Làm cha khi mới 15

25/01/2019 - 06:00

PNO - Hiện giờ, Đạt đã rời trường phổ thông, sống xa nhà để làm huấn luyện viên cho trẻ tự kỷ, công việc đã thay đổi hẳn quãng đời u mê của em cách nay không lâu.

Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 2018, khi Đạt được nghỉ hè ở nhà, chuẩn bị lên lớp 9 tại trường học ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Được bạn rủ đi chơi games, sẵn có chút tiền trong túi, lại không phải đi học, Đạt vui chân theo bạn, đâu có ngờ mình lại nghiện games lúc nào không hay. Đạt càng chơi càng ham, không dứt ra được, cậu về nhà tìm mọi cách để xin tiền đi chơi games, nhịn ăn để chơi, thời gian ở nhà càng ngày càng ít đi.

Mẹ Đạt là một cấp dưỡng, công việc khá bận, bố cậu còn bận hơn vì phải trông coi đàn gia súc, gia cầm- phương kế sinh nhai chính của gia đình, ít có thời gian để bảo ban cậu. Nên khi phát hiện ra con trai nghiện games, họ chỉ có thể dạy con bằng roi vọt. Bị đòn đau, Đạt không chừa, mà còn ra sức chống đối. Cậu nghĩ, mình sẽ chơi games nhiều hơn, giỏi hơn, thành games thủ, kiếm được nhiều tiền để chứng tỏ với bố mẹ rằng, chơi games cũng có thể kiếm ra tiền.

Lam cha khi moi 15
Thành Đạt gói bánh chưng cho đại gia đình Trung tâm

 Nhưng Đạt càng chơi lại càng thua. Vào năm học lớp 9, số lần Đạt trốn học đến quán chơi games ngày càng nhiều hơn. Cho tới một lần, bố cậu bắt được từ quán games về nhà, đánh một trận rõ đau. Đạt bỏ nhà đi, đến quán games xin được phục vụ trong quán để có tiền ăn, ngủ tại quán và lúc rảnh lại chơi games!

Sau hai tuần Đạt bỏ hà đi, bố cậu “bắt” được, đưa về nhà. Sợ trong thời gian rời nhà Đạt rơi vào tay “nàng tiên nâu”, bố mẹ Đạt đem nước tiểu của con đi xét nghiệm. Thật may là kết quả âm tính.

Tuy nhiên, Đạt vẫn chứng nào tật đấy, dù những trận đòn của bố giáng xuống nhiều hơn, cậu vẫn không thể bỏ được games. Trong lúc bố mẹ gần như bó tay với cậu con trai, định đưa cậu tới một loại trại cải tạo, thì chị gái của Đạt, đang đi làm tại Hà Nội, biết đến Trung tâm Tâm Việt, nơi từng huấn luyện những thanh niên ngỗ nghịch và thiếu ý chí thành những người biết sống kỷ cương, gợi ý đưa Đạt tới đó.

Sợ rằng Đạt không chịu đi, chị Ngọc, chị gái của Đạt bèn nói tránh rằng, muốn chuyển trường cho Đạt, không nên học ở Thanh Hóa nữa mà ra Hà Nội học. Ở nhà, chỉ có chị gái là không đánh mắng Đạt, nên cậu nghe theo chị, được chị dẫn đến Trung tâm vào đầu tháng 11/2018, gặp thầy Phan Quốc Việt. Cậu khá bất ngờ khi được nghe thầy nói quy tắc sống trong Trung tâm, đó là bỏ điện thoại, theo chế độ tập luyện, ăn ngủ như trong quân đội, sống 24h/7 tại đây.

Lam cha khi moi 15
Thành Đạt luyện tập

Hai ngày đầu, Đạt tập kỹ năng đi xe đạp một bánh suốt ngày. Do trong một thời gian dài, cậu ăn ngủ thất thường, chỉ ngồi ì một chỗ trước màn hình chơi games, nên gày gò, sức yếu, cân nặng chỉ được 41kg. Tập đi xe đạp một bánh ngoài trời cả ngày khiến cậu nhanh mệt, đôi lúc muốn bỏ cuộc, mỗi khi như vậy cậu lại được động viên tiếp tục. Ở được hai ngày, Đạt đòi về, và các thành viên của Trung tâm lại nhẫn nại ngồi khuyên nhủ cậu. 

Sau hai tuần, Đạt đã thành thạo kỹ năng đi tiến, lùi trên xe đạp một bánh. Cậu được giao huấn luyện cho một em nhỏ tự kỷ kỹ năng đi xe đạp. Khỏi phải nói, đi xe đạp một bánh với người bình thường như Đạt còn khó, huống hồ với em nhỏ tự kỷ. Nhưng những ngày gần gũi với các em bé tự kỷ ở đây, Đạt dần dần yêu thương các em hơn. Cậu nhẫn nại với "học trò" mình, như bao nhiêu người đã nhẫn nại với cậu. Mỗi lần "học trò" đi được một đoạn xa hơn, Đạt khen ngợi. Đứa trẻ tự kỷ ấy, lâu dần coi Đạt như bố mình. Mỗi lần được khen, bé lại cười sung sướng và ôm chặt “bố” Đạt mà hôn. 

Tình cảm chân thành của em bé tự kỷ, đã đánh thức lòng bao dung, tình thương và sự chở che trong Đạt, khiến cậu thấy cuộc sống của mình có một ý nghĩa mới. Cậu được trải nghiệm cảm giác làm cha một đứa trẻ, khi còn rất sớm. Cần phải lo lắng, cần phải chở che cho người khác. Lúc ấy, Đạt mới dần thấu hiểu bố mẹ mình.

Lam cha khi moi 15
Lam cha khi moi 15
Thành Đạt đang huấn luyện cho các em nhỏ tại Trung tâm

Sau hơn một tháng ở Tâm Việt, Đạt đã tăng được 8kg, sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là tinh thần phấn chấn. Cậu không còn nhớ và thèm chơi games nữa, mà coi đó là một quãng u mê tối tăm mình không may sa chân vào. Cậu giờ đây đã là huấn luyện viên cho trẻ tự kỷ, làm được việc có ích cho các em và gia đình các em. Đạt cũng được trả lương, được đi công tác bằng máy bay tới tận các tỉnh, thành phố rất xa mà trước kia cậu chưa bao giờ được tới. Và cậu cũng đã xây được một ước mơ khác, ước mơ được làm một người huấn luyện viên xuất sắc cho trẻ tự kỷ. Một bài học lớn mà cậu học được từ thầy mình – TS Phan Quốc Việt- là vui sống sung sướng, để làm việc xuất sắc, có ích cho xã hội.

Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI