Cổng thành thương nhớ

13/03/2017 - 15:50

PNO - Một người anh là nhà thơ tôi quen trên facebook sau lần đầu tiên khám phá xứ Nghệ đã chia sẻ những cảm thán về cổng thành cổ quê mình. Thành cổ bây giờ lọt thỏm giữa dê núi, cháo lươn cay...

Thành cổ có trong ký ức tôi từ những năm ba, bốn tuổi. Khi mẹ chở tôi rong ruổi từ khu tập thể Trung Đô lên Đội Cung thăm ông bà. Ngày đó thành cổ chẳng có rào chắn. Xe có thể chạy bon bon trong lòng nó. Mấy bà, mấy cô gánh gồng đi chợ về có thể ngồi bên thành cổ, hưởng chút bóng mát, chuyện trò dăm ba câu. Tôi có sở thích là gào lên thật to: “Mẹ ơi...”. Mái vòm của thành cổ vọng lại “ơiiii...”. Hai mẹ con cùng cười rinh rích. Mẹ cũng chiều theo sở thích của con, nhiều khi đạp xe vòng qua vòng lại mấy lần cho con gái thả sức gọi và cười lạc giọng.

Cong thanh thuong nho
 

Gần thành cổ Vinh là những đầm rộng ngan ngát hương sen. Đến mùa sen, đi cách hàng chục mét mà hương sen vẫn theo quấn quýt. Mẹ thường đạp xe thật chậm để hai mẹ con có thể hít hà hương hoa khi qua đấy. Mẹ dừng xe bên đầm chỉ cho con những đóa sen hồng tinh khôi và sương đọng long lanh trên lá. Mùa sen, cả dãy dài gần thành cổ chạy tới gần chợ Đội Cung là những xe đạp, quang gánh đầy hoa sen các bà các chị hái bán. Mẹ thường dừng lại mua cho tôi vài gương sen tươi rói, giòn rụm. Cảm giác thú vị tới mức bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung ra hương vị ấy, hình ảnh ấy.

Mãi sau này, có lần vào nhà một người bạn ở phường Đội Cung chơi, tôi mới được bố bạn kể cho nghe những đầm sen ấy từng là một khúc hào thành. Con hào chạy nối cổng thành dẫn nước chảy ra sông Cửa Tiền. Ngày bố của bạn còn nhỏ, những khúc hào thành ấy vẫn còn là những mương nước trong, chạy quanh qua các nhà dân. Đứng từ sân nhà bạn nhìn ra có thể thấy mương nước tựa dòng kênh nhỏ vắt qua duyên dáng. Ông nội bạn trồng bên khúc hào ngang qua nhà mình những bụi tre, gốc bưởi mát xanh, mắc võng nằm hóng gió. Con hào nhỏ ấy làm dịu bao trưa hè trong ký ức bố bạn.

Thời ấu thơ của bố bạn, mỗi trưa hè có thể ra hào câu những chú cá rô ron, cá trê kiếm ăn dưới những đám rong rêu. Mùa nước dâng có thể thấy cả đàn cá lia thia tung tăng bơi lội. Lũ trẻ con lại cởi trần lội nước đi câu, bắt cá. Thời của bạn và tôi, những khúc hào ấy chỉ còn dăm ba cóc, nhái, côn trùng sống trong nước bốn mùa đục ngầu. Rác thải từ nhà dân dồn đọng qua thời gian làm biến mất một hào thành trong ký ức.

Trí tưởng tượng của những cô nhóc được gọi là học sinh giỏi văn cũng khó có thể hình dung ra có những khúc hào thật đẹp ôm sau nhà mình như bố bạn kể. Gốc bưởi, gốc tre vẫn còn, nhưng con hào trong xanh của tuổi thơ ông bà bố mẹ đã lạc về quá khứ. Lục bình vẫn nở hoa vô tư bên những rác thải. Màu tím của lục bình không thể nào buồn hơn khi chúng tôi nghe tiếng ếch nhái vọng lên mà tiếc nao lòng những khúc hào nước trong xanh chảy ngang qua tuổi thơ ông bà, bố mẹ.

Một ngày, bạn kể với tôi, sắp có dự án khôi phục hào thành. Nhưng khôi phục nổi không khi nhà dân, rác thải đã lấn chiếm dần hết những khúc hào hiếm hoi sót lại? Giọng bạn trở nên trầm buồn, giá mà chúng ta không tự mình phá hủy những điều đẹp đẽ đã có để giờ này nghĩ về việc khôi phục như một dự án bất khả thi. Và giọng bạn phút chốc như reo vui, thôi cứ hy vọng đi nhé. Biết đâu đến ngày con cháu chúng ta lớn lên, con mương này trong xanh lại và đầy sức sống như xưa.  

Cấp I, cấp II nhà tôi chuyển lên Quang Trung. Đi từ trường cấp II Quang Trung, qua đường Quang Trung sẽ gần hơn nhiều so với vòng qua thành cổ, qua sân bóng, vườn hoa Cửa Nam rồi mới về nhà, nhưng thi thoảng tôi vẫn cùng đám bạn rủ nhau đi con đường vòng xa hơn ấy. Những đám rêu xanh mơn mởn lún phún trong nắng ban trưa, những chú chim chơi trò ẩn nấp đâu đó bất chợt nhả ra tiếng hót, và mùi âm ẩm từ những bức tường… Bao nhiêu đó thôi đủ mê hoặc đám trẻ nhỏ.

Cô bạn thân thời cấp II của tôi nhà ở khu tập thể bảo tàng. Hàng ngày hai đứa vẫn hẹn nhau qua nhà bạn học nhóm. Học xong sớm lại kéo nhau ra khu bảo tàng, khu cổng thành, những con đường gần đó nở đầy hoa dại để chơi. Hai đứa thường có thói quen ngó lên cái chóp sum suê cây lá trên cổng thành.

Thi thoảng ở đó nở dăm ba đóa hoa đẹp lạ. Đứa nào phát hiện sớm đều thấy như thể mình may mắn lắm. Bạn nói, bây giờ hai đứa nhỏ con bạn lớn lên cũng y như mình thuở đó. Đi đâu về nhất định cũng ngó lên mái thành cổ rậm rịt cây xanh, thoắt ẩn thoắt hiện tiếng chim ca. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ đong đầy thương nhớ.

Rồi từ khi thành cổ bỗng dưng mặc áo mới, như một người nửa quen nửa lạ; cái chóp trên thành cổ bỗng dưng hết loang lổ, cây cối đốn sạch sẽ và trát xi măng như những ngôi nhà không thèm tô vôi, tôi cứ thấy xót xót, thương thương, buồn buồn mà không hiểu nổi cảm giác sao lạ vậy. Là vì những bức thành cổ ấy như một người bạn thân thật thân, quen thật quen, bỗng dưng đổi khác thì rõ rồi.

Cong thanh thuong nho
 

Nhưng còn lý do gì khác nữa mà mình không thể hiểu... Tối qua tình cờ đăng bức hình cổng thành, viết vài dòng kỷ niệm lên facebook, bạn thân bình luận: “Thấy nhớ cái xưa cũ đó quá H. ơi! Nhà mình muốn đi hướng nào cũng phải qua mấy cái cổng này, nên gắn bó thân thương lắm. Từ hồi cho trùng tu, chưa bao giờ mình dám ngắm nhìn kỹ. Những ký ức như bị ai lấy mất. Lũ trẻ cũng thắc mắc sao thành cổ mặc áo mới nhìn lạ quá chừng chừng, mẹ ơi”... Vậy mà tôi cũng cay mắt.

Có lần lên Đà Lạt, tôi gặp cô Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia IV. Cô chỉ cho tôi nền gạch nơi đang đứng, trước đây là biệt điện Trần Lệ Xuân. Cô nói nơi này, và vài nơi nữa được phục dựng. Tụi cô phải nghiên cứu sao cho nó... i xì. Làm mới dễ lắm, phục dựng sao cho không bị giả, không mất đi hồn cốt của nó mới khó. Nếu cô không nói, không ai trong đoàn chúng tôi hôm đó có thể nhận ra điều ấy.

Đó có lẽ là nỗi buồn mà tôi không hiểu được ngày xưa, về những thành cổ bỗng dưng quen mà lạ, gần mà xa. Dĩ nhiên ngày đó, tuổi đó không thể hiểu... Lỗi đâu phải ở thành cổ?

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI