Nhiều bệnh viện than trách đã bỏ tiền 'đầu tư' nhưng bác sĩ học xong không ở lại

30/06/2019 - 07:00

PNO - Từ năm 2008 đến nay, Đồng Nai đổ tiền cho hàng trăm trường hợp sinh viên ngành Y, Dược đi học. Thế nhưng sau khi ra trường, nhiều người bỏ nhiệm sở, gây khó trong việc đáp ứng nguồn nhân lực cho các bệnh viện.

Bác sĩ ồ ạt rời bỏ bệnh viện công

Nhiều năm nay, các bệnh viện ở Đồng Nai đều xảy ra tình trạng bác sĩ nghỉ việc. Để “bù đắp” nguồn lực bị mất, khi các bác sĩ về làm việc, UBND tỉnh và các bệnh viện công tăng cường hỗ trợ từ 100-150 triệu đồng.

Song song đó, Đồng Nai còn thực hiện Đề án “Đào tạo sinh viên Y, Dược chính quy theo địa chỉ sử dụng” từ năm 2008.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - nhấn mạnh: Đề án này giúp cho các sinh viên thi vào các trường đại học Y, Dược nhưng không đậu do thiếu điểm (khoảng 0,5 đến 1 điểm). Do đó, Đồng Nai đưa ra đề án này giúp họ có cơ hội trở thành bác sĩ và về phục vụ cho địa phương.

Vậy mà khi ra trường, họ không chấp nhận cam kết ban đầu là phục vụ ngành trong thời gian 5 năm. Chiếu theo cam kết đã ký với Sở Y tế, họ sẽ phải đền bù gấp 2 - 3 lần chi phí đào tạo của tỉnh. 

Nhieu benh vien than trach da bo tien 'dau tu' nhung bac si hoc xong khong o lai
Cả 3 bác sĩ nội trú về Gây mê - Hồi sức đều nghỉ việc ngay khi học xong. Trong ảnh: Gây tê cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Từ năm 2008 đến năm 2018, tổng số sinh viên được cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng là 339 trường hợp. Trong đó có 142 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế công cộng… đã tốt nghiệp và được bố trí công tác. Cụ thể, theo đề án trên, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai được phân công 7 bác sĩ về công tác. Nhưng đến nay đã có 6/7 bác sĩ xin nghỉ việc. 

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai- khi nhận các bác sĩ này về trường giảng dạy, nhà trường tạo điều kiện tối đa để họ làm việc. Về chuyên môn, nhà trường hướng dẫn hoặc cử các bác sĩ đó đi học các lớp sư phạm để đứng lớp giảng dạy.

Ngoài ra, nhà trường cũng tạo điều kiện để các bác sĩ tham gia công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện để có chứng chỉ hành nghề. “Khi đã có chứng chỉ hành nghề Y, Dược, chứng chỉ sư phạm, họ lại nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau: hoàn cảnh gia đình, môi trường giảng dạy chưa thích nghi…”, ông Quang chia sẻ.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Năm 2015, một số bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi được cử đi học theo đề án để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Đến năm 2018, các bác sĩ tốt nghiệp, có bằng cấp liền xin nghỉ việc thay vì về làm tại bệnh viện này.

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - trăn trở: Bệnh viện được tiếp nhận 10 bác sĩ học nội trú theo Đề án đào tạo theo địa chỉ. Đến nay, bệnh viện mới nhận được 4 bác sĩ tốt nghiệp từ tháng 10/2018. Nhưng chỉ 1 tháng sau, 11/2018, các bác sĩ này nộp đơn xin nghỉ việc.

Trong đó, 1 bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu đang chờ bệnh viện duyệt đơn xin nghỉ. Đặc biệt, 3 bác sĩ còn lại được đào tạo nội trú chuyên ngành Gây mê-Hồi sức đều nghỉ việc ngay khi bệnh viện chưa duyệt đơn xin nghỉ việc của họ. Đây là lĩnh vực đang rất "hot" trong ngành y, nhiều bệnh viện rất cần. 

Nhieu benh vien than trach da bo tien 'dau tu' nhung bac si hoc xong khong o lai
 

Cũng theo Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khi đi học nội trú, những bác sĩ này được hưởng chính sách theo Quyết định 4690/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh chi trả tiền học phí, còn Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vẫn trả lương (theo hệ số). Nếu bác sĩ có tham gia trực, bệnh viện vẫn trả tiền trực, tiền thưởng theo quy chế như 1 bác sĩ của bệnh viện đi học. 

Tính trung bình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã chi 150-250 triệu đồng cho các bác sĩ này trong thời gian họ đi học. Nhưng có trường hợp như bác sĩ Đặng Thanh B., được cử đi học chuyên khoa Gây mê- Hồi sức suốt 3 năm học nội trú mà không hề về bệnh viện trực.

“Chúng tôi có liên hệ để tìm hiểu lý do, muốn rõ ràng đôi bên nhưng bác sĩ B. lấy lý do lịch học kín nên không về trực. Sau khi học xong, bác sĩ này cũng không chịu về làm dù chỉ 1 ngày. Phía bệnh viện vẫn trả lương đầy đủ 3 năm khi bác sĩ này đi học. Đơn xin nghỉ việc, bác sĩ này cũng nộp thẳng lên Sở Y tế, không thông qua bệnh viện”, bác sĩ Trâm bức xúc.

Nhiều bác sĩ không chịu đền bù

Theo bác sĩ Trâm, những bác sĩ gây mê được đào tạo nội trú có kinh nghiệm, kiến thức vững đang là đối tượng “hot” để các bệnh viện tư “săn lùng”. Tất nhiên, lương trả cho họ rất cao, khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, có 36/142 nhân viên y tế, chiếm trên 25% người được cử đi học theo đề án, đã xin thôi việc, tự ý bỏ việc, không chấp hành phân công công tác của Sở theo cam kết trước đó.

Trong 36 người trên, có 29 người (gồm 17 bác sĩ, 9 dược sĩ, 3 cử nhân y tế) đã thực hiện đền bù kinh phí đào tạo với số tiền 7,5 tỷ đồng. Khi nhận được đơn xin nghỉ việc của các bác sĩ này; các bệnh viện, trung tâm y tế và cả Sở Y tế Đồng Nai gặp trao đổi, thuyết phục (gặp trực tiếp, điện thoại, văn bản) nhưng họ vẫn kiên quyết nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau.

“Cốt lõi của vấn đề vẫn là thu nhập. Khi làm việc tại bệnh viện công, họ được trả theo hệ số, lương thấp, chỉ 6-8 triệu đồng/tháng (với bác sĩ có chứng chỉ hành nghề). Trong khi đó, các bệnh viện tư nhân sẵn sàng chi trả 20-30 triệu đồng/tháng”, bác sĩ Minh phân tích.

Nhieu benh vien than trach da bo tien 'dau tu' nhung bac si hoc xong khong o lai
6/7 bác sĩ được phân về Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai đã xin nghỉ việc. Trong ảnh: Bác sĩ đang thực tập trên mô hình mẫu.

Điều đáng chú ý, trong số những người được UBND tỉnh chấp thuận đền bù nhưng lại chưa thực hiện đền bù gồm 4 bác sĩ, 2 dược sĩ. Trong đó, có 2 trường hợp đã quá thời hạn đền bù nhưng chưa thực hiện.

Trước tình trạng đó, Sở Y tế Đồng Nai nhiều lần liên hệ, thông báo và nộp hồ sơ khởi kiện ra tòa dân sự. Ngoài ra, Sở Y tế cũng làm thông báo rộng rãi trên cả nước không nhận 2 bác sĩ này vào làm việc.

Bác sĩ Hà Đức Minh - Phó chánh văn phòng Sở Y tế Đồng Nai - bức xúc. “Khi liên hệ một số bác sĩ, dược sĩ tự ý bỏ việc, gọi điện họ không nghe máy, tắt máy nhiều lần. Chúng tôi gửi thông báo, giấy mời, triệu tập thì họ không nhận, không đến làm việc hoặc có trường hợp chỉ thuê luật sư đến làm việc với bộ phận quản lý của Sở. Tuy số người tự ý bỏ việc sau đào tạo này không lớn nhưng làm các cơ quan liên quan (UBND, Sở Nội Vụ, Sở Y tế…) mất nhiều thời gian xem xét giải quyết”.

"Chúng tôi luôn phải ở trong tư thế tuyển đủ người để đảm bảo công việc. Tôi rất mong muốn và hy vọng các bác sĩ suy nghĩ lại và gắn bó với bệnh viện”, bác sĩ Trâm tâm sự.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai - buồn bã: “Nhà trường rất khó tuyển dụng, thu hút bác sĩ về giảng dạy. Vì vậy, khi nhận các bác sĩ này, tôi rất quý và mừng. Khi họ rời đi, tôi rất tiếc. Dù tôi có thuyết phục nhưng họ nhất quyết nghỉ, mình đành phải chấp nhận”. 

Nhieu benh vien than trach da bo tien 'dau tu' nhung bac si hoc xong khong o lai
 

Sẽ khởi kiện để răn đe

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - nêu ý kiến: Về lâu dài, Đồng Nai nên có 1 khoa đào tạo bác sĩ trong Trường Đại học Đồng Nai để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Những bệnh viện tuyến tỉnh không quá khó tuyển bác sĩ nhưng điều đáng lo ngại là ở các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế tuyến huyện.

“Chúng ta phải có sự thu hút hấp dẫn thì bác sĩ mới về các huyện yên tâm làm việc, như ngoài hỗ trợ mức lương, cần mua đất xây nhà cho họ.

Việc hỗ trợ này không được “cào bằng” mà phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng huyện”, bác sĩ Vũ đề xuất. 

Trong buổi làm việc với Hội đồng tuyển chọn sinh viên Y, Dược đào tạo theo địa chỉ sử dụng tỉnh gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng như hiện nay, Sở Y tế cần phải mở rộng tìm kiếm các đối tượng là sinh viên Đồng Nai đậu đại học Y chính quy có hoàn cảnh khó khăn để tìm cách hỗ trợ.

Sau đó, cam kết với sinh viên bố trí việc làm sau tốt nghiệp tại chính nơi họ cư trú. Cùng với đó, phải có phương án luân chuyển nhân sự để bác sĩ trẻ có nhiều hơn cơ hội làm việc và trải nghiệm.

Ngoài ra, Sở Y tế cần xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ hàng tháng cho y, bác sĩ theo từng khu vực để họ có thể yên tâm công tác.

Với những trường hợp “kiên quyết” không chịu đền bù, Sở Y tế cũng cần khởi kiện để mang tính răn đe. Bên cạnh đó, những bác sĩ có hoàn cảnh khó khăn, hoặc bị bệnh, ngành y tế cũng phải xem xét hoàn cảnh để miễn, giảm cho họ. 

Đan Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI