Các vụ xâm hại trẻ em bị 'chìm xuồng' vì thiếu cái tâm

18/07/2017 - 06:30

PNO - Một bà lão bị công an mắng là “khùng”, “chuyện nhà người ta mắc mớ gì bà nói” khi bà trình báo một trường hợp xâm hại trẻ ở gần nhà.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổng kết: nguyên nhân nhiều vụ xâm hại trẻ em đi vào ngõ cụt do người nhà không biết cách giữ chứng cứ, quy trình xử lý chậm trễ, cơ quan giám định nằm rải rác nên khi giám định thì đã mất chứng cứ; trẻ em thường hoảng sợ khi lấy lời khai nên mỗi lần khai mỗi khác…

Cac vu xam hai tre em bi 'chim xuong' vi thieu cai tam
Nhiều vụ xâm hại trẻ đi vào ngõ cụt

Mỗi vụ - một “phác đồ điều trị” 

Trong nhiều vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em tại TP.HCM, rất nhiều người nhiệt thành mang sứ mệnh ứng cứu nạn nhân, dư luận cũng đấu tranh mạnh mẽ để đưa các vụ việc ra ánh sáng. Nhưng sự tức giận của đám đông và tấm lòng của các cá nhân thiếu sự liên kết chắc chắn và nhịp nhàng nên nhiều kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ, khiêu khích. Hậu quả, những bi kịch nạn nhân và gia đình gánh chịu đã tăng lên nhiều lần.

Như trường hợp ồn ào về cô bé học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị xâm hại. Sau thời gian mẹ của bé tố giác con gái bị XHTD tại trường, công an mời lên mời xuống, báo chí vào cuộc giành giật, xâu xé thông tin… hiện họ đã dời đi nơi khác sống cho yên lành.  

Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức ngày 14/7, ý kiến của PGS-TS Đỗ Hạnh Nga được các đại biểu đồng tình. Bà Nga cho rằng, mỗi ca xâm hại, trẻ cần một “phác đồ điều trị” riêng. Trong nhiều vụ việc, sự thiếu đồng bộ trong cách xử lý khiến nạn nhân phải gánh chịu áp lực tâm lý quá nặng nề. 

Tắc ở… cái tâm

Những giải pháp được đề ra có mẫu số chung là: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ ở trẻ; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập huấn cho cán bộ làm công tác trẻ em… Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em vừa được ban hành ngày 9/5/2017 càng giúp công tác bảo vệ trẻ em vận hành thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thiếu cái tâm đối với trẻ, mọi giải pháp chỉ nằm trên giấy. 

Bức xúc đến nghẹn lời, ông Đào Quang Hưng (Phòng Tổ chức phi chính phủ và công tác thanh niên, Sở Nội vụ TP.HCM) chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe tại hội thảo: một bà lão bị công an mắng là “khùng”, “chuyện nhà người ta mắc mớ gì bà nói” khi bà trình báo một trường hợp xâm hại trẻ ở gần nhà. Một người mẹ tố giác chồng bạo lực với con mình, cán bộ tiếp nhận thản nhiên đáp: “Người có chức trách này hiện nghỉ phép. Bảy ngày nữa chị quay lại nhé!”. 

Câu hỏi của chị Nguyễn Ngọc Nhung (Phó ban Thiếu nhi Thành Đoàn TP.HCM) khiến khán phòng lặng đi: “Có số lượng lớn lượt người tham dự những buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhưng đằng sau những con số đó là gì? Có bao nhiêu trong số đó là đối tượng cần hướng tới để có thể ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ?”.

Bệnh hình thức, thành tích cũng là tác nhân gián tiếp xâm hại trẻ. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng thời gian tới, khi đánh giá thành tích không nên chăm chắm vào số lượng vụ việc năm nay giảm bao nhiêu phần trăm so với cùng kỳ năm trước, mà là khi có vụ việc xảy ra thì các em được can thiệp, hỗ trợ như thế nào. 

Ví như một vụ việc ở Q.4, TP.HCM, người cha nọ đã được cô cộng tác viên phụ trách mảng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của địa phương cảnh báo về tình trạng tên hàng xóm nhiều lần nằm trên đùi của cô con gái thiểu năng của anh khi hắn sang xem ké ti vi, nhưng người cha vẫn phớt lờ và “siêng” đi nhậu. Hệ quả đau đớn là bé gái đã bị tên yêu râu xanh ấy XHTD đến 18 lần. 

Rào chắn hữu hiệu nhất bảo vệ con an toàn với những nguy hại của xã hội là tình thương yêu của cha mẹ. Nhưng đáng buồn là hiện nay, quá nhiều phụ huynh vì những lý do tự cho là “cực-kỳ-chính-đáng” đã lơ là trách nhiệm bảo vệ con mình. 

Trong thời gian 16 tháng (1/2016-7/2017), cơ quan điều tra hai cấp của TP.HCM đã khởi tố mới tổng cộng 120 vụ án - 82 bị can, tòa án hai cấp đã xét xử 87 vụ - 97 bị cáo về các vụ án XHTD trẻ em. 

Con số này chưa phản ánh đúng thực tế, do nhiều vụ XHTD trẻ em không được trình báo. Số bị can luôn thấp hơn số vụ án khởi tố cũng là “đặc trưng đau lòng” của loại tội phạm này và số vụ án tạm đình chỉ điều tra do chưa xác định đối tượng hoặc đối tượng bỏ trốn là “món nợ” của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với xã hội. (Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI