Cái “cần câu”

08/05/2013 - 17:09

PNO - PN - Chú tôi có bốn người con: hai trai, hai gái. Vợ chồng chú rất coi trọng việc học hành của con, luôn giáo dục con bằng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm.

Trong bốn người con của chú, chỉ có cậu út là khó bảo. Cậu ương ngạnh, lười biếng, luôn khiến chú thím buồn lòng. Mọi người an ủi chú: “Mười ngón tay có ngón ngắn ngón dài”, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”... Dù vậy, chú thím luôn nhận lỗi về mình, vì đã có phần nuông chiều cậu út từ nhỏ. Thuộc làu bản tính mỗi đứa con, chú tôi nương theo đó mà áp dụng cách giáo dục riêng cho từng đứa. Theo chú, với ba người con lớn, chú đã trao cho “khối tài sản khổng lồ” là trang bị kiến thức để làm chủ cuộc đời. Riêng cậu út, không được học cao như các anh chị, lại có tính đua đòi, hưởng thụ, làm gì cũng muốn người khác bày sẵn, mà chẳng mấy khi năng nổ, hết lòng vì công việc. Vì tính ỷ lại của cậu, buộc chú thím tôi phải có những chiêu trò để dạy con, dù cậu út không còn nhỏ nữa.

Cai “can cau”

Chú tôi cho phép cậu lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích. Cậu không ngần ngại đòi mở một cửa hàng kinh doanh điện thoại, muốn bố mẹ đầu tư lớn, khi chưa có chút kinh nghiệm, vốn sống, kế hoạch kinh doanh cụ thể nào. Biết trước con sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại, chú thím tôi vẫn đồng ý những đòi hỏi của con, với điều kiện: trước khi mở tiệm, cậu út phải rành về sửa chữa điện thoại, rồi phải đi làm công ăn lương để học hỏi kinh nghiệm, va chạm thực tế. Với cậu út, đây là khoảng thời gian “đau khổ” nhất, vì cậu vốn lười nhác, không cầu tiến, lại sĩ diện, bây giờ phải đi học nghề, cậu thật sự chán ngán. Nhưng quan điểm của chú thím tôi là, họ chỉ có thể trao cho con phương tiện, cùng con xây dựng mục tiêu, chứ không thể cầm tay con, “đút con ăn” mãi được. Chú muốn trao cho con “cần câu” để làm kế sinh nhai, chứ không thể trao “con cá”, vì sợ con ỷ lại.

Sự cứng rắn của bố mẹ, cả mong mỏi và đặt niềm tin vào cậu con trai, đã làm thay đổi tư tưởng cậu. Câu nói mà bố mẹ vẫn thường dùng “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” bắt đầu thấm nhuần trong cậu. Cậu út đã có những thay đổi tích cực, chịu học hỏi, biết nuôi lớn ước mơ. Dù một thời gian dài cậu “hư”, nhưng cách dạy con, hướng nghiệp cho con như chú tôi, tuy muộn nhưng vẫn còn kịp. Những ông bố bà mẹ nếu hết lòng vì con, yêu thương con cái, họ không bao giờ buông xuôi. Nhìn chú thím tôi chạy đôn chạy đáo, chuẩn bị mở cửa hàng điện thoại cho con trai út, ai cũng mừng, vì biết cậu út đã tiến bộ nên mới được chú thím trao con cái “cần câu” ấy.

Ngày khai trương cửa hàng, cậu út rạng rỡ, tự tin hẳn, lại còn mạnh miệng với mọi người rằng, cậu sẽ dùng chiếc “cần câu” của bố mẹ trao để “câu” ở một cái hồ rộng, thậm chí vươn ra biển. Có thể đó là câu nói đùa, nhưng thể hiện một quyết tâm.

 Song Nguyên

Từ khóa Cái cần câu
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI