Bám áo bố mẹ, trẻ có thể thành công nhưng liệu có hạnh phúc?

26/06/2017 - 16:13

PNO - Một đứa trẻ 12 tuổi, trước tình huống lẽ ra rất cần thể hiện tấm lòng, thì lại cất giấu tình cảm một cách ích kỷ. Lỗi có phải thuộc về đứa trẻ?

Nhà hàng xóm mới chuyển về khoảng năm tháng nay. Họ có đứa con gái 12 tuổi, học trường điểm. Hôm ấy, mẹ cháu có việc đột xuất mà ba cháu chưa về, chị đành đưa cháu qua gửi nhà tôi. 

Con tôi cùng tuổi bạn, hai đứa đã quen nhau, nhưng ít có dịp tiếp xúc như thế. Cả hai ríu rít hồn nhiên: “Vừa rồi bạn có đạt danh hiệu học sinh xuất sắc không? Gác nhà bạn nhỏ vậy, hai chị em ngủ chung hay riêng? Nhà nuôi mèo, nó có ị trong nhà không? Bố tớ nói nuôi mèo là mất vệ sinh lắm”. Hai đứa vừa chuyện trò, vừa xem ti vi.

Bam ao bo me, tre co the thanh cong nhung lieu co hanh phuc?
Yêu con, nhưng đừng để con bám áo bố mẹ. Ảnh minh họa

Tôi theo dõi mới hay, cháu bé hàng xóm từng đoạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố. Nhưng lạ một điều, bé nói gì cũng “bố tớ nói/ mẹ tớ nói…”. Ban đầu tôi nghĩ cháu là đứa trẻ ngoan, biết nhớ lời bố mẹ. Sau tôi thấy bé thường xuyên lặp lại câu nói ấy một cách… bám víu.

Hai đứa trẻ vẫn xem phim cùng nhau. Phim có đoạn trời đang nắng bỗng mưa xuống, một bà lão lê từng bước chân đi rút quần áo ngoài bờ rào. Thấy thế, có em bé đi ngang vội chạy tới giúp, dù trời đã mưa to. Nhìn cảnh phim, cháu bé hàng xóm phát biểu: “Tớ mà dầm mưa kiểu ấy, bố tớ mắng chết”.

Con gái tôi liền “vặn” bạn: “Sao cái gì bạn cũng “bố tớ” hết vậy? Bà cụ tội nghiệp thế, tớ là tớ sẽ giúp ngay, dù cho mưa to thế nào”. Nghe đến đấy, tự nhiên tôi cảm thấy “nể” con gái mình. Con đã trưởng thành, bắt đầu có chính kiến rồi đây! Cảm giác ấy khiến tôi sung sướng, và tôi tin rằng, khi làm được điều ấy, hẳn con rất hạnh phúc.

Quay lại câu chuyện bà lão đi lấy quần áo, tôi thấy con gái sống tình cảm, biết nhìn nhận mọi điều diễn ra xung quanh. Điều ấy không chỉ thể hiện tính cách mỗi đứa trẻ, mà phần lớn phụ thuộc vào sự chỉ dạy, vào cách sinh hoạt của mỗi gia đình. Trong bữa ăn, lúc xem ti vi, hay lúc ra ngoài, thấy bất cứ cảnh tượng đáng thương, đáng trách, đáng quan tâm nào, tôi cũng đều giúp con nhận biết đúng sai.

Con cái gần gũi bố mẹ, tính cách, suy nghĩ của con ảnh hưởng rất nhiều từ bố mẹ, nên tôi tự dặn lòng phải “chuyển hóa” bản thân mình trước, sống tích cực, suy nghĩ tích cực để “chuyển hóa” con, và giúp con có những suy nghĩ độc lập.

Tôi thường đưa ra một vấn đề nào đó, hỏi ý kiến con, khi ấy sẽ rất dễ dàng định hướng cho con. Định hướng chứ không áp đặt. Tôi nghĩ, cha mẹ rất dễ “gieo” những bài học quý từ những chuyện đời thường.

Tôi không chê trách cháu bé hàng xóm, nhưng lòng vẫn lấn cấn: tại sao trước hình ảnh một bà cụ đáng thương như thế, cháu vẫn “tựa” vào bố mẹ? Không phải cháu vô cảm, bởi cháu đã nói: “Tớ muốn giúp, nhưng sợ mưa ướt, bố la”.

Một đứa trẻ 12 tuổi, trước tình huống lẽ ra rất cần thể hiện tấm lòng, thì lại cất giấu tình cảm một cách ích kỷ. Lỗi có phải thuộc về đứa trẻ? Tôi cứ mải suy nghĩ: "Nếu cứ lớn lên với lối nghĩ đóng khung theo cha mẹ như vậy, mai này cháu có thể thành công, nhưng liệu cháu có hạnh phúc không?". 

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI