“Nhồi” con

19/11/2013 - 07:45

PNO - PN - Vừa chuyển đồ đạc đến nhà mới, tôi giật bắn người khi nghe giọng phụ nữ vọng qua từ căn nhà kề bên: “Coi lại mình đi, không có lửa làm sao có khói!”. Liên tưởng ngay đến một người vợ đang lồng lộn lên vì mấy lời...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong khi tôi vẫn chưa được giải đáp về “nạn nhân” của mớ ngôn từ đó thì trong một buổi chiều nhập nhoạng, chị lại chạy qua nhà, nhờ anh trai tôi sửa bóng đèn. Tận mắt nhìn thấy dung nhan đằm thắm của chị, mẹ con tôi nhìn nhau ngỡ ngàng, thì chị xởi lởi: “Nhà không có đàn ông, cực quá bác ơi!”. Mẹ tôi há hốc: “Ơ…”. Chị cười lúng liếng: “Dạ, nhà con làm xây dựng tận bên Lào, một năm chỉ về dịp Tết”. Chị tốt nghiệp đại học sư phạm văn, nhưng lấy chồng, sinh con, lu bu làm mẹ làm vợ, chưa hề đi dạy. Chồng chị là kỹ sư, đang làm giám sát công trình ở Lào. Và quan trọng là, trong căn nhà thường xuyên “làm ồn” kia chỉ có chị và một đứa con trai… bốn tuổi. Vậy là “nạn nhân” của chị, “học trò” của những trận dạy đời văn vẻ kia, không ai khác, chính là anh chàng bốn tuổi ấy.

“Nhoi” con

Mặc kệ sự hoang mang của tôi, những lời văn vẻ inh tai kia vẫn đều đặn vang lên khoảng mười lần mỗi ngày. Khi thì “Ăn coi nồi ngồi coi hướng, cái tai con mắt sinh ra để làm cái gì hở con?”, lúc lại “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư, thấy chưa King?”, rồi “Đàn ông con trai gì kỳ vậy con? Này nha, phải thế này… thế kia…”. Hầu hết mấy câu nói đó đều được bắt đầu bằng câu cửa miệng: “Nhìn lại mình đi!” của chị. Riết rồi tôi phải tự an ủi là chị đang “dạy” con, chứ không phải “mắng”, nhưng là dạy một đứa trẻ bốn tuổi bằng một phương pháp… quá tầm.

Hôm rồi mẹ tôi nấu chè hạt sen, sai tôi mang qua cho “đàn ông con trai” nhà bên một chén. Thấy tôi bưng chén chè để lên bàn, thằng bé chạy vội ra mừng rồi tìm cách leo lên ghế nhìn, vẻ thích thú. Chị đang đon đả nói chuyện với tôi thì quay qua hừ con một tiếng: “King! Cái đó phải đồ chơi của con không?”. Thằng bé tiu nghỉu, lắc đầu. “Vậy muốn đụng vào thì phải làm sao?”. Thằng bé vội tụt khỏi ghế, chạy thẳng xuống nhà dưới. Chị quay qua nhìn tôi, cười: “Trẻ con vậy đó, phải dạy ăn dạy nói dạy gói dạy mở, cực lắm em”.

Tôi vừa về nhà được mấy phút thì lại nghe tiếng quát: “Một là một, hai là hai, có uy tín chút cho mẹ nhờ nghe King!”. Nghĩ tới vẻ mặt tiu nghỉu của anh chàng hàng xóm, tôi chỉ biết thở dài thương hại. Mới bốn tuổi, thằng bé rất ngoan, không bao giờ quậy phá hay đòi hỏi cái gì, hoặc nếu có, thì cũng bị cái nhìn nghiêm nghị của mẹ dập tắt ngay. Mỗi lần thấy thằng bé trước sân, tôi đều vẫy tay chào. Lần nào cũng vậy, nó thích thú nhổm người lên toan chạy về phía tôi, nhưng rồi như sực nhớ ra điều gì, nó lại lấm lét nhìn vô trong nhà, rồi ngoan ngoãn cúi xuống với đồ chơi của mình. Thấy thằng bé, người phụ nữ có ba đứa con và năm đứa cháu - là mẹ tôi - chỉ biết thở dài: “Thằng nhỏ còn chi là tuổi thơ nữa”.

Là cha mẹ, chắc chắn ai cũng mong con mình sớm nhận thức được điều hay lẽ phải. Nhưng, ở độ tuổi mầm non, các em chỉ nên được giáo dục một cách tự nhiên, sinh động. Nôn nóng nhồi nhét mớ “lẽ đời” vào tâm hồn thơ trẻ, hoặc biến các em thành một “người lớn nhỏ tuổi”, hoặc chỉ làm các em thấy “choáng ngợp”, rồi bị “khớp”, sinh ra tâm lý sợ sai, mất tự tin trong giao tiếp. Cu King là một ví dụ, thay vì hiếu kỳ, năng động như những đứa trẻ bốn tuổi, em lại dè dặt, đắn đo như người lớn. Dù được mong mỏi, hy vọng, và dạy dỗ như thế nào, thì ở trẻ con độ tuổi này, nét ngây thơ, hồn nhiên vẫn là điều đáng trân trọng.

 THANH TÂN

Từ khóa Nhồi con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI