Gồng được bao lâu?

16/04/2018 - 19:27

PNO - Chỉ là cha mẹ gồng thôi, đã là khốn khổ. Cái gồng ấy lây sang các con khiến hệ quả còn nặng nề hơn.

Anh chị không phải là người nghèo. Hai vợ chồng có mức thu nhập khá cao. Vợ chồng chỉ có 2 con nên đời sống chẳng mấy khó khăn. Năm hai đứa nhỏ lên 5 và 3 tuổi họ đã có một căn nhà xinh xắn ở trung tâm, vài năm sau có xe hơi, rồi tài khoản trong ngân hàng. Những tưởng cuộc sống cứ thế mà bình lặng trôi qua cho đến bất ngờ một ngày, chị nói với anh: “Con nhỏ Y, thằng H, bà Z, ông N (những người từng là bạn học hay hàng xóm) đều đi du học cả rồi”.

Từ đó trong đầu chị ám ảnh với suy nghĩ phải cho con đi du học. Suy nghĩ ấy lúc đầu còn mờ nhạt, bởi có lần chồng chị nói với chị rằng kinh tế mình chưa mạnh lắm, lo cho một đứa thì còn có thể, mà cũng vất vả. Chứ lo cho hai đứa thì đuối. Mà không lẽ có hai đứa con, sàn sàn với nhau, lại chỉ cho một đứa đi, đứa kia bắt học trong nước, tụi nó sẽ ganh tỵ, rồi buồn, rồi tủi, còn khổ hơn”. 

Gong duoc bao lau?
Ảnh minh họa

Một ngày kia, đến chơi nhà người bạn, bạn kể có cô bạn gái, ly dị chồng, chỉ có một mình nuôi con, thế mà dám bán nhà, xe cộ… dồn tiền cho con gái đi du học. Chị ấy giờ thuê nhà ở, đi làm bằng xe ôm, sống nghèo, chắt bóp từng đồng để con có tương lai tốt đẹp hơn.

Thế là chị bị ám ảnh: “Chẳng lẽ mình không thương con bằng người ta, không dám hy sinh vì con như người ta?”. Chị về lại bàn tới, bàn lui với chồng, rằng vợ chồng mình còn trẻ, còn đến cả mười mấy năm làm việc, còn sức lo… Thế là đứa đầu tiên lên đường đi du học bằng tài khoản có sẵn. Vài năm sau, khi đứa thứ hai lên đường du học, họ đã phải cho thuê căn nhà lớn, về ở nhờ nhà ba mẹ vợ để lấy tiền lo cho cả hai đứa con.

Khi tư vấn thì mọi việc có vẻ đơn giản, rạch ròi. Nhưng các con đi một thời gian các khoản phát sinh ngày càng nhiều, từ học phí đến tiền sinh hoạt. Rồi ngay cả chuyện con không chịu nổi nhớ nhà, nếu không cho về thì chúng sẽ trầm cảm, sẽ khủng hoảng, học hành sa sút, đau bệnh liên miên. Tiền thuê nhà không đủ, họ đành bán đứt căn nhà, bán xe hơi.

Nhìn anh chị bây giờ, chẳng ai hiểu nổi vì sao những người làm việc có thu nhập lên đến mấy chục triệu một tháng mà lúc nào cũng căng thẳng, lo lắng. Vợ thì mất ngủ triền miên phải dùng thuốc vào khoảng 2, 3 giờ khuya để ngủ được hai tiếng, gần sáng mới đi làm được.

Chồng thì lúc nào cũng bực bội, cáu gắt vì vợ cằn nhằn, than vãn. Lo cho con đã đành, nỗi buồn vì đến tuổi trung niên, bạn bè ai cũng “an cư lạc nghiệp”, nhìn lại mình không có nhà, con cái hình như vẫn chưa thấu hiểu nỗi khổ sở hy sinh của cha mẹ khiến họ luôn trong cảm giác đã đi trên dây, lại phải gồng hết mọi sức lực trì kéo, níu giữ.

Chỉ là cha mẹ gồng thôi, đã là khốn khổ. Cái sự gồng ấy lây sang các con khiến hệ quả còn nặng nề hơn. Đổ sức vào lo cho con, cô bạn gái tôi sau khi đọc đủ các bài báo về những đứa trẻ giỏi giang, ra nước ngoài vừa làm vừa học, có khi có tiền giúp đỡ cha mẹ, cô cũng ra sức vừa động viên, vừa ép buộc, vừa khích bác con chọn con đường du học với kế hoạch: cha mẹ chỉ lo một năm đầu thôi, sau đó con phải kiếm việc, vừa làm, vừa học như con người ta.

Có khó khăn, cực khổ thì mới có chí thành tài. Cô bạn khác thì lựa hết quốc gia này đến quốc gia khác với mục đích làm sao con học xong phải tìm mọi cách ở lại được, rồi tiếp với cha mẹ lo cho đứa em sau, rồi cuối cùng là đưa cả cha mẹ sang đó định cư. Chưa đi học, đứa trẻ đã phải nhận những gánh nặng khủng khiếp nghĩa vụ, trách nhiệm. Đi học rồi, vừa phải đấu tranh với chính bản thân mình trong các cú sốc văn hóa, những chịu đựng thay đổi cuộc sống, tự lập lo cho mình, vừa phải hàng ngày nghe những lời nhắc nhở của mẹ cha về học bổng, về việc làm, về tiền bạc…

Chẳng phải đứa trẻ nào cũng mạnh mẽ, can đảm, cầu tiến, quyết tâm. Mà nếu có đủ những phầm chất đó đi chăng nữa, chúng cũng phải vượt qua những áp lực to lớn: gồng mình với sự học hành, gồng mình để làm cha mẹ yên tâm và gồng mình để có thể đi đúng được con đường mà cha mẹ đã vạch ra.

Nói ra chữ "gồng" này với bạn bè, ai cũng ồ lên, bảo rằng quen lắm, rằng xung quanh giờ đầy rẫy những câu chuyện kiểu như vậy. Mà chẳng phải chỉ là chuyện gồng cho con đi du học. Ngay cả ở  Việt Nam, cũng chẳng thiếu những ông bố, bà mẹ gồng cho con học đại học, bán nhà, đất, trâu bò ở quê cho con vào Sài Gòn kiếm mảnh bằng.

Có người để lộ ra nỗi khổ của mình, có người thì che dấu chúng, cố gắng giữ vẻ ngoài thanh thản, nhưng cuộc sống mất hết ý nghĩa, mất hết niềm vui, lúc nào cũng hy vọng rằng vài năm nữa rồi sẽ được sống, khi con học xong, khi những mục tiêu đặt ra đã đạt được.

Thế nhưng không ít người trong số họ chẳng đạt được những gì mình đã muốn. Có người con ở lại được thành phố hay nước ngoài nhưng chẳng phải với cuộc sống như mơ, có người con về nước đi làm, hay ở lại thành phố, đồng lương thua kém nhiều lần với những gì họ đã bỏ ra. Thất vọng trùm thất vọng, cũng chỉ nén tiếng thở dài mà tự hỏi: Mình đã gồng như thế để làm gì?

Chị Đinh Thị Thu Thủy

Tôi có hai con, một trai, một gái. Với con trai đầu, tôi đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con và cũng chính vì thế mà tôi đầu tư hết cả tiền bạc, công sức, thời gian, sức lực… của mình vào cho con. Không đến nỗi tệ như các bậc cha mẹ trong bài báo này, con tôi cũng đã tốt nghiệp đai học, cũng đi làm và có đồng lương đủ sống, nhưng nhìn lại những kỳ vọng và áp lực mà mình và con đã trài qua, tôi rút ra được khá nhiều kinh nghiệm cho mình.

Không chỉ là kinh nghiệm từ bản thân, quan sát từ bạn bè, người quen xung quanh, tôi cũng nhận ra những điều tương tự: nhiều người quá ảo tưởng vào những tấm bằng đại học hay chuyện du học nước ngoài.

Quản trị kinh doanh từng là một ngành học rất hot. Ai cũng nghĩ con mình học ra sẽ là chủ hay ít nhất sẽ có công việc sang trọng, lương cao. Nhưng thật ra cách đào tạo ngành này ở ta, mà ngay cả ở nước ngoài cũng chưa thật tốt. Sinh viên tốt nghiệp ngành này ra đa phần là chẳng có một chút kỹ năng nào, bán hàng có khi còn chưa được, nói gì đến quản trị doanh nghiệp.

Gong duoc bao lau?
Chị Đinh Thị Thu Thủy

Với con gái thứ hai sắp vào đại học, tôi nói với con rằng con cứ chọn bất cứ cái gì để có thể có một nghề là được. Học đâu cũng được, tùy theo sức của con và kinh tế gia đình. Nếu muốn, có thể học trung cấp nghề, rồi từ từ, có chí sẽ học lên Cao đẳng nghề, đại học nghề… Xã hội ta thiếu thợ, nhiều thầy. Có nghề trong tay là kiếm được việc, là vui vẻ và hạnh phúc sống, chẳng hơn là ôm hai ba cái bằng đại học mà kiếm không ra việc với những mông lung và rồi làm những công việc chẳng cần đến bằng cấp gì.

Diễn viên Tuyết Thu

Tôi luôn cho rằng tất cả những gì tốt nhất mà chúng ta có thể cho con mình đều phải nằm trong khả năng của chính mình và khả năng của con. Làm bất cứ điều gì mà không cân nhắc đến hai khả năng này đều không tốt, không mang lại kết quả như mong đợi.

Gong duoc bao lau?
Diễn viên Tuyết Thu

Hãy để cho con được sống đúng trong điều kiện thật sự của gia  đình, thậm chí của xã hội (đó là lý do vì sao tôi không có nhu cầu cho con học trường quốc tế). Nếu cha mẹ chạy vạy để làm những chuyện vượt khả năng của mình thì đó là áp lực lớn lên con cái. Khi thật sự con giỏi giang đã đành.

Nếu con không đáp ứng được yêu cầu của việc học, kỳ vọng của cha mẹ, con sẽ mệt mỏi, lo sợ, tủi thân… Thương con cũng phài thương cho đúng, thương con mà như thế, khéo lại là làm khổ chính mình và khổ cả con.

Còn trong trường hợp con thật sự giỏi giang thì cũng chẳng nên chạy vạy vay mượn làm mọi cách cho con đi nước ngoài. Ở môi trường trong nước mà con giỏi thì cũng sẽ phát triển, cũng sẽ thành công thôi.

Song Văn   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI