Nhân chuyện cô sinh viên Bình Dương vô ơn với các hiệp sĩ bắt cướp

25/07/2019 - 11:30

PNO - Sau câu nói thản nhiên và vô ơn của cô sinh viên khi nhận chiếc xe máy các hiệp sĩ đuổi cướp lấy lại, cuộc tranh luận về lỗ hổng văn hóa và hành xử của lớp trẻ lại rộ lên trên các diễn đàn.

Câu chuyện về nữ sinh viên Bình Dương vẫn ồn ào trên mạng. Trưa 22/7, nữ sinh tên T.T.B.H (sinh năm 2000, ngụ Bình Dương) đến phòng trọ của bạn chơi và để chiếc máy hiệu Lead ở ngoài cửa phòng. 

Lợi dụng sự sơ hở của nữ sinh này, một đối tượng đã bẻ khóa xe của T.T.B.H và nhanh chóng tẩu thoát. Cùng lúc này, đội hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải thấy đối tượng này khả nghi nên đuổi theo. Khi xác định đó là kẻ trộm, đội hiệp sĩ đã khống chế và lấy lại được chiếc xe máy và gửi về tận nhà cho cô  gái. Điều đáng nói ở đây chính là thái độ vô ơn của nữ sinh này khi nhận lại tài sản suýt bị mất cắp.

Đáng nói, nữ sinh này sau đó lại thản nhiên nói: “Nhà em có camera, các anh không bắt được thì em cũng giao cho công an tìm ra à”. Công cũng không một lời cảm ơn đội hiệp sĩ nên cộng đồng mạng ồn ào lên án thái độ vô ơn đó.

Và rồi sự việc có vẻ như đã kết thúc tốt đẹp hơn, khi cha mẹ cô gái dẫn cô gái tời gặp hiệp sĩ để nói lời xin lỗi về thái độ của mình. Lời xin lỗi được chấp thuận. Thế nhưng, trong rất nhiều con người, nhiều gia đình, và đặc biệt có lẽ trong gia đình cô gái trẻ kia, có một điều mới chỉ bắt đầu và mong là như thế: bắt đầu những bài học về lòng biết ơn. Những đứa trẻ phải học biết ơn và cha mẹ phải học cách dạy con biết ơn. 

Nhan chuyen co sinh vien Binh Duong vo on voi cac hiep si bat cuop
Khi các hiệp sĩ quên mình đuổi cướp để lấy lại chiếc xe máy, cô sinh viên đã thản nhiên phát biểu: " Nhà em có camera, các anh không bắt được thì em cũng giao cho công an tìm ra à"

Hôm qua tôi ghé chơi nhà một người bạn. Cô có hai cô con gái nhỏ xinh đẹp. Theo thói quen, tôi quanh quẩn tìm gì đó mang đến làm quà cho các cháu. Tôi nhìn thấy mấy thanh kẹo chocolate và bịch bánh tráng trộn tôi vừa mua cho con gái mình.

Ngần ngừ một chút, tôi nghĩ câu ông bà nói “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”, thôi mang cho các cháu đã, rồi mua lại cho con gái sau. Nghĩ sao, làm vậy, tôi cho vào giỏ xách kẹo và bánh tráng, mang đi.

Bạn tôi nhà giàu và có địa vị trong một ngành thuộc dạng béo bở hiện giờ. Tôi biết rằng bạn không thiếu bánh kẹo ngon lành, nhưng tôi hy vọng bịch bánh tráng trộn sẽ làm các cô bé tuổi teen thích thú.

Thế nhưng những món quà của tôi đã bị đón nhận một cách hết sức thờ ơ, từ cả bạn tôi đến các cháu nhỏ. Khi cầm quà của tôi, bạn tôi thậm chí không hề cám ơn. Tôi nghĩ, ừ thì chúng tôi cũng quá thân nhau. Bạn đưa cho các con, chúng cũng không buồn cầm lấy và không hề cám ơn tôi, dù nghe mẹ chúng nói "quà của bác này các con". Hình như chúng đã quá quen với việc cha mẹ có quà cho chúng từ những người cần nhờ vả, xin xỏ…

Tôi thấy thật chạnh lòng, vì mình đã lấy đi phần kẹo, bánh của con gái, mang cho các cô bé. Tôi tiếc cho thiện ý của mình đặt sai chỗ.

Có nhiều hay không, thái độ vô ơn của những đứa trẻ hôm nay trong cuộc sống. Rất rất nhiều. Nếu để kể ra, tôi có thể kể đến hết ngày câu chuyện về con cái của bạn bè. Những đứa trẻ học trường quốc tế, nói tiếng Anh như gió. Những đứa trẻ học trường chuyên, tối ngày sáng đêm được cha mẹ chở đi học thêm các kiểu, từ văn hóa tới các môn ngoại khóa, đàn vẽ bơi võ… 

Chúng được học nhiều, chúng nhận quá nhiều ưu đãi của cuộc sống. Và rồi đến một lúc nào đó, chúng cảm thấy tất cả những điều tốt đẹp ấy là đương nhiên. Đương nhiên chúng phải nhận được, đương nhiên người ta phải mang đến và đương nhiên cuộc sống là như thế.

Nhan chuyen co sinh vien Binh Duong vo on voi cac hiep si bat cuop
Người mẹ phải dẫn cô con gái sinh năm 2000 đi xin lỗi các hiệp sĩ bắt cướp

Chúng được dạy rất nhiều thứ. Chúng có nhiều tri thức, chúng thậm chí được hứa hẹn những tương lai tốt đẹp có sẵn. Chúng trở nên coi trọng mình đến mức không nhận ra rằng chúng cần phải có thái độ biết ơn với bất kỳ ai vì một điều gì. Nếu phải mang ơn ai, chúng thấy chúng hạ mình và chúng sẽ khó chịu. Nhất là khi phải nói cảm ơn, biết ơn với những người mà chúng cho rằng họ thấp hơn chúng, họ tầm thường, kém cỏi hơn chúng.

Cộng đồng xúm vào phê phán cô gái, riêng tôi, tôi nhìn thấy ở đó vấn đề xa hơn: Liệu các bậc phụ huynh đã biết dạy con bằng những hành động như thế từ sớm hơn chưa? 

Có phải hàng trăm lần bạn từng chứng kiến cảnh những ông bố bà mẹ liên tục phải nhắc con: "Chào đi con, cám ơn đi con". Và dù có nhắc đến lần thứ 100 đi chăng nữa thì chúng, bọn trẻ con vẫn luôn luôn miễn cưỡng lí nhí câu cám ơn trong miệng. Bởi vì chúng thật sự không cảm thấy biết ơn người đó.

Vậy thì, đừng chỉ là  dạy con nói cảm ơn và xin lỗi. Mà hãy sống thế nào để cho lòng biết ơn của con trẻ với những điều tốt đẹp trong cuộc sống, với những người mang đến điều tốt đẹp cho mình được thấm vào máu thịt, để chúng sống và lớn lên với trái tim biết ơn.

Khi đó, những lời cám ơn sẽ luôn được bật ra một cách tự nhiên nhất và chân thành. Sẽ không phải thường xuyên nhắc chúng "cám ơn đi con", càng không đến lúc phải đưa con đến trước mặt một ai đó để cùng nó cúi đầu nói câu cảm ơn và xin lỗi.

 Song Văn
                                                                                                                

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI