'Cai' ti vi cho con và bác giúp việc

18/08/2017 - 11:17

PNO - Đây là chuyện của gia đình chị Vân Anh, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Hà Nội.

Từ “diễn biến phức tạp” của việc cai nghiện ti vi cho những người trong gia đình này, biết đâu bạn sẽ tìm được kinh nghiệm nào đó cho gia đình mình.

'Cai' ti vi cho con va bac giup viec
Thời gian xem ti vi đã được thay thế bằng thời gian đọc sách

Nếu gọi cơn nghiện ti vi của bác giúp việc là một “căn bệnh x”, thì diễn biến của nó có thể được tóm tắt qua quá trình sau:

1. Chẩn bệnh

Bác giúp việc nhà chị Vân Anh “mê đắm” cái ti vi, dùng theo từ phổ thông là “nghiện”. Không nghiện sao được khi các “oppa” (soái ca) Hàn Quốc cứ đẹp trai rạng ngời, ga lăng hết mức, và những mối tình của họ mới lãng mạn làm sao!

Điều đáng nói là những bộ phim này lại phát ngay khung giờ vàng, cũng là giờ cơm tối của gia đình, giờ các bạn nhỏ phải chuẩn bị bài vở cho ngày mai, rồi đi ngủ lúc 21g để có thể dậy sớm vào hôm sau. Nhưng những câu chuyện ngôn tình trên ti vi thì liên tục xuất hiện từ 20g đến 22g mỗi ngày. Bác giúp việc là fan trung thành của các “oppa”. Bác rất yêu các “oppa”. 

2. Diễn biến bệnh 

Khi các “oppa” xuất hiện, bác giúp việc gần như quên luôn nhiệm vụ của mình: mâm chén bẩn không rửa, nhà cửa bề bộn không dọn dẹp. Thậm chí, không cần biết cả nhà đang xem gì trên ti vi, bác tự ý chuyển sang kênh đang chiếu bộ phim bác thích và cứ thế dán mắt vào màn hình.

'Cai' ti vi cho con va bac giup viec
 

Lần nọ nhà có khách, không thể mở ti vi phòng khách, bác vào hẳn phòng ngủ của vợ chồng chị Vân Anh, nằm trên chiếc giường của chị để dõi theo màn tỏ tình cực lãng mạn của trai xinh gái đẹp xứ Hàn. 

Mà “cơn nghiện” của bác đâu dừng lại ở đó. Hôm sau đài phát lại bộ phim này, bác lại tiếp tục... buông việc nhà để ôm lấy ti vi. Mỗi kênh đều có ít nhất một bộ phim bác thích nên cứ theo lịch chiếu mà bác chuyển xoành xoạch hết kênh này đến kênh kia. Tiếng ti vi ra rả khắp nhà, giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác.

Khi chị Vân Anh tỏ ra không hài lòng, bác giúp việc kéo các bé Nhím, Sóc, Gấu về phe mình để có đồng minh. Vừa xem, bác vừa kể diễn biến của phim, vừa bàn tán xôm tụ khiến tụi nhỏ cũng cuốn theo câu chuyện ngôn tình. Lâu dần cơn nghiện ti vi của bác đã lây sang chúng khi nào chẳng rõ.

Thấy quá bất ổn, chị Vân Anh quyết định “phải làm một cái gì đó” trước khi sự việc vượt vòng kiểm soát của chị. 

3. Kê toa

“Toa thuốc” hiệu quả nhất mà chị Vân Anh sử dụng để “cắt cơn” nghiện ti vi của bác giúp việc, chính là bọn trẻ. Chị muốn các con phải là người nói không với ti vi trước, thì mới có thể làm gương cho bác. Sẽ không có lý do gì để bác bật ti vi, khi trong nhà chẳng ai có nhu cầu xem ti vi. Cuộc trò chuyện nghiêm túc giữa chị và các bé đã diễn ra vào một buổi sau giờ cơm tối. 

“Có ba vấn đề mẹ cần các con để tâm: Một là, tiền điện tháng này đã tăng vọt từ 1,2 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng, gấp đôi tháng trước, lý do là ti vi được mở hầu như cả ngày. Đây là một sự lãng phí không thể chấp nhận.

Hai là, mẹ không chấp nhận chúng ta thiếu trách nhiệm với phần việc của mình, khi mải xem ti vi mà quên dọn dẹp nhà cửa hoặc sa đà vào bộ phim mà mất tập trung vào bài tập về nhà. Ba là, gần đây mẹ thấy Nhím bắt đầu chểnh mảng trong việc học, mẹ cho rằng đây là hậu quả của việc thiếu tập trung. Trong việc này, Nhím có một phần lỗi, mẹ có một phần lỗi và bác giúp việc có một phần lỗi...”.

Vì ba vấn đề mẹ đưa ra đều có lý, nên Nhím, Sóc, Gấu đều gật gù đồng tình: nếu dành thời gian xem ti vi để tập đàn, đọc sách hay vẽ tranh thì ích lợi hơn biết bao nhiêu!

4. Điều trị

Sau đó, nhiệm vụ gian nan nhất được giao cho Sóc, cô nàng thẳng tính và khôn khéo nhất nhà. Lựa lúc bác giúp việc đang vui, Sóc thủ thỉ: “Bác ơi, buổi tối bác đừng xem ti vi nữa nhé, để bọn cháu học và ngủ sớm. Với cả, mai bác lại xem lại, mà tối bác cũng xem thì tốn điện lắm”.

Ngay hôm đó, cả nhà quyết tâm chỉ bật ti vi trong vòng 30 phút. Sau đó các bạn sẽ tắm rửa, ăn cơm, dọn dẹp, chơi đàn, đọc sách hoặc đánh cờ. Vì các bạn cần tập trung cho những hoạt động của mình, chiếc ti vi ồn ào mọi ngày được yêu cầu im lặng tuyệt đối. Bác giúp việc lẳng lặng gom bát đũa đi rửa, lau dọn nhà cửa và xong việc sớm hơn mọi khi.

Thời gian rảnh rỗi, bác ra ban công ngắm mây trời, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài cam chịu. Tuy nhiên, chị Vân Anh cũng cho biết thêm, vì bác sống xa gia đình, không có gì để giải trí nên chị cũng không có ý định cai luôn giờ xem ti vi buổi sáng của bác. Nhất là điều này cũng không ảnh hưởng đến đám trẻ, vì lúc ấy các bạn đều đang ở trường. 

Kể lại câu chuyện này, chị Vân Anh cho rằng thành công lớn nhất của chị là giúp bọn trẻ nhận ra cái ti vi không phải niềm vui duy nhất trong cuộc sống. Chị mong các con xem nó như một phương tiện giải trí, thay vì lệ thuộc hoàn toàn thời gian và khả năng tư duy vào nó.

Đó là chưa kể nguy cơ các con sẽ còn gặp phải các căn bệnh “tặng kèm” từ cơn nghiện ti vi, như tự kỷ, béo phì, suy giảm thị lực, rối loạn giấc ngủ, hen suyễn, tim mạch, kém thông minh... Và chắc chắn chẳng người mẹ yêu con nào mong muốn điều đó xảy ra cho đứa trẻ của mình. 

Trà Nguyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI