thấy mình nên làm điều đó, nhẹ nhàng và chân thành dạy con cách xử sự trong một tình huống rất dễ gặp”. Với chị Zowiie, điều quan trọng nhất là con trai mình hiểu việc phải để tâm đến cảm xúc của người khác mà không dùng lời nói, hành động làm tổn thương nhau. Đặc biệt, khi người nhận lấy điều không hay đó là phái nữ. Chị đã chia sẻ bức ảnh cậu bé ôm bó hoa, tự tin bước về phía trước...

Hai nhà đồng sáng lập trang web chia sẻ kỹ năng làm cha mẹ là Gail Bell và Julie Freedman-Smith đánh giá cao cách giáo dục con của Zowiie. Theo họ, không bao giờ là quá sớm để người lớn dạy con học cách tôn trọng. Hai chuyên viên tâm lý trẻ em này cho rằng, trẻ sinh ra không đương nhiên có được những kỹ năng xã hội mà người lớn là tấm gương để trẻ học cách xử sự theo chuẩn mực.

Trong trường hợp cậu bé Callum, điều tuyệt vời nhất là người mẹ đã kiên nhẫn ngồi xuống trò chuyện cùng con. Chỉ khi được lắng nghe và không bị phán xét, trẻ mới dám bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc thật của mình. Đó chính là nút thắt mở ra cánh cửa dẫn trẻ quyết định mình cần phải làm gì để cải thiện tình hình. Mặt khác, một khi trẻ hiểu được “quy trình” của hành vi xin lỗi, trẻ đồng thời cũng học được cách đồng cảm, hiểu được những giới hạn trong hành xử để không làm người khác tổn thương. Đó là một quá trình thấu cảm để trẻ tự lựa chọn hành động. 

Bức ảnh chị Zowiie đăng lên mạng xã hội, chỉ trong vài tuần đã nhận gần 30.000 lượt thích và hơn 7.000 lượt chia sẻ. Đến trường với bó hoa trên tay cùng tâm trạng hào hứng của Callum cho thấy tác dụng tích cực của việc trẻ được ra quyết định xin lỗi, xuất phát từ động lực cá nhân chứ không phải vì sự thúc ép của người lớn. 

Thiên Như
(theo HuffPosst UK)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI