Ba lần may áo trăm năm

09/11/2016 - 12:01

PNO - Sau đám tang chồng, bà ngoại bắt đầu may “áo trăm năm” lần thứ nhất. Các cậu các dì ngăn cản quyết liệt. Mặc lời con cái, bà vẫn kiên nhẫn may đến khi mọi thứ hoàn tất.

Cuối tuần trước, ngoại bảo tôi lấy xe chở bà ra chợ mua sắm vài thứ, khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Bởi vì tuổi bà đã chín mươi, từ lâu con cháu không còn để ngoại phải bận tâm việc sinh hoạt trong nhà. Thỉnh thoảng cần thứ gì, ngoại cũng chỉ dặn người này người kia mua hộ. Vậy mà lần này, khi tôi nói ngoài đường xe cộ khói bụi, ngoại cứ dặn, con sẽ ra chợ lấy đem về ngay, bà nhất định không chịu: “Mấy thứ này bây không biết đâu, ngoại phải tự mua mới được”.

Lòng vòng chợ huyện gần cả buổi, cuối cùng ngoại sắm toàn vải. Một xấp lụa đỏ với hoa văn tựa như đồng tiền cổ, một xấp lụa vàng và nhiều nhất là vải sô trắng. Vừa về đến nhà, bà trải ngay xuống nền, đo vẽ một lúc rồi bắt đầu cắt. Mấy đứa cháu đang nghỉ hè, vây xung quanh bà tò mò. Bà cười, bảo cắt vải “may áo trăm năm”. Đứa cháu nhỏ tuổi nhất tròn mắt: “Áo trăm năm là áo đám cưới hả bà cố?”. Ngoại cười hà hà: “Ờ, áo để mai mốt xuống dưới làm đám cưới với ông cố bây lần nữa”. Thấy đám cháu nhỏ chừng vẫn chưa hiểu, bà nói luôn, “áo trăm năm” để dành mặc cho bà lúc nhắm mắt xuôi tay đó.

Ba lan may ao tram nam
Ảnh minh họa.

Tôi kể mẹ nghe chuyện ngoại mua vải may đồ. Mẹ nói tính ngoại xưa nay là vậy, cẩn thận, chu đáo và rất lo xa. Thêm lần này nữa là đã ba lần ngoại tự tay may “áo trăm năm” cho mình. Mỗi lần như thế, ngoại tỉ mẩn làm một mình, không cho bất cứ ai phụ giúp. Không dùng máy may, ngoại đột từng mũi kim đều tăm tắp. Mỗi ngày khâu một ít, hàng tháng ròng mới xong. Lúc hoàn tất, ngoại gói ghém cẩn thận rồi cất ở nơi chỉ có bà và một người thân tín nhất biết.

Ông ngoại tôi mất năm bà tròn bảy mươi. Sau đám tang chồng, bà ngoại bắt đầu may “áo trăm năm” lần thứ nhất. Các cậu các dì ngăn cản quyết liệt. Có người bảo đang yên lành khỏe mạnh, may áo ấy e xui xẻo. Người thì nói bà sẽ sống thọ lắm, đừng lo trước chuyện quá xa. Mặc lời con cái, bà vẫn kiên nhẫn may đến khi mọi thứ hoàn tất.

Năm đó mẹ tôi được bà chọn giao cất giữ xấp áo. Bẵng gần chục năm, ngoại khỏe mạnh và hình như chưa lần nào bệnh đến nỗi phải nằm viện. Một hôm dọn dẹp nhà cửa, mẹ tình cờ thấy trong túi đồ của ngoại có chuột. Tuy chúng chỉ mới gặm nhấm một mảng nhỏ nhưng ngoại quyết định đốt bỏ để may áo khác.

Lần may áo thứ nhì, ngoại giao chị Hai con bác Cả cất giữ. Rút kinh nghiệm, chị Hai cất xấp áo vào két sắt, xem như một báu vật. Chị nói làm vậy cho ngoại vui lòng. Bà ngoại vui thật, cứ nhắc mãi chuyện đó như một niềm tự hào.

Chớp mắt, thời gian trôi nhanh. Năm 80 tuổi, bà ngoại vướng một trận bệnh nặng. Lo sợ chuyện không may nên trong những ngày bà nằm viện, bác Cả họp đại gia đình, mọi người thống nhất việc phải đốt bỏ xấp áo kia để ngoại sớm khỏe lại. Khi rời bệnh viện, biết chuyện, dù không nỡ lên tiếng trách con cháu nhưng ngoại cứ tiếc mãi. Rồi cuối năm đó chị Hai về nhà chồng. Đám cháu nội ngoại cũng lần lượt kết hôn, sinh con. Niềm vui nối tiếp niềm vui. Có lẽ vì vậy bà ngoại tôi không còn nhớ đến chuyện khăn áo cho ngày mãn phần nữa.

Những cơn mưa dầm năm nay thường khiến ngoại ngồi nhớ chuyện xưa. Tuy vẫn minh mẫn nhưng bà có vẻ nhắc nhiều những chuyện khi ông tôi còn sống. Rồi trong chuỗi ký ức miên man bất tận nào đó, bà chợt nhớ đến chuyện phải may “áo trăm năm” lần nữa.

Lần thứ ba này, sức yếu hơn, tay điều khiển kim không còn uyển chuyển nhưng ngoại vẫn may áo với tất cả sự say mê. Lúc áo may còn chưa xong, ngoại đã nói trước, kỳ này sẽ giao tôi cất giữ. Bà còn dặn mấy cậu dì rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được đốt bỏ lần nữa. “Quá tam ba bận, bây thấy có ai may áo mãn phần ba lần trong 30 năm mà vẫn còn sống khỏe như má không? Phúc trời cho như thế là đã nhiều lắm rồi".

Tôi dọn trống két sắt của ngoại. Bên trong không có gì ngoài vài đồng tiền cổ và ít vật kỷ niệm. Đặt gói quần áo vào, khóa kín tủ mà lòng rưng lên những niềm khó tả.

Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI