"Cậu ấm cô chiêu"

29/08/2015 - 07:59

PNO - Đừng để mọi người cười chê là “cậu ấm cô chiêu… con nhà nghèo”, thì vừa đáng buồn vừa đáng tiếc…

Mùa hè vừa rồi, chị tôi ở quê gửi đứa con gái lên ở tạm để thi đại học. Tôi nhờ chị mua ít đồ tươi xứ biển, đóng thùng xốp, đưa cháu xách lên giùm. Hôm cháu đến, tôi đi làm vắng, tới chiều tối về nhà, thấy cháu đang lơ đễnh xem ti vi một mình. Ba lô vẫn còn bày vương vãi dưới sàn. Hỏi đồ mẹ gửi cho dì đâu, cháu trả lời “Không có” cụt ngủn.

Tôi được chị gọi điện thoại phân bua xen lẫn với xin lỗi rằng, con với cái bây giờ sao khó dạy quá. Biểu nó mang đồ lên cho dì, nó thoái thác, nói ngại với kỳ, ai lại ra đường tay xách nách mang như vậy, người ta cười chết!

Cả mấy đứa con gái đi cùng nhau đều từ chối không nhận hàng. Nghe xong, tôi thấy hơi khó hiểu, vì nhà chị tôi vốn nghèo khó, không phải sang trọng cảnh vẻ gì, sao con bé lại có suy nghĩ lạ lùng như vậy…

Tới bữa cơm, cháu ngồi vào bàn, chờ mọi người dọn xong thì ăn, không hề tỏ ý muốn phụ giúp. Thậm chí, sau khi ăn xong, cháu cũng không hề cảm thấy áy náy gì khi con trai lớn của tôi rửa chén như thường lệ. Tôi thân mật nhắc cháu nên đỡ đần chuyện bếp núc với cả nhà, cháu ngượng nghịu bảo, không biết làm, sợ đổ vỡ.

Hỏi chị, thì nhận được câu giải thích đầy khổ sở rằng, ở nhà nó có đụng tay đụng chân vào việc gì bao giờ, nên quen thói. Dì thông cảm, đừng rầy la cháu nhé, không là nó lại xù xụ nằm một đống giận dỗi, mệt lắm. Thi cử đến nơi rồi, dì ơi…

Câu chuyện làm tôi nhớ đến Tin, một đứa cháu phía bên chồng, kêu tôi bằng mợ. Ngày tôi mới về, anh chàng đang là sinh viên năm cuối của một trường kỹ thuật danh giá.

 Thế nhưng, tới bữa ăn, bà ngoại của Tin, tức là mẹ chồng tôi, lại phải bới cơm, gỡ cá, bỏ vào tô, bưng đến tận tay cho Tin, thì chàng mới xúc ăn, không thì thôi, bỏ bữa luôn. Thậm chí, có hôm mẹ chồng tôi bệnh, nằm một chỗ, vẫn nơm nớp lo lắng, nhắc tôi nhớ chăm sóc cho “thằng Tin bé bỏng”.

Nhà chồng tôi sống chung, đông người, chỉ có duy nhất một cái nhà vệ sinh. Mỗi buổi sáng, Tin ưu tiên chiếm lĩnh cái công trình phụ đó gần tiếng đồng hồ, thong thả tắm rửa, huýt sáo, nghe nhạc, bất kể bên ngoài, mọi người “bức thiết” hay trễ giờ đi làm…

Vài năm trước, lúc em trai út thi tốt nghiệp THPT, mẹ tôi tỉ mẩn chế biến các loại nước ép hoa quả, pha sữa bột loại nhiều năng lượng cho em tôi tẩm bổ. Em tôi lúc chê ngọt quá, khi ỏng eo bảo nhạt không vừa miệng, lại có khi nằng nặc không chịu uống nếu cái ly nước “phối hợp” không đúng loại trái cây nó thích.

Nhà không có điều kiện, nhưng mẹ tôi vẫn gắng chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho em có sức học thi. Tôi chướng mắt, nhiều lần bảo nhỏ với mẹ rằng, mẹ chiều em quá, nó dễ sinh hư. Nhưng mẹ tôi gạt đi, cho rằng, nhà còn có mỗi thằng út, không lo cho nó thì còn ai vào đây bây giờ…

Em tôi giờ đã ra trường vài năm, đổi việc nhiều chỗ, thường xuyên than chán, kêu ca, thất nghiệp. Mẹ tôi vẫn phải dấm dúi hỗ trợ. Dù giận nhưng chúng tôi cũng không nỡ bỏ mặc em mình, riết rồi em quen, lâu lâu chưa thấy anh chị cho tiền là em… nhắc, coi như đó là bổn phận của mọi người.

Ở công ty, tôi thấy nhiều chị em đồng nghiệp gắng gồng cho con học trường quốc tế, hàng tháng tất bật lo khoản đóng học phí cho con. Rồi xế chiều đã thắc thỏm đợi về nhà, lăn xả vào hầu con từng chút một.

Nhà dư dả không nói làm gì, chứ gia đình khó khăn phải cố để con có cảm giác bằng chị bằng em, mà quên mất, không nhắc để con nhớ rằng, đừng để mọi người cười chê là “cậu ấm cô chiêu… con nhà nghèo”, thì vừa đáng buồn vừa đáng tiếc…

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI