Đừng làm tổn thương con vì những câu nói vô tình

30/10/2018 - 07:00

PNO - Nhiều người lớn vẫn nghĩ, trẻ con vốn vô tư ít suy nghĩ. Nhưng thực chất, trẻ con vốn rất nhạy cảm, một lời nó vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến chúng.

Các bậc phụ huynh thường cho mình cái quyền trách mắng con lúc tức giận. Nhưng chính lúc tâm trạng như thế, ba mẹ sẽ không kiểm soát được lời nói của mình và dễ làm tổn thương đến con.

Phụ huynh có thể quên ngay những gì mình nói nhưng đứa trẻ sẽ nhớ mãi những lời nói đó như một vết thương lòng chẳng thể nào lành. Một cậu bé học trò của tôi từng kể, em cảm thấy ghét mẹ từ lúc mẹ xưng “mày – tao” trong một lần mắng em. Lần đó, em sơ ý làm vỡ chai nước hoa đắt tiền của mẹ.

Dung lam ton thuong con vi nhung cau noi vo tinh
Những lời nói vô tình của ba mẹ có thể làm tổn thương con. (Ảnh minh họa)

Vì tiếc của, người mẹ đã trút giận lên con bằng những lời lẽ đầy hằn học: “Ước gì mày không phải là con tao. Tao không có đứa con ăn hại như mày”. Mẹ em chắc hẳn sẽ chẳng nhớ gì những câu nói đó nhưng đứa con đã gim gút từng chữ vào trong lòng.

Em cảm thấy những ấn tượng tuyệt vời nhất về mẹ vỡ tan sau những lời nói đó. Bởi thế, phụ huynh phải hết sức kiềm chế đối với con nhỏ, đừng nghĩ con không biết gì mà thỏa sức la mắng.

Một điều nữa, các bậc phụ huynh mắc phải là so sánh con với “con nhà người ta”. Rất nhiều học sinh kể với tôi, chúng nó rất sợ khi phải xem những cuộc thi trí tuệ trên truyền hình cùng ba mẹ.

Bởi thế nào, ba mẹ cũng sẽ so sánh con mình với những đứa bạn cùng tuổi tham gia cuộc chơi. Những lời nói kiểu như: “Bằng tuổi con mà bạn đó giỏi chưa kìa” hay “con nhà người ta biết đủ thứ còn con mình thì...”.

Tâm lý của các bậc phụ huynh thường thích so sánh con mình với con người khác. Từ bé thì so sánh chuyện ăn ngủ, chiều cao, cân nặng, lớn lên tí nữa thì so sánh chuyện học hành, trưởng thành thì so sánh chuyện công việc, thu nhập, vợ chồng, con cái.

Thay vì thốt ra những lời so sánh như thế, sao phụ huynh không phát hiện ra điểm mạnh của con mình để động viên khích lệ. Mỗi đứa trẻ đều có những thế mạnh khác nhau, có đứa không giỏi toán nhưng chơi thể thao rất giỏi và ngược lại.

Chính những lời so sánh sẽ khiến cho trẻ trở nên tự ti, luôn mặc định bản thân kém cỏi, không phát huy sở trường của bản thân. Tốt nhất, đừng ép con thành bản sao của người khác mà để chúng lớn lên được là chính mình.

Dung lam ton thuong con vi nhung cau noi vo tinh
Phụ huynh cần cẩn trọng trong lời nói với con. (Ảnh minh họa)

Nhiều phụ huynh có thói quen la mắng con trước mặt người khác hay khi tức giận thường lôi những lỗi lầm trong quá khứ để chì chiết, mắng mỏ. Có lần, tôi chứng kiến cảnh một bà mẹ mắng con gái giữa siêu thị vì vô ý làm rơi vé xe: “Mày là thật vô dụng, chậm chạp, đãng trí hết sức”. Cô bé khoảng chín tuổi, cúi gầm mặt chịu trận. Và tôi dám chắc, sau lần đó, em sẽ rất ngại đến chỗ đông người và không nào bao giờ quên những lời nói đó của mẹ.

Một số bà mẹ có thói quen kể chuyện của con cái cho người khác nghe, cả chuyện xấu lẫn chuyện tốt. Có thể những việc đó đối với người lớn là bình thường nhưng với con trẻ lại là một chuyện lớn. Ví như, một bé gái từng tè dầm trên giường lúc 5 tuổi nhưng đến khi 9 tuổi, mẹ vẫn vô tư kể chuyện đó với người khác trước mặt em. Chắc chắn em sẽ cảm thấy xấu hổ trước sự việc đó và không hề thích khi mẹ làm như thế.

Nhiều người lớn vẫn nghĩ, trẻ con vốn vô tư ít suy nghĩ. Nhưng thực chất, trẻ con vốn rất nhạy cảm, một lời nó vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến chúng. Bởi thế, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong lời nói, tránh để lại vết sẹo trong tâm hồn con trẻ vì những lời nói vô tình. 

Bảo Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI