Bài học “kệ nó”

12/02/2017 - 16:37

PNO - Những đứa trẻ, quả thực, là chất keo kết dính những thành viên trong gia đình. Có trẻ con nhà vui hẳn.

Mình có hai cậu con trai đang vào “tuổi la, tuổi hét”, nhà còn ồn hơn nhà trẻ. Vậy mà hôm nay im ắng lạ, vì mẹ gửi hai bé về ngoại chơi vài hôm.

Nhà vắng, con mới đi vài tiếng, mẹ đã thấy nhớ. Nhà im lặng, điều mà ngày nào mẹ cũng mong muốn nay đã thành sự thật thì mẹ lại nhớ tiếng cười đùa, la hét của con.

Mẹ đã từng lo lắng khi đưa con đi chỗ đông người, những nơi công cộng như siêu thị. Vì nếu con không mua được thứ con muốn, con có thể khóc lóc hoặc nằm vạ không chừng. Những khi ấy, nếu ở nhà mẹ sẽ để mặc con hoặc đét mấy phát vào mông, nhưng siêu thị thì không vậy được.

Bai hoc “ke no”
 

May sao có lần đi khám bác sĩ, hai anh em giành nhau viên kẹo rồi đánh nhau. Người thua lăn đùng ra khóc làm ồn ào, rối tung cả phòng khám vốn đã nhiều trẻ nhỏ. Bác sĩ bảo kệ nó, trẻ con mà. Cũng có hôm, con xếp hết ghế chờ của bệnh nhân lại, rồi không cho ai ngồi vì con nói phải dọn dẹp. Bác sĩ cũng bảo: trẻ con mà, xíu là chán thôi. Chẳng cần mẹ can thiệp, mấy phút sau con tự động mang ghế lại chỗ cũ, còn nói: dọn hàng thôi. Mẹ học được bài học "kệ nó" từ đó.

Hết mấy ngày nghỉ, “mùa xuân bé nhỏ” cũng về đến nhà. Nhà lại ồn ào và náo nhiệt, nhưng mẹ không còn phiền hà gì. Con kể bà ngoại đã chỉ cho con gói bánh tét, rồi con chỉ vào cái bánh được gói không khác gì một nùi lá và dây. Ngoại cho đem về và hai cu cậu ra vẻ như đó là một chiến công vĩ đại. Mẹ cứ để hai cái bánh-tét-không-ra-bánh-tét lên bàn thờ để cúng ông ngoại. Ðằng nào cũng là sản phẩm đầu tiên của hai con, mẹ cần phải tôn trọng điều đó chứ.

Con kể còn được bà ngoại dẫn ra chợ, chỉ cho con mấy con cua đồng, mấy loại rau mà rau gì quá chừng rau, con không phân biệt được. Con được bà ngoại chỉ cho cách chà lư hương và lau dọn bàn thờ ông ngoại. Con còn biết cả nhổ cỏ ở mộ ông và thắp nhang cho ông và bà cố nữa. Con khoe rôm rả cả nhà, và lần nào mẹ cũng tròn mắt lên vì ngạc nhiên quá xá.

Sao không ngạc nhiên cho được, khi hai con được sinh ra ở thành phố, đi học từ sáng đến chiều, bố mẹ đi làm về đến nhà là cuống cuồng cơm nước. Cuối tuần hay Chủ nhật thảnh thơi chút lại cho con đi công viên hay nhà văn hóa thiếu nhi nên những điều quanh cuộc sống hằng ngày, mẹ lại quên mất.

Có lẽ được “tận dụng” nhiều nên ở nhà ngoại, tụi con ít được dịp quậy phá. Năng lượng cũng tiêu hao nhiều nên ăn nhiều và ngủ ngon hơn hẳn. Làn da trắng xanh cũng được thay bằng làn da rám nắng khỏe mạnh. Nghe ngoại kể, tụi con đã tự biết ăn cơm, dù có đổ cơm như “gieo mạ”. Con cũng không kén cá chọn canh như ở nhà vì món ăn toàn những món rau do con tự hái và được chế biến khác hẳn mẹ ở nhà. Tôi lại thêm một lần nữa thấm thía câu: "kệ nó". Phải dũng cảm biết mấy mẹ mới có thể kệ cho con trưởng thành. 

Những đứa trẻ, quả thực, là chất keo kết dính những thành viên trong gia đình. Có trẻ con nhà vui hẳn. Có trẻ con, gương mặt nhăn nheo của bà như bừng sáng với những nụ cười tươi tắn. Những nếp nhăn không mờ đi nhưng trở nên đẹp hơn với đôi mắt lấp lánh hạnh phúc.

Chợt nhớ chị, như nhiều phụ nữ khát khao được làm mẹ. Mang thai đến lần thứ năm đứa trẻ mới chịu ra đời. Bao lần hy vọng, bao lần thất vọng, cuối cùng chị cũng có được hoàng tử bé cho riêng mình. Tôi nhắn tin hỏi chị, mùa xuân năm nay như thế nào? Chắc là bận rộn lắm vì em bé còn nhỏ mà tết thì nhà cửa bao việc phải lo. Chị trả lời: bận gì em, có bé Bi là nhà chị có mùa xuân rồi nên chẳng cần làm gì khác nữa!

Phải rồi, mỗi đứa trẻ là một mùa xuân mãi mãi của mẹ. Chỉ có mẹ mới biết hết điều kỳ diệu của mùa xuân đó. Và có thể giúp mùa xuân ấy trở nên lớn mạnh và đơm hoa, kết trái nữa bằng nhiều cách khác nhau, có cả cách để kệ cho chúng lớn lên.

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI