Công đoàn lúng túng khi khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

17/10/2016 - 12:17

PNO - Sau tám tháng được “trao quyền”, tổ chức công đoàn nhiều nơi vẫn lúng túng không biết vào cuộc thế nào để khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Nợ BHXH tăng vọt 

Tại hội nghị “ Công đoàn (CĐ) khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể” mới đây, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Mai Đức Chính, cho biết: Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã chấm dứt quyền khởi kiện của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định vai trò của tổ chức CĐ khởi kiện lại có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

“Vì thế, chúng ta có khoảng sáu tháng “trống luật”, không ai kiện đòi BHXH, chức năng thanh tra của BHXH cũng chưa được thực hiện… Từ khoảng trống này, nợ BHXH đã tăng vọt lên gần 14.000 tỷ đồng”.

Tại TP.HCM, trước đây năm nào cơ quan BHXH cũng khởi kiện trên 2.000 DN nợ BHXH. Do quyền khởi kiện bị chấm dứt nên tám tháng đầu năm 2016, số nợ BHXH phát sinh rất lớn. Cuối năm 2015 tổng số nợ BHXH, BHYT ở TP.HCM là 2.100 tỷ đồng, sau tám tháng không được khởi kiện đã tăng lên thêm 1.000 tỷ đồng, tổng cộng 3.100 tỷ đồng.

Cong doan lung tung khi khoi kien doanh nghiep no bao hiem xa hoi

Trong một buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết, tình trạng doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật lao động, nợ lương, nợ BHXH… chậm được phát hiện hoặc chưa được chủ động kiến nghị xử lý nên tranh chấp lao động (LĐ) tập thể vẫn xảy ra. Đáng quan tâm là tình trạng DN hoạt động khó khăn, chủ DN bỏ trốn không giải quyết chế độ cho người LĐ, việc xử lý tài sản của DN có chủ bỏ trốn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn khi công đoàn khởi kiện

Theo nhiều chuyên gia LĐ, khi tổ chức CĐ khởi kiện DN đòi BHXH thì thủ tục còn phức tạp hơn khi cơ quan BHXH kiện. Cụ thể, chỉ riêng việc khởi kiện hành vi trốn đóng, nợ và chậm đóng tiền BHXH thì phải theo thủ tục giải quyết tranh chấp LĐ tập thể. “Thủ tục trước đây cơ quan BHXH làm là thủ tục dân sự, còn CĐ phải thực hiện theo thủ tục tố tụng LĐ, phức tạp hơn nhiều. Về nguyên tắc, thủ tục tố tụng LĐ phải đưa tranh chấp đó ra hòa giải, giải quyết. Nếu quá thời hạn không giải quyết được, lại phải đưa lên chủ tịch UBND cấp huyện; nếu không giải quyết xong mới đưa ra tòa”.

Theo Giám đốc BHXH TP.HCM Cao Văn Sang, việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH cần một sự quyết tâm lớn. Từ năm 2008, cơ quan BHXH TP.HCM đã bắt đầu khởi kiện DN nợ BHXH. “Khi đó chưa có tiền lệ và chưa có hướng dẫn nào về việc cơ quan BHXH khởi kiện đòi BHXH nhưng chúng tôi vẫn làm, dù phải gõ cửa từng cấp tòa. Chúng tôi quyết liệt thực hiện, bất chấp khó khăn vì đặt quyền lợi của người LĐ lên trên hết. Sau đó, chuyện cũng dần vào nếp, các ngành chức năng và người LĐ rất ủng hộ cơ quan BHXH thực hiện việc này, BHXH TP khởi kiện nhiều nhưng chưa thua vụ nào”. Ông Sang cho rằng, vấn đề chính là các ngành chức năng có thực sự vì quyền lợi người LĐ và quyết tâm thực hiện hay không.

Theo bà Trần Kim Yến, vấn đề cũng còn vướng mắc ở khâu thủ tục, quy trình; theo luật thì quy trình kiểm tra, thanh tra đang mâu thuẫn nhau, cũng là cái khó cho anh em CĐ khi khởi kiện. Bà Yến nêu:

“Để khởi kiện thì phải chứng minh được thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước phải tích cực làm công tác thanh tra kiểm tra, xử phạt đối với người vi phạm, cụ thể ở đây là DN. Nếu đã tiến hành các bước đó rồi mà DN chưa thực hiện thì mới khởi kiện. Thế nhưng đó chỉ là tranh chấp cá nhân. Đối với tập thể thì rất khó. Ví dụ một DN có 500 LĐ, họ nợ mỗi người LĐ một số tiền khác nhau, khi đó sẽ có 500 lá đơn ủy quyền xử lý 500 vụ án khác nhau; nhưng cán bộ CĐ cơ sở chỉ có ba người, mà cả ba người đều kiêm nhiệm”.

Bà Yến cho biết, hiện LĐLĐ TP đang phối hợp với các ngành như BHXH, Ban Nội chính Thành ủy, Sở LĐ-TB-XH, các quận huyện để hoàn chỉnh quy trình, chậm nhất tháng 11 sẽ khởi kiện một vài DN, từ đó rút kinh nghiệm thực tế, nếu có vướng mắc sẽ kiến nghị cấp trên tháo gỡ. 

Theo số liệu từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến hết quý II-2016 có 2,6 triệu người LĐ đang làm việc tại trên 100.000 DN bị nợ BH các loại. Từ đầu 2016 đến nay, do thay đổi về chính sách nên 1.400 vụ nợ BHXH với tổng tiền nợ 300 tỷ đồng vẫn đang tồn đọng, chưa giải quyết được. Hiện mới có 12,5 triệu người LĐ, chiếm 23% tổng số người LĐ cả nước tham gia BHXH, số còn lại chưa có phương tiện để đảm bảo cuộc sống khi về già.

Quỳnh Mai
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI