Lô tô Sài Gòn: Cuộc thoát thân nỗi niềm ‘bóng hát hội chợ’

19/10/2018 - 06:02

PNO - Lô tô thịnh hành ở miền Tây và những vùng quê, nhưng đây cũng là nơi người kêu lô tô phải chịu nhiều định kiến. Sài Gòn với sự cởi mở ít nhiều đã giúp họ thoát khỏi những sự trói buộc bấy lâu.

"Ôi ba cái thứ bê đê thì nói làm gì"

Sau khi du nhập vào Việt Nam, lô tô bắt đầu phát triển thịnh hành vào những năm 80 của thế kỷ XX, tại những vùng quê Nam bộ. Lô tô thường được ưa chuộng vào những dịp lễ, Tết hoặc theo các đoàn hội chợ đi tỉnh. Yếu tố may rủi cùng sự vui nhộn, đa dạng trong cách gọi số lô tô giúp chúng được người dân ưa chuộng.

Thịnh hành, được ưa chuộng là thế nhưng cuộc sống của các đoàn lô tô lại không ổn định, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những tháng mùa mưa khiến đoàn không thể hoạt động. Ở các đoàn lô tô tỉnh, xuất phát điểm của một người là việc bán vé, bán nước, dọn sân bãi với mức lương 70.000 - 100.000 đồng/ngày. Công việc này có thể kéo dài nhiều năm, trước khi họ được lên sân khấu để tham gia các vai nhỏ hoặc bắt đầu được gọi số, hát lót.

Nỗi niềm của những mảnh đời trong các đoàn lô tô không dừng lại ở chuyện cơm áo, gạo, tiền... Họ phải đối diện áp lực về định kiến giới tính khi quan niệm của người dân ở các vùng nông thôn vẫn chưa thực sự cởi mở với cộng đồng LGBT (người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới). Trong khi đó, lực lượng này lại đóng vai trò chủ chốt trong các đoàn lô tô, hội chợ. 

Lo to Sai Gon: Cuoc thoat than noi niem ‘bong hat hoi cho’
Phần lớn thành viên các đoàn lô tô thuộc cộng đồng LGBT

Chua xót hơn, trong sự ngoảnh mặt, quay lưng đó có cả gia đình, người thân của họ. Tâm Thảo (đoàn lô tô Hương Nam) hay Nhã Vy (đoàn Sài Gòn Tân Thời)... đều từng bị người thân xua đuổi khi bắt đầu gia nhập các đoàn lô tô, dẫu rằng đây vẫn là một công việc kiếm tiền chính đáng, có đóng góp trong đời sống tinh thần của người dân. 

Nhã Vy có khoảng 6 năm kinh nghiệm đi hát lô tô, xuất phát từ đoàn nhỏ của tỉnh. Nhã Vy chuyển về hoạt động tại Sài Gòn trong đoàn Sài Gòn Tân Thời vài tháng trở lại đây. Tâm sự về lúc còn theo các đoàn tỉnh, Nhã Vy cho biết ngoài khó khăn về vật chất thì những định kiến lắm lúc khiến cuộc sống càng trở nên ngột ngạt: “Họ xì xầm, chọc ghẹo về phận bóng hát lô tô. Nghe đó, buồn đó nhưng xứ lạ quê người không thể nào phản kháng lại, vì lỡ có gì họ đánh thì làm sao. Những lúc đó chỉ biết chui vào giường, nằm thương thân xót phận mà thôi. Chúng tôi cũng không thể trở về nhà, nên đành chịu để tiếp tục làm, tiếp tục sống ”.

Lo to Sai Gon: Cuoc thoat than noi niem ‘bong hat hoi cho’
Nhã Vy biểu diễn trong một sự kiện.

Diệp Thanh Thanh, một đàn chị có thâm niên trong giới lô tô cũng đồng cảnh ngộ với đàn em, và chỉ biết âm thầm chịu đựng. “Ban đầu, tôi đau cho những lời miệt thị, nhưng đành chịu vì số phận đã như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận nhưng phải luôn sống tốt để không hổ thẹn với chính mình”, chị tâm sự. Trong khi đó, nỗi đau về thân phận đã ập xuống người đẹp Dạ Thảo ngay đêm đầu tiên bước vào đoàn lô tô với câu nói đầy chua chát: “Ôi ba cái thứ bê đê thì nói làm gì”.

Những lời nói tưởng chừng như vô tình, vô ý ấy lại trở thành vết cắt sâu trong lòng những con người trót mang thân sâu hồn bướm. Hoàn cảnh để sinh tồn một lần nữa vô tình đặt họ vào những trớ trêu, để rồi Sài Gòn chào đón họ, như một sự tái sinh...

Từng có thời gian tìm hiểu về bộ môn lô tô để thực hiện bộ phim điện ảnh cùng tên, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng: “Lô tô xuất phát từ trò chơi xổ số, nguyên bản nhất không gắn với những định kiến về giới tính. Trò chơi này được mang từ nước ngoài về, sau đó Việt hóa, ghép việc ca hát ca dao vùng miền vào. Thời kỳ đầu, người hát lô tô có giới tính nam, nữ hẳn hoi. Sau đó, xã hội có những sự bộc phát về giới tính, một cách tự nhiên.

Cách đây khoảng 20 - 25 năm, có những anh, những chú ban ngày đi vác lúa, ban đêm giả gái đi hát lô tô, gọi là bóng lô tô cựu trào. Họ không thể nào sống trong gia đình được nữa với vai trò một người đàn ông, cũng không được xã hội chấp nhận. Chuyện giả gái bắt đầu và hình thành nên đoàn nhỏ, một nghề chính thức. Lúc này, lô tô là cuộc vượt thoát khỏi những định kiến xã hội để bước ra hành nghề, từ tâm linh, sở thích. Lô tô là đứa con được sinh ra ngoài giá thú của ngành giải trí mang tính dân gian”.

Sân khấu là nhà, khán giả là người thân

Các đoàn lô tô trẻ tại Sài Gòn hình thành từ cuối năm 2017, nhưng mới phát triển rầm rộ trong vài tháng trở lại đây. Sài Gòn Tân Thời, Hương Nam đều có sân khấu hoạt động ổn định với lượng khán giả không ngừng tăng cũng như hiệu ứng lan truyền tốt trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông. Thời gian tới, lô tô cũng sẽ được mang lên truyền hình để phác hoạ đúng nhất về những giá trị của chúng.

Lo to Sai Gon: Cuoc thoat than noi niem ‘bong hat hoi cho’
Lô tô phát triển thịnh hành tại Sài Gòn trong thời gian gần đây.

Sài Gòn đón nhận để lô tô phát triển cũng chính là cơ hội để những thân phận trôi dạt chuyển mình. Bỏ lại những sự miệt thị, họ dần được thừa nhận những giá trị mà bản thân mang lại cho đời sống tinh thần của người dân.

“Tôi đi hát 4, 5 năm ở quê không có một người hâm mộ nào cả, cứ hát xong lại chui xuống gầm sân khấu để ngủ, nhưng từ khi lên TP.HCM hoạt động, mọi thứ đã khác. Tôi được thừa nhận, được yêu mến và đồng cảm nhiều hơn. Khán giả hay nhắn tin hỏi thăm, động viên. Quan trọng nhất, tư tưởng thoáng về cộng đồng LGBT giúp tôi và các bạn có được cuộc sống vui vẻ, thoải mái”, Nhã Vy tâm sự.

Hơn 10 năm đi hát ở các đoàn lô tô miền Tây, Diệp Thanh Thanh mới hoạt động tại TP.HCM trong thời gian gần đây. Sự phát triển ngày một tích cực của bộ môn này đã mang lại nhiều niềm vui, nguồn năng lượng sống tích cực cho chị.

“Họ xem chúng tôi là một nghệ sĩ, chứ không gọi bằng những cụm từ mà ở quê chúng tôi thường hay nghe như bóng hát hội chợ, bê đê hội chợ. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác khó tả khi được khán giả tặng son, phấn, bông tai, quần áo, nước hoa...”, chị vui vẻ cho biết.

Theo đoàn tại Cần Giuộc, Long An trong nhiều năm, Dạ Thảo cũng mới chuyển về hoạt động trong đoàn Sài Gòn Tân Thời gần đây. Chị nhận thấy sự khác biệt rõ nét giữa hai môi trường hoạt động: “Lô tô ở Sài Gòn thoáng, giúp chúng tôi thoải mái, được sống hết mình trên sân khấu. Chúng tôi được sống gần với khán giả, không có khoảng cách. Sân khấu giờ là nhà, khán giả cũng là người thân. Đây có thể xem là sự chuyển biến tích cực nhất khi lô tô phát triển tại Sài Gòn, một mảnh đất luôn cởi mở”.

Lo to Sai Gon: Cuoc thoat than noi niem ‘bong hat hoi cho’
Dạ Thảo (trái) biểu diễn cùng Mai Thiên Tai.

Với những đoàn lô tô, Sài Gòn như miền đất hứa ở hiện tại và tương lai. Không chỉ được thừa nhận về nghề nghiệp, tôn trọng giới tính, cuộc sống của thành viên trong các đoàn lô tô cũng đang có sự thay đổi tích cực với mức cát-sê ổn định, nhiều cơ hội mới được mở ra, có nơi ăn chốn ở ấm cúng, không còn cảnh ngày nắng, ngày mưa ở gầm sân khấu...

“Thu nhập ổn định nên tôi có cơ hội giúp đỡ ba mẹ ở quê, còn ngày trước chỉ mơ đến việc đủ ăn qua ngày”, Nhã Vy vui mừng. Trong khi đó, Diệp Thanh Thanh lại có nhiều thời gian bên cạnh mẹ bởi nhà của chị vốn ở Sài Gòn.

Ngoài ra, việc làm nghề của họ cũng dần tiến tới sự chuyên nghiệp, quy củ hơn. Nếu như ở các đoàn lô tô tỉnh, người rao số phải mặc trang phục ngắn, bó sát, có phần hở hang để thoả mãn sự tò mò của người xem, lời ăn tiếng nói chưa chỉn chu thì nay đã dần có những quy tắc, khuôn phép cần tuân thủ.

Trong từng đêm diễn, họ sẽ trang điểm, diện trang phục theo đúng chủ đề lịch sự, bắt mắt, hoặc chủ yếu là áo dài, áo bà ba. Cách rao cũng được cải thiện hơn, dần hướng đến những giá trị giáo dục bên cạnh yếu tố hài hước, vui nhộn. Đây cũng là nền tảng để giúp lô tô trở lại và tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới. 

Lo to Sai Gon: Cuoc thoat than noi niem ‘bong hat hoi cho’
Các đoàn lô tô trẻ đang hướng tới việc hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Sài Gòn có nhiều tín hiệu tích cực dành cho các đoàn lô tô nhưng không niềm vui nào trọn vẹn. Trong một chương trình được phát gần đây trên YouTube, một bộ phận người trẻ vẫn lên tiếng phản bác lô tô và bày tỏ sự kỳ thị người rao số.

Trước những điều trắc trở này, Dạ Thảo cho rằng: “Sự kỳ thị hiện tại chỉ còn đôi ba phần, còn lại là sự thông cảm. Điều quan trọng nhất ở hiện tại tôi nghĩ rằng chị em ở các đoàn nên sống thật tốt để những phần kỳ thị đó có thể chuyển thành tình yêu thương. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn tủi thân nữa”. 

Trong khi đó, Nhã Vy trăn trở việc người hát lô tô phải luôn nhìn lại chính mình để phân định đúng, sai trong những lời chỉ trích, để hoàn thiện bản thân từng ngày, cả về nghề nghiệp lẫn cách sống. Lô tô có những đặc thù riêng cần được nhìn nhận đúng đắn. Giá trị của một loại hình giải trí phụ thuộc vào tài năng, nhân cách của người làm nghề, vốn không gắn với những khái niệm, định kiến về giới tính. 

“Lô tô trẻ Sài Gòn có nhiều niềm vui, không có sự phân biệt nào cả. Chị em đều yêu thương, hỗ trợ, lịch sự, hoà đồng với nhau. Dù hát hay, hay hát chưa hay đều ngang bằng nhau khi đứng trên sân khấu. Chúng tôi không có khái niệm thứ bậc, đẳng cấp hay ngôi sao. Ngày đầu tiên vào đoàn tôi cảm nhận rõ niềm vui. Có lẽ trong thời gian tới tôi sẽ hoạt động cố định ở đây, dù mức cát-sê không cao như đoàn cũ ở tỉnh”

Dạ Thảo 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI