Ly hôn xong, ba mẹ con tôi vẫn sống nhờ trong nhà của ba mẹ anh, đây là thảm họa...

16/10/2016 - 06:30

PNO - Theo Patrick Estrade - nhà trị liệu tâm lý người Pháp, điều gây sang chấn tâm lý không phải cú sốc, mà là hậu quả của cú sốc.

Ly hôn, nếu được thúc đẩy bởi các mâu thuẫn nối dài, hay do khủng hoảng nhất thời vì “bi kịch” bất ngờ nào đó như phát hiện đối phương ngoại tình, lừa dối… thì thực tế, người trong cuộc hầu hết đều không có sự chuẩn bị cho việc chấm dứt mối quan hệ, dẫn đến rất nhiều hệ lụy ở giai đoạn trong và sau ly hôn.

Chị Nguyễn Thị H.T.

Cuộc ly hôn của tôi là hậu quả của nhiều mâu thuẫn trong thời gian chung sống. Gần 10 năm, tài sản chung giữa chúng tôi chỉ có chiếc xe SH nhưng ngay trong thời kỳ hôn nhân, khi ngoại tình, anh đã cho nhân tình. Anh giành quyền nuôi con, không phải vì thương con mà là để níu kéo tôi; nên chỉ cần thấy tôi cứng rắn là anh lập tức buông tay. Về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của anh, tôi không yêu cầu; phần vì muốn chóng kết thúc, phần vì tôi cũng không kỳ vọng anh sẽ có trách nhiệm với con.

Ly hon xong, ba me con toi van song nho trong nha cua ba me anh, day la tham hoa...
Chị T

Ly hôn xong, ba mẹ con tôi vẫn sống nhờ trong nhà của ba mẹ anh. Đây là… một thảm họa vì thi thoảng, tôi vẫn bị anh đánh đập, thậm chí “đòi hỏi” như thời vợ chồng. Rất bức bối nhưng mãi đến vài tháng nay, tôi mới thu xếp được tài chính, tìm một phòng trọ nhỏ để mẹ con ra riêng. Ngày trước, tôi có mua miếng đất nhưng mọi giấy tờ liên quan anh đang cất giữ. Nhiều lần tôi đề nghị chuộc lại giấy tờ với cái giá nào đó mà tôi chấp nhận được, nhưng anh khăng khăng: “Tao đưa rồi mày bán cho thằng khác nhào vô hưởng thì sao?” .

Điều tôi lo lắng nhất khi quyết định ly hôn là nuôi dạy các con thế nào nếu thiếu người cha. Khó khăn đó được tôi giải quyết bằng cách tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm và tìm hiểu vai trò của người cha để gồng gánh, bù đắp cho con.

Luật sư Đặng Đức Trí

Trường hợp của chị T. là đã không hề có sự chuẩn bị nào trước quyết định ly hôn. Ngoài tài sản, chị còn bỏ qua nhiều quyền lợi chính đáng lẽ ra phải đòi hỏi, mà lớn nhất là yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con. Đây là một thiệt thòi cho mấy mẹ con chị. Tôi biết nhiều trường hợp vì tự ái, không muốn dính líu đến người cũ hoặc nghĩ mình “cáng đáng” được nên khi ly hôn “không thèm” chồng phụ cấp nuôi con.

Suy cho cùng, không tính đến sự “thăng trầm” nào đó trong cuộc sống khiến mình có lúc cần sự giúp đỡ về tài chính, thì việc có thêm một khoản hỗ trợ nuôi con vẫn tốt. Hơn nữa, buộc đối phương có trách nhiệm, nghĩa vụ với con cái cũng là một cách gắn kết tình cha con, tránh tình trạng đứa trẻ lớn lên hoàn toàn chẳng liên quan đến cha mình.

Không ít đứa trẻ trong gia đình tan vỡ đã nói về cha: “Ông ấy có nuôi tôi được ngày nào đâu!”. Để đứa trẻ cảm nhận được tình yêu của người cha, việc thể hiện qua từng món quà hoặc khoản trợ cấp nuôi con rất quan trọng.

Nhiều người nghĩ, khi gia đình tan vỡ thì mặc nhiên con cái sẽ khổ, sẽ thiệt thòi mà không hiểu chính cách cư xử không đẹp giữa cha mẹ mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến con. Theo tôi, trước ngưỡng ly hôn, người trong cuộc nên chậm lại. Chậm lại để tỉnh táo xem mình phải đối mặt điều gì. Nếu gặp vấn đề tâm lý thì tìm cách giải tỏa; vấn đề pháp lý thì tìm đến luật sư tư vấn để có sự chuẩn bị tốt hơn.

Khi đặt vấn đề quyền lợi của mình và các con, cũng nên trên cơ sở tôn trọng, công bằng và giữ hình ảnh cho nhau. Có những cặp vợ chồng, khi ly hôn đến cái chén cũng chia, tưởng là đòi hỏi quyền lợi chính đáng nhưng thật ra đó là lối hành xử cho bõ ghét. Hậu quả là chẳng ai muốn nhìn mặt ai sau khi tòa tuyên án, dù cho hay không cho ly hôn.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàn Vũ Cẩm Vân 

Ly hon xong, ba me con toi van song nho trong nha cua ba me anh, day la tham hoa...
Thạc sĩ tâm lý lâm sàn Vũ Cẩm Vân

Ngoài vấn đề pháp lý, sau khi bản án được tuyên, người trong cuộc thường bị sốc khi đối mặt với cuộc sống mới, nhất là người phụ nữ. Họ cảm thấy chông chênh, mất giá trị, cộng với bao trách nhiệm phát sinh khiến mọi thứ đều trở nên rất khó khăn. Bức tranh sau ly hôn này ít người hình dung trước khi quyết định ly hôn.

Không ít cặp vợ chồng còn chia tay trong cảnh “tương tàn”, tìm mọi cách “đánh” đối phương khiến con cái khổ sở, bị rối nhiễu tâm lý. Khi cảm thấy sợ hãi, mất niềm tin, trẻ sẽ khó khăn trong học tập, trong việc thiết lập quan hệ với những người xung quanh; nhận thức, tương lai đều bị ảnh hưởng.

Do hậu quả nặng nề có thể đến sau ly hôn, người trong cuộc cần cân nhắc thật kỹ và tính toán mọi bề để không thiệt cho mình và con. Nếu sau khi nỗ lực điều chỉnh quan hệ hôn nhân mà không cải thiện được thì chia tay là cần thiết, nhưng cần cố gắng để cuộc chia tay diễn ra nhẹ nhàng, êm thắm. Khi cha mẹ không “tương tàn” mà vẫn cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con, sẽ hạn chế được tối đa những tổn thương của trẻ.

Khi cho rằng ly hôn là chấm dứt hoàn toàn quan hệ, dẫn đến hành xử như người xa lạ hay công kích đối phương thì chúng ta mãi sống trong đau khổ. Có ai đó từng nói: “Chúng ta sẽ mãi là nạn nhân cho đến khi chúng ta hoàn toàn tha thứ”.

Làm cách nào để ly hôn nhanh nhất? Luật sư Đặng Đức Trí (Giám đốc hãng luật Roma)

Ly hon xong, ba me con toi van song nho trong nha cua ba me anh, day la tham hoa...
Luật sư Đặng Đức Trí

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc ly hôn diễn ra rất vội vàng, không phải về thời gian mà là sự vội vàng khi người trong cuộc bỏ qua các bước chuẩn bị. Quyết định ly hôn, đồng nghĩa với việc phải tính đến các thủ tục cần thiết và cân nhắc nhiều vấn đề nên hay không nên đưa ra trước tòa.

Không ít thân chủ khi tìm gặp tôi chỉ có câu hỏi duy nhất làm cách nào để ly hôn nhanh nhất, nhưng tôi hỏi ra thì có vô vàn bất cập chứng tỏ họ chẳng biết gì về… ly hôn. Đầu tiên là việc phải có những thủ tục gì, cung cấp những giấy tờ nào liên quan để phiên tòa có thể diễn ra. Nhiều người muốn ly hôn nhanh nhưng giấy đăng ký kết hôn không có, chứng minh nhân dân mất, hoặc chẳng biết nên nộp đơn ở đâu khi đối phương đã cao chạy xa bay…

Sau đó, phải tự nhận định xem mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng chưa và trình bày với tòa thế nào để chứng minh mục đích hôn nhân không đạt được. Đâu phải phiên tòa nào cũng tuyên cho ly hôn. Cuối cùng, để dễ dàng hơn trong cuộc sống sau này, có ba vấn đề cần được giải quyết ngay trong phiên ly hôn: Con ai nuôi? Người kia cấp dưỡng ra sao? Tài sản riêng - chung phân chia thế nào? Nếu muốn “thắng” phải nắm chắc trong tay các giấy tờ liên quan để chứng minh quyền lợi.

Giả sử giành quyền nuôi con, phải chứng minh công việc, thu nhập, chỗ ở. Nhiều phụ nữ lệ thuộc kinh tế vào chồng, ở nhà chăm con, đứa trẻ rất gắn bó nhưng đành chịu. Lại còn vấn đề tài sản riêng, tuy là của riêng nhưng nhiều trường hợp tài sản riêng sinh hoa lợi, lợi tức được coi là thu nhập chung vẫn không biết để tính đến.

Nhiều người vì muốn phiên tòa ly hôn diễn ra nhanh, đã chia tách tài sản, con cái thành một vụ án khác, theo tôi là không nên. Nếu tách án, sẽ tốn rất nhiều chi phí khi theo đuổi vụ kiện. Tài sản càng lớn, vụ án càng rườm rà, phức tạp, kéo dài, nguy cơ bị đối phương “tẩu tán” càng cao.

Đơn cử, vợ chồng đều sở hữu riêng cổ phần, cổ phiếu trong công ty nào đó. Về luật, đó là tài sản chung tạo dựng trong quá trình hôn nhân, nhưng cũng về luật, cổ phần cổ phiếu đứng tên ai thì người đó hoàn toàn có quyền bán đi. Tuy có thể yêu cầu tòa áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc “tẩu tán” (ngoài cổ phần cổ phiếu còn có tài khoản ngân hàng, tài sản là bất động sản hay động sản đứng tên riêng…) nhưng thực tế đâu phải biện pháp ngăn chặn nào cũng hiệu quả.

Nhiều trường hợp, chỉ cần biết đối phương “manh nha” ý định ly hôn là lập tức âm thầm “tẩu tán” tất cả những gì có thể. Vì thế, tài sản là vấn đề cần chuẩn bị rất kỹ.

Tuyết Dân (thực hiện)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI