Đàn ông có uy với mẹ thường thích... ăn hiếp vợ!

15/06/2017 - 06:30

PNO - Đàn ông đã sẵn suy nghĩ rằng, đến mẹ còn “nể vì” bênh vực tôi, thì vợ là gì mà tôi phải hợp tác này nọ kia chứ!

Đừng ngạc nhiên khi các anh con trai tuổi chồng chất mang cái uy của mình với mẹ đi đối đãi với vợ con, các ông tuy đã “già” nhưng vẫn thích “nâng như trứng mỏng”, thích giữ thói quen được phục vụ tận răng và thích… ăn hiếp vợ.

Dan ong co uy voi me thuong thich... an hiep vo!
Tôi là đàn ông, tôi có quyền. Ảnh minh họa

Hôm rồi mẹ tôi đi chợ mua được mấy con lươn ngon, điện thoại kêu tôi đưa cháu qua ăn. Tôi đề nghị mẹ nấu cháo đậu xanh, nhưng mẹ tôi lắc đầu bảo, không được, thằng Út nó không ưa món cháo lươn, phải nấu canh chua nó mới ăn.

“Thằng Út” mà mẹ tôi nhắc đến và rất mực chiều chuộng ấy, năm nay mới vừa tròn… ba mươi cái xuân xanh chứ mấy! Tuy “chàng” đã có vợ và lên chức bố được mấy năm rồi, nhưng trong mắt mẹ tôi, đấy vẫn là “thằng út bé bỏng”, “út đẹt”. Cũng may, tôi hiểu tâm tình ấy của mẹ, nên chẳng hờn giận gì, vẫn vô tư “xách” hai đứa con mình qua ngoại, ăn ké món canh chua lươn thần thánh của cậu Út!

Không phải tôi và hai đứa em gái của mình chưa từng chạnh lòng bởi sự thiên vị của mẹ. “Phải nhường cho em chứ!” là câu nói quen thuộc của mẹ, khiến chúng tôi âm thầm… ghét cay ghét đắng thằng em trai của mình. Nó được ưu tiên bởi vì nó nhỏ nhất nhà, hay do nó là con trai? Câu hỏi ấy cứ lảng vảng mãi, tới khi tôi làm vợ rồi làm mẹ, thì mới bắt đầu thấu hiểu và thông cảm cho mẹ…

Tôi sinh liền hai đứa con, gái trước trai sau, coi như mười điểm. Thuở có bầu đứa nhỏ, tôi cứ thầm ước có thêm đứa con gái nữa, đơn giản là cho dễ sử dụng lại đồ cũ của chị nó. Với lại, trải nghiệm khi có con gái thật tuyệt, nó đáng yêu xinh xắn, áo đầm nơ tóc, mọi thứ đều giống mình hồi tấm bé, quen thuộc. Lúc siêu âm, biết là con trai, tôi còn sụ mặt xuống thất vọng, dù mấy chị đồng nghiệp chúc mừng, đòi khao.

Nhưng khi con trai tôi chào đời, cảm giác khác hẳn. Chẳng biết có phải như người ta bảo, là do sức hút giới tính tự nhiên, mà tôi nghĩ về con trai rất nhiều, mọi lúc mọi nơi. Thương và nhớ da diết mỗi khi đi xa. Cưng lắm! Con trai mang trong người dáng dấp và tính cách của người đàn ông mình yêu dấu, nhìn thấy rõ ràng hơn con gái nhiều, hỏi làm sao mà không mê cho được.

Dan ong co uy voi me thuong thich... an hiep vo!
Mẹ thường mê con trai. Ảnh minh họa.

Con trai nhanh nhẹn, mạnh mẽ, có lì một chút thì cũng dễ chịu, không hay mè nheo nhõng nhẽo, khóc dai dẳng mỏi mệt như con gái. Cái cách con trai biểu hiện tình cảm với mẹ cũng tuyệt vời làm sao, lịch lãm như một người đàn ông nhỏ, khiến cho bà mẹ luôn phải “xin chết” vì cảm động.

Để bào chữa cho lý do lòng mình hơi nghiêng về phía con trai, tôi ngụy biện rằng: à thì đứa nào nhỏ hơn sẽ được mẹ quan tâm nhiều hơn, cũng là lẽ bình thường. Nhưng quan sát thực tế, tôi lại thấy rằng, các bà mẹ đa phần đều coi trọng và “nể sợ” con trai hơn. Bà nội tôi là một ví dụ. Ba tôi là con trai thứ, được bà “hầu” kinh khủng.

Ba tôi vừa chạm tay vào việc gì, bất kể lớn nhỏ là bà giành ngay lấy. Tới giờ cơm, là ba tôi ngay lập tức được hỏi ý kiến, xem muốn ăn món gì để bà nấu. Mấy cô tôi hay nửa đùa nửa thật, rằng cả đời chẳng bao giờ được bà hỏi han một câu lấy lệ, cho ăn là may lắm rồi! 

Bởi cái suy nghĩ “tôi là đàn ông, tôi có quyền” mà nhiều bà mẹ tiêm vào đầu con trai mình từ trong trứng nước, mà tôi thấy anh trai mình cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Anh Hai tôi mỗi khi về nhà là “ra lệnh” cho mẹ dẹp mấy chậu bông trước cửa đi, hôi rình mà trưng cái gì. Sao lại để cái tủ nhôm ở chỗ này, vướng víu lắm. Cá khô kia đã lên mốc rồi, không ăn thì mang cho mèo luôn đi, kẻo dơ nhà… Mẹ tôi vội vàng răm rắp làm theo, không dám “cãi” một câu lấy lệ. Trong khi đó, mấy chị em tôi đã nhiều lần nhắc mẹ những việc ấy, nhưng mẹ đều gạt đi. 

Vậy nên đừng ngạc nhiên khi các anh con trai “nhiều tuổi” ấy mang cái uy của mình với mẹ đi đối đãi với vợ con sau này. Và cũng chẳng phải không có nguyên nhân, là nhiều anh đàn ông tuy đã “già” nhưng lại vẫn thích được “nâng như trứng mỏng”, chẳng ưa đụng tay vào việc nhà, giữ thói quen được phục vụ tận răng, và thích… ăn hiếp vợ.

Bởi trong lòng họ đã sẵn suy nghĩ rằng, đến mẹ còn “nể vì” bênh vực tôi, thì vợ là gì mà tôi phải hợp tác này nọ kia chứ! Phụ nữ than phiền quá nhiều về tình cảnh làm dâu một bà mẹ chồng quá xem trọng con trai, coi con trai mình là vàng ròng còn con gái người ta là… đất sét, chẳng hạn.

Tất nhiên, giữa mẹ và con trai luôn là một thứ tình cảm vô bờ khó suy xét. Nhưng yêu con kiểu quá đà vô tội vạ, không cho con trai cơ hội để trưởng thành, thì các bà mẹ đã sai rồi! 

Lưu Ly

Dạy con trai kiểu “sai bét” 

Trong một khảo sát bỏ túi với 35 phụ huynh có con trai ở độ tuổi từ 3 đến 15, nhóm nghiên cứu bất ngờ khi kết quả nhận được là các bậc cha mẹ sử dụng nhiều phương cách dạy con “cấm kỵ”. 

- 67,8% cha mẹ thường khích động con rằng: “Con trai gì mà yếu đuối như vậy, còn thua cả con gái. Nhão vừa thôi”. Bạn đã đánh vào lòng tự trọng của trẻ, tạo vết hằn tâm lý mãi về sau. Đừng quên, dù là trai hay gái, trẻ đều chịu những áp lực như nhau nếu bạn quá đòi hỏi bé. Nước mắt con trai có gì là xấu!

- 37% cha mẹ từng quát nạt: “Cái thằng này, mày bị tăng động à, phá như giặc, ai mà chịu nổi”. Trẻ trai thường hiếu động, thích chơi đùa. Đừng quên tạo không gian cho trẻ thoải mái chơi đùa, hướng trẻ đến những trò chơi phù hợp, an toàn và phát huy những khả năng sáng tạo của trẻ.

- 41,9% cha mẹ không chấp nhận việc con trai lùi bước trước khó khăn. “Làm thằng con trai phải biết tiến lên phía trước, không được phép ngã lòng, thất bại. Như thế là nhục, biết chưa!”. Không đòn roi nào hạ gục trẻ nhanh gọn và đau đớn hơn lời xúc phạm ấy của cha mẹ. Chúng khiến trẻ mất phương hướng, tự ti, không dám làm việc gì và luôn lo lắng. 

Hãy để trẻ trải nghiệm bằng cả thành công và thất bại. Chia sẻ với trẻ kinh nghiệm của mình cũng là cách cha mẹ giúp con tránh được những ổ voi, ổ gà trên con đường trẻ đi.

ThS tâm lý Trần Thiên Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI