Con kỵ tuổi cha?

05/03/2018 - 10:47

PNO - Con 15 tuổi, rất ít khi tâm sự với ba, thậm chí tránh mặt, có khi còn nói trỏng như một đứa trẻ hư, trong khi hằng tuần vẫn “tám chuyện” rôm rả với má.

Khi ra ngoài, con cởi mở tâm sự với bạn bè, nhất là chuyện… giới tính.

Con ky tuoi cha?
Ảnh minh họa

Bà nội khuyên con nên gần gũi và học nhiều điều từ ba mà con thấy mình không hạp, chắc là do “kỵ tuổi” ạ? 

Nguyễn H.M. (Lâm Đồng)

Đặc trưng tâm sinh lý của con trai 12-15 tuổi là cơ thể biến đổi để dần trở nên người đàn ông trưởng thành: tóc mọc rậm và mau dài hơn, xuất hiện ria mép và râu, cục yết hầu nổi lên ở cổ, "vỡ giọng", mọc mụn trứng cá trên mặt (người xưa đúc kết “trai trứng cá, gái má hồng”), tăng chiều cao và bắp thịt tạo nên dáng vẻ riêng của phái mạnh, đã có giấc mơ ướt (mộng tinh)… Nếu được đọc sách hoặc cha mẹ, thầy cô và người đi trước chỉ dẫn, chàng trai sẽ bớt lo âu sợ hãi, chỉ còn lại sự hồi hộp. 

Về tâm lý, bắt đầu quan tâm đến giới tính, luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác, thể hiện chí khí nam nhi của mình. Tâm tính thay đổi thất thường: hay nổi nóng, lòng tự ái cao, hay chống đối người cùng phái (cha, anh, thầy giáo...). Tâm lý bốc đồng hay nổi máu anh hùng nên dễ bị sa đà hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Nếu không được quan tâm và giáo dục đúng, mò mẫm tự tìm cho mình lời giải đáp, trẻ dễ bị sa ngã dưới sức ép của bản năng.

Không phải chỉ ở gia đình con trai mới “kỵ tuổi” với cha. Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, có đến 47,3% trẻ mới lớn thích tâm sự với người ngoài, nhất là bạn bè. Sau đó là tâm sự với mẹ (26,9%); với anh, chị em là 12,4% và ít chia sẻ với cha mình nhất (chỉ 2,6%). 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại hội thảo khoa học quốc tế về gia đình năm 2011-2012 cho thấy, con cái ngày càng ít tâm sự với cha mẹ trong những lúc khó khăn, còn cha mẹ thì có quá ít thời gian dành cho con cái: 40,8% cha mẹ gặp khó khăn về thời gian dành cho con, 32,1% các bậc cha mẹ khẳng định khó khăn về thời gian là quan trọng nhất (trong đó ở thành thị gặp rắc rối này nhiều hơn ở nông thôn).

Con ky tuoi cha?
Ảnh minh họa

Có đến 10,1% các bậc cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con. Nghiên cứu cũng cho thấy, ưu tiên hàng đầu khi cha mẹ trao đổi với con là chuyện trường lớp (học tập, điểm kiểm tra, thi cử, học phí), rồi đến ứng xử với mọi người xung quanh, sau đó là uốn nắn những sinh hoạt hằng ngày (ăn ở, ngủ, đầu tóc, áo quần), “giám sát” bạn bè của con. Chuyện giới tính được đặt xuống gần cuối cùng trong những mối quan tâm.

Mức độ gắn kết lỏng lẻo giữa cha với con trai trong chia sẻ các mối quan tâm, lo lắng khiến chàng trai thiệt thòi mỗi khi cần có người dốc bầu tâm sự và nhận được sự trợ giúp khi gặp khó khăn. Các hành vi lệch chuẩn xã hội thường xuất phát từ việc các em chưa nhận được sự chỉ bảo của cha mẹ đến đời sống tinh thần. 

Hiểu về những đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi mình, cháu hãy dẹp bỏ những tự ái của tuổi mới lớn để lắng nghe cha mình dạy bảo, trò chuyện. Vẻ chững chạc của một chàng trai chính là sự điềm đạm, khiêm nhường.

Vận động viên Jim Valvano từng nói: “Cha tôi đã tặng tôi món quà tuyệt vời nhất mà một người có thể tặng cho người khác: ông ấy đã tin tưởng vào tôi”. Hãy làm mình trở nên xứng đáng đón nhận món quà này, cháu nhé!

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI