Yêu là tận hưởng: Chuyện nhỏ mà không nhỏ (1)

29/11/2016 - 11:30

PNO - Rất nhiều phụ nữ nghĩ rằng, chuyện phòng the vợ chồng chỉ để gắn kết, sinh tồn. Nhưng phụ nữ hiện đại nghĩ khác, họ trân trọng sex, vì “Yêu là tận hưởng chứ không phải nghĩa vụ. Và sex là phân nửa của yêu”.

Rất nhiều phụ nữ nghĩ rằng, chuyện phòng the vợ chồng chỉ để gắn kết, sinh tồn. Sex là “nghĩa vụ”, trách nhiệm của vợ với chồng. Đến khi nào thì phụ nữ có quyền từ chối mà không bị chồng mặt nặng mày nhẹ, hay đề nghị mà không bị xem thường? Phụ nữ hiện đại nghĩ khác, họ trân trọng sex, vì “Yêu là tận hưởng chứ không phải nghĩa vụ. Và sex là phân nửa của yêu”. Báo Phụ Nữ xin lược trích tác phẩm Vẫn yêu, NXB Trẻ của tác giả Lê Lan Anh, để bạn đọc có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này

Chị bạn tôi có cháu ngoại sớm. Từ Nha Trang, chị khăn gói vào TP.HCM chăm cháu để mẹ nó đi làm. Ở cùng vợ chồng con gái, chị nhiều phen choáng váng bởi những chuyện có thể xem là nhỏ, nhưng hóa ra chẳng nhỏ chút nào.

1. Phòng ngủ của đôi vợ chồng trẻ, là không gian riêng không chia sẻ với bất kỳ ai, dù đó là mẹ hay con mình. Bà ngoại toàn quyền với nhà bếp, phòng khách, sân, phòng trẻ… nhưng phòng ngủ thì khi đi làm vợ chồng khóa kín, ở nhà thì dù ban ngày, bà ngoại muốn vào cũng phải gõ cửa và… chờ. Có lần bà đẩy cửa, thấy hai đứa đang nằm trong lòng nhau, rúc rích cười, thấy bà là tắt ngay màn hình iPad. Chúng nó đang xem phim mát cô ạ, bà ngoại “chú thích” khi kể lại.

Yeu la tan huong: Chuyen nho ma khong nho (1)
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

2. Chăm sóc và âu yếm nhau là chuyện không cần giấu. “Chúng ôm hôn nhau suốt, trước khi ra cửa, khi đi làm về, tắm xong cũng cọ mũi vào nhau hỏi thơm không. Xưa nay chỉ thấy vợ thắt cà vạt cho chồng, giờ chồng nó thắt nơ váy, kéo khóa cho vợ, cứ tự nhiên như không. Tôi ngại thì quay đi, bảo nó thì nó nói có gì đâu, con thích mà! Thế nên chúng con đi đâu cũng nhớ nhau lắm, xong lại hôn nhau chút chít…

Nhìn chúng nó âu yếm nhau thế mình cũng thấy ấm áp. Sáng cuối tuần, chồng xuống bếp pha sữa, mang tận phòng cho vợ, rồi bế con ra tắm nắng, xong lại chuẩn bị tha nhau đi chỗ này chỗ kia. Bà ngoại hoang mang, chúng nó Tây quá mà sao mình lại thấy hợp lý?

3. Yêu là tận hưởng, không phải nghĩa vụ. Sex là một nửa của yêu. Người phụ nữ trẻ đang có đời sống vợ chồng khiến bà mẹ hoang mang này thuộc hệ 8x đời cuối, học tại Việt Nam chứ chẳng phải từng du học, nhưng làm trong ngành truyền thông nên tiếp cận thông tin khá mở.

Cô từng viết cho tôi một bài khá súc tích về chuyện đàn ông nếu biết chia sẻ việc nhà, vợ chồng sẽ gần gũi nhau hơn. Cũng chính cô từng làm một phóng sự về sống thử, khẳng định nếu nói sống thử phụ nữ sẽ thiệt thòi là không đúng hoàn toàn, bao phụ nữ chẳng sống thử cũng thiệt thòi đấy thôi!

Vài năm không gặp nhưng qua facebook, tôi biết cô vẫn làm việc bình thường, có bạn trai rồi chia tay, cũng đúng mực, nền nã trong cả trang phục lẫn phong cách sống. Tôi ủng hộ cô vì thấy cô tuy trẻ, có quan điểm mở, nhưng biết tiếp nhận thông tin đa chiều một cách có chọn lọc; không ngoan ngoãn nghe lời mẹ, nhưng cũng không yêu cuồng sống vội kiểu quá khích như một số người trẻ.

Tôi cũng chia sẻ với bạn mình - mẹ của người vợ trẻ đang hạnh phúc ấy, một số điều có thể chị chưa biết về con gái, lại được nghe chị kể, khi biết đời sống vợ chồng của bố mẹ không yên ấm, con gái đã nói: Yêu là tận hưởng chứ không phải nghĩa vụ. Và sex là một nửa của yêu.

Bạn tôi, và có lẽ cả thế hệ của bà chị, mẹ chị đều nghĩ, quan hệ vợ chồng là chuyện phòng the, chỉ để gắn kết, sinh tồn; nó là chuyện nhỏ lắm, không mang tính quyết định. Con gái chị đã cười, bảo tội nghiệp mẹ! Với 50% còn lại mẹ mặc sức có trách nhiệm với bố, cùng bố chăm sóc ông bà. 50% kia là để mẹ và bố tận hưởng.

Sex là cuộc sống riêng, là tình cảm, đâu chỉ là quan hệ “lắp ráp” theo nghĩa vụ. Sex là sự say mê nhau, cùng nhau chia sẻ và tận hưởng, chứ quan hệ cho có, chỉ để chiều chồng hay kiếm con thì nặng nề quá, làm sao vui được. Mà đã không vui cho mình, cho chồng thì đừng thắc mắc sao chồng phải đi đánh bắt xa bờ!

Nghe thế, bạn tôi lại càng hoang mang. Đàn ông trước đây, có thể coi tình dục là bánh. Đàn bà trước đây và có thể cả bây giờ vẫn coi cách nghĩ chuyện “quan hệ” như bánh là một sự xúc phạm. Vậy mà không ít cô gái trẻ ngày nay cho là chuyện ấy nên được coi như một món ăn.

Bạn sẽ thấy họ luôn biết chuẩn bị, thưởng thức, thỏa mãn hay từ chối món ăn ấy; thậm chí đóng hộp, cất tủ lạnh hay chuyển giao cho người khác thì cũng do mình, vì mình, là quyền của mình. Họ không thể sống mà không ăn, nhưng khi ăn, khi chế biến, họ đặt toàn bộ tâm trí và tình cảm của mình vào đó và yêu cầu bạn tình-người yêuchồng mình cũng phải có thái độ tương tự. Không có chuyện chồng chúa vợ tôi trong sex!

Là người phụ nữ đã có cái nhìn thoáng hơn về quan hệ nam nữ, tôi (và nhiều chị em khác) cứ băn khoăn không biết đến khi nào quan điểm công bằng, bình đẳng về giới trong sex mới thật sự phá vỡ được truyền thống Á Đông, vốn chuẩn mực, kín đáo nhưng thực chất là để ngụ y biện cho một tình trạng bất bình đẳng.

- Đến khi nào thì phụ nữ luôn được trân trọng như khi đang yêu, chứ không phải như một món đồ, người đàn ông đã mua về là thỏa sức xài, không hài lòng là không được. Hoa hậu thì có giá (dù rẻ), còn phụ nữ bình thường thì vô giá, kết hôn xong, được/bị quan hệ tình dục có khi hàng chục năm, có hai ba mặt con, lúc bất hòa là ra đi tay trắng, không có giá dù thật hay ảo.

- Đến khi nào thì hoạt động tình dục, đang được xem là một trong tứ khoái của đàn ông, được đặt ra công khai như là biểu hiện của tình yêu, là một trong những quyền của phụ nữ, cần được công nhận và bảo vệ?

- Đến khi nào thì phụ nữ có quyền từ chối “quan hệ” mà không bị chồng hay bạn tình nặng nhẹ vì “không biết chiều”?

- Đến khi nào thì phụ nữ được quyền đề nghị “quan hệ” mà không bị coi là dâm loạn?

- Đến khi nào thì đàn ông thật sự biết quan tâm đến cảm xúc của vợ/người yêu mình như chính hưng phấn và khoái cảm của mình?

- Đến khi nào thì phụ nữ cũng được quyền xem xét các quan hệ tình dục nằm ngoài tình cảm, thuần túy chỉ mang tính bản năng như đàn ông?

- Đến khi nào nếu đã quan hệ ngoài luồng thì đàn ông hay đàn bà đều có lỗi như nhau, đều không đáng/hay đáng được tha thứ?

Chuyện bình đẳng trong hôn nhân và ngoài hôn nhân, sex và ngoài sex, luôn là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng tiếc là chuyện cụ thể hóa bằng pháp luật vẫn là quá xa vời. Trong khi chờ đợi, thôi thì phụ nữ cứ phải tự lo bảo vệ mình. Trong một mối quan hệ có sex, bao gồm các quan hệ ngoài/chưa/không thuộc hôn nhân, khi phụ nữ không hài lòng, lỗi tại đàn ông đã hẳn, nhưng còn phần lỗi của phụ nữ, cứ phải thẳng thắn mà nhìn nhận thôi.

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI