15-24 tuổi thất nghiệp nhiều nhất: Vì bố mẹ chu cấp đầy đủ?

22/03/2016 - 07:24

PNO - Nói về thực trạng nhóm có tỷ lệ thất ngiệp cao nhất nằm trong độ tuổi thanh niên, nhiều người trong số đó cho rằng họ chưa nghĩ tới việc đi làm.

Mới đây, tại “Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 4 năm 2015”, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH đưa ra số liệu, số người có việc làm đã đạt 53,5 triệu người/tổng số 54,59 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Tức là vẫn còn trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp.

Trong đó, có một điểm đáng chú ý, nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn là thanh niên 15-24 tuổi, chiếm trên 53%. Đây là một con số đáng chú ý bởi sự chênh lệch lớn giữa nhóm tuổi này so với các nhóm còn lại.

Chưa nghĩ đến chuyện đi làm...

Trao đổi về vấn đề này, những người trong nhóm tuổi này cho rằng, họ còn quá trẻ để có thể tìm kiếm một công việc hoặc thiếu nhiều kinh nghiệm,...

Vân Anh (học sinh trường THPT Bắc Hà) tỏ vẻ ngạc nhiên: "16 tuổi đã phải đi làm rồi ạ? Em được mẹ chăm sóc từ bé, chẳng bao giờ phải động đến cái bát, bây giờ bảo em gọt hoa quả em còn không biết. Nhưng em nghĩ rằng bây giờ việc của lứa tuổi bọn em là học chứ chưa phải đi làm".

15-24 tuoi that nghiep nhieu nhat: Vi bo me chu cap day du?
Ảnh minh họa

Đồng quan điểm cho rằng lứa tuổi học sinh phải dành thời gian cho việc học, Nguyễn An Khánh (19 tuổi, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN) bày tỏ: "Bọn em vẫn đi học, bố mẹ vẫn chu cấp cho em đầy đủ và lịch học kín mít nên cũng không nghĩ đến chuyện đi làm.

Thi thoảng thì em vẫn giúp mẹ ghi hóa đơn, kiểm hàng nhưng đó cũng chỉ là những lúc em rảnh rỗi. Tầm tuổi em chưa có bạn nào đi làm cả".

"Nhà em có công ty riêng, vì cũng mới ra trường nên mẹ em cho phép em làm những gì mình thích cho đến năm 25 tuổi. Hiện tại em cũng đang thực hiện một ước mơ là về quê trồng vườn cây nhỏ để sau này cuối tuần gia đình về chơi. Em nghĩ tuổi trẻ hãy cứ làm những gì mình thích và không nhất thiết phải vùi đầu vào công việc", Cao Bá Hoàng (23 tuổi, Khâm Thiên, Đống Đa, HN) thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình.

Phan Thanh Hằng (23 tuổi, Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm) lại tâm sự, Hằng ra trường được 1 năm và đã trải qua 2 công ty, hiện tại lại đang trong quá trình tìm việc mới. Hằng cho rằng, do thiếu nhiều kinh nghiệm nên chịu rất nhiều áp lực và đôi khi chính bản thân bí bách vì không đáp ứng được công việc.
 
Tôi sẽ nuôi con đến khi học xong đại học

Về phía các bậc phụ huynh lại có những góc nhìn khác biệt, nhiều người cho rằng lứa tuổi 15-24 vẫn nằm trong độ tuổi học hành và vẫn cần sự chăm sóc kỹ lưỡng từ bố mẹ và gia đình họ có điều kiện. Nhưng cũng có những trường hợp dở khóc dở cười vì con không chịu đi làm.

Bà Đào Thị Lăng (56 tuổi, Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) bày tỏ quan điểm: "Dưới 18 tuổi thì chúng nó đang tuổi ăn tuổi học nên tôi không nghĩ đến chuyện cho cháu đi làm thêm. Các cháu cứ học giỏi đi, đến lúc ra trường không thiếu việc chứ bây giờ vừa học, vừa làm xong đứng cuối lớp thì cũng bẽ mặt với họ hàng".

Đồng quan điểm, anh Vũ Đức Khánh (45 tuổi, chợ Phùng Khoang, Hà Đông) cũng cho rằng: Tôi sẽ có trách nhiệm nuôi con cho đến khi nó học xong đại học, còn cháu chỉ việc học thôi không phải lo thiếu thốn gì cả. Cả vợ tôi cũng sẵn sàng nghỉ việc ở nhà để chăm sóc, theo dõi sát sao 2 cháu. Vợ chồng tôi sẽ dành những điều kiện tốt nhất cho con nhưng nếu con hư tất nhiên sẽ phạt thật nặng".

Còn bà Vũ Thị Hồng (60 tuổi, Đống Đa) lại có một hoàn cảnh khác: "Nhà tôi chiều con từ nhỏ nên thành ra bây giờ nó cứ dán mắt vào điện tử, thanh niên 23 tuổi đầu mà nhiều khi bảo nó bê hộ cái chậu, rửa hộ cái bát mà cũng phải nịnh gẫy cả lưỡi.

Gia đình cũng có động viên nó ra ngoài tìm việc dù sao cũng tốt nghiệp Đại học xây dựng hẳn hoi, nhưng thằng bé cứ ỉ vào bố mẹ tìm chỗ này, chỗ kia. Thành ra nói mãi nó không nghe còn cáu bẳn quát lại, nên giờ kệ".

"Lại có cái nhà bên cạnh, chồng cũng trạc tuổi, là đại gia Quảng Ninh, nuôi tôm cá cực lớn. Nhà giàu ú sụ nên con trai lấy vợ sinh được 2 đứa, đứa lớn cũng 4 tuổi nhưng cả hai vợ chồng đều không đi làm, đã thế còn có 2 giúp việc. Mãi vừa đây anh chồng mới chịu ra ngoài đi học võ gì đấy, còn không cả nhà cứ quây quần, ăn chơi cuối tháng đợi bố mẹ gửi tiền lên", bà Hồng kể chuyện.

Còn gia đình ông Trần Thanh Hảo (53 tuổi, chợ Phùng Khoang) lại có cơ sở bán đồ nướng vui vẻ chia sẻ: "Nhà tôi bán hàng, con tôi mới học năm đầu đại học nhưng cháu vẫn thường ra phụ giúp mẹ bưng bê, rửa bát. Luyện dần cho nó quen sau này ra trường không xin được việc thì còn tiếp quản cái quán này".

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI