Xuân về, rộn rã nhịp trống lân

02/02/2019 - 17:00

PNO - Tiếng trống lân rộn rã khắp phố phường như thổi thêm vào ngày xuân luồng sinh khí mới. Không chỉ mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ, lân sư rồng còn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt.

Trống lân rộn ràng ngày tết

Từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng hằng năm là dịp ăn nên làm ra của những đoàn lân sư rồng. Bởi có rất nhiều lời mời họ diễn trong tiệc tất niên, văn nghệ lẫn múa khơi màn cho một số nghi thức cúng tạ/mừng năm mới của gia chủ. 

Như một nét văn hoá truyền thống, tết phải có tiếng trống lân, không khí ngày xuân mới thêm trọn vẹn. Đặc biệt với cộng đồng người Việt gốc Hoa, nếu vắng tiếng trống lân, tết dẫu có đủ đầy vật chất cũng thiếu món ăn tinh thần đã “ăn sâu bám rễ” từ thời ông cha.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Dịp cuối năm, lân sư rồng thường xuyên diễn trong những chương trình văn nghệ tại trường học.

Nhắc đến lân sư rồng tại TP.HCM, ai cũng nghĩ ngay đến cộng đồng người Hoa tại quận 5 với truyền thống làm lân, múa lân lâu đời nhất. Hiện, tại câu lạc bộ (CLB) Lân sư rồng quận 5 có 17 đội lân thành viên và nhiều đoàn lân khác hoạt động độc lập. Không chỉ thi đấu trong nước, nhiều đoàn lân thuộc quận 5 còn đại diện Việt Nam tham gia các giải đấu quốc tế và mang về những thành tích ấn tượng.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Những con lân mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ bởi sắc vàng rực rỡ cùng với tiếng trống lân rộn rã.

Tuy nhiên, dẫu trong năm có đạt được thành tích đáng kể nào thì đến đầu năm mới, các đoàn lân của quận đều múa phục vụ bà con trong khu vực. Vào ngày rằm tháng Giêng, không khí rộn ràng nhất khi các đoàn lân diễu hành trên đường phố, đi qua 4 ngôi chùa lớn trong quận để hái lộc đầu năm và mang may mắn, tài lộc đến những người chứng kiến.

Clip anh Nguyễn Hữu Luân - Đoàn Quần Nghĩa Đường vẽ đầu lân:

 

Tiếng trống lân rộn rã làm người ta nôn nao mong chờ một năm mới khởi sắc hơn. Rực rỡ với sắc mai, sắc đào; chộn rộn với tiếng trống, tiếng kẽng, tiếng chiêng như một bản hoà ca của đất trời mừng một năm mới đến. Lân sư rồng giờ đây không chỉ là hoạt động quen thuộc vào mỗi dịp tết đến xuân về mà với mỗi người dân Việt dù ít, dù nhiều khi nghe tiếng trống lân cũng thấy tinh thần phơi phới, hân hoan hơn.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Ngoài việc cùng con trai quản lý Nhơn Nghĩa Đường, ông Lưu Kiếm Xương còn là thầy thuốc.

Ông Lưu Kiếm Xương, trưởng đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường cho biết: “Cách đây vài chục năm, truyền thống múa lân sư rồng không giống như bây giờ khi có điện thoại, internet. Những năm đó, các đoàn lân gõ trống, gõ chiêng khắp các con phố để gia chủ nào có nhu cầu thì mời vào nhà diễn. Nhiều đoàn lân làm như vậy nên không khí hào hứng lắm. Đoàn đi đến đâu, những đứa trẻ đều chạy ra đầu con phố để xem đoàn lân đi qua. Bây giờ thì khác, hiện đại hơn nên có khi chỉ cần 1 cuộc điện thoại, đoàn lân lặng lẽ đi đến, diễn và về, không còn vui như ngày trước”.   

Theo ông Lưu Kiếm Xương, mỗi thời mỗi khác nên dù có nhớ ngày trước thì bây giờ, các đoàn lân sư rồng lại có những tiết mục mới mẻ, hiện đại hơn. Như tết Kỷ Hợi năm nay, nhiều đoàn lân đầu tư mua những linh vật heo để diễn kèm thêm vào tiết mục chính.

Nỗ lực giữ truyền thống gia tộc

Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường do ông Lưu Hào Lương thành lập năm 1936. Sau khi ông Lương qua đời, con trai của ông – Lưu Kiếm Xương kế tục. Sau hơn 50 năm duy trì hoạt động, ông Kiếm Xương truyền lại cho Lưu Quán Phi, 1 trong 2 người con để tiếp tục truyền thống của gia tộc.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Ông Lưu Chí Vỹ (phải) tại xưởng làm lân của gia đình.

Ngày cùng cha rong ruổi múa lân cho đến khi thay cha tiếp quản Nhơn Nghĩa Đường, ông Kiếm Xương thấy được những khó khăn mà bất cứ đoàn lân nào cũng gặp phải: “Anh em trong đoàn từ vận động viên đến huấn luyện viên ai cũng có công việc riêng vì tiền thù lao từ múa lân không đủ sống nên việc tập hợp mọi người gặp khó khăn, lịch tập luyện cũng thường về đêm để anh em chủ động. Ngoài ra, để duy trì địa điểm tập, kinh phí di chuyển đều do trưởng đoàn lo nên nhiều thời điểm rơi vào khó khăn. Có lúc, tôi nghĩ hay mình tạm dừng hoạt động nhưng vì đam mê, vì niềm tự hào với truyền thống của gia tộc mà tiếp tục”.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Anh Đặng Bá Kiên, trưởng đoàn Hùng Dũng Đường.

Không chỉ Nhơn Nghĩa Đường – đoàn lân có truyền thống hơn 80 năm thành lập, những đoàn lân trẻ hơn cũng gặp nhiều khó khăn khiến tưởng chừng bỏ cuộc. Hùng Dũng Đường do anh Đặng Bá Kiên làm trưởng đoàn có thời điểm mất toàn bộ thành viên vì biến cố riêng của gia đình.

“Hùng Dũng Đường ra đời năm 1985 do ông Đặng Văn Kiến là ba của tôi thành lập. Vì tai nạn bất ngờ, ba tôi qua đời và năm 2003, tôi tiếp quản. Để đường dây được chạy xuyên suốt từ năm 2003 tới nay rất khó khăn vì ngày ba qua đời, các thành viên đi tìm nơi khác để gắn bó. Tôi cũng muốn dừng lại nhưng nhiều đêm mơ thấy ba mình đang gõ trống, múa lân nên dù khó, tôi cũng cố gắng gầy dựng lại từ đầu”, anh Đặng Bá Kiên tâm sự.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Những giải thưởng mà Hùng Dũng Đường nhận được.

Anh Đặng Bá Kiên kể rằng dù ra đời sau nhiều đoàn lân khác nhưng vì bản thân cũng là một thành viên trong đoàn lân của ba nên anh biết cách. “Khó khăn thì đoàn nào cũng sẽ gặp phải, chỉ khác là mình biết cách kết nối anh em, tạo cho họ sự gắn bó vì thương hiệu Hùng Dũng Đường. Còn việc cạnh tranh giữa các đoàn để giành đất diễn, tôi nghĩ không có. Nếu có, chỉ là mọi người hơn thua trong các cuộc thi, còn cạnh tranh theo hướng làm ăn thương mại thì không có, mạnh ai người đó làm”, anh Bá Kiên chia sẻ. 

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Những đầu lân được anh Bá Kiên treo cẩn thận trong kho.

Với Nhơn Nghĩa Đường, Hùng Dũng Đường, Tinh Anh Đường... và hầu như tất cả những đoàn lân sư rồng khác, để giữ được thương hiệu trong thời điểm nhiều đoàn lân mới xuất hiện, phá giá để chạy được nhiều show là điều khó khăn. Tuy nhiên, trước việc cạnh tranh không lành mạnh, ngoài đòi hỏi thái độ làm việc có văn hoá hơn từ các trưởng đoàn, khách hàng cũng nên hiểu được chất lượng các phần trình diễn của từng đoàn để chọn lựa bởi “tiền nào, của nấy”.

Để nhịp trống lân mãi rộn rã

Những ngày trước Tết, đoàn Tinh Anh Đường (thành lập năm 1954) đang lên đường đi thi quốc tế. Trước đó, Tinh Anh Đường là đoàn đã lập cú đúp giải thưởng trong Liên hoan Lân - Sư - Rồng TP.HCM lần 2 được tổ chức vào tháng 12/2018 với giải Nhất 2 hạng mục: Lân lên mai hoa thung và Lân địa bửu. Trong số những đoàn lân sư rồng hiện tại, Tinh Anh Đường là thương hiệu giành được nhiều giải thưởng quốc tế, khẳng định tên tuổi đoàn nói riêng và chất lượng lân sư rồng Việt nói chung.

Clip ông Lưu Chí Vỹ chia sẻ về hoạt động của Quần Nghĩa Đường:

 

Tuy nhiên, với việc đi thi quốc tế, mỗi đoàn có một định hướng khác nhau. “Nhiều đoàn luyện tập đi thi quốc tế nhưng chúng tôi thì hướng đến phục vụ quần chúng nhiều hơn. Chúng tôi có thể dùng tiền di chuyển sang nước ngoài (nếu đi thi đấu) để đi đến nhiều vùng sâu vùng xa diễn miễn phí”, ông Lưu Chí Vỹ, trưởng đoàn Quần Nghĩa Đường cho biết.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Quang Lành, 12 tuổi là thành viên mới của Quần Nghĩa Đường.

Đoàn lân của ông Lưu Chí Vỹ không nằm trong CLB Lân sư rồng quận 5 vì muốn hoạt động độc lập. Có thể, Quần Nghĩa Đường có định hướng phát triển khác, nhưng việc đi thi đấu quốc tế, theo các đoàn khác là dịp để các đoàn lân nâng tầm thương hiệu, học hỏi từ bạn bè quốc tế.

“Chúng tôi luôn muốn cho đoàn đi thi quốc tế nếu có cơ hội để các em học được cái hay, cái mới; giao lưu với bạn bè các nước để biết mình đang có gì. Giải thưởng là một phần quan trọng và nếu đạt giải, tinh thần anh em càng cao, càng muốn cống hiến hơn nữa”, ông Lưu Kiếm Xương chia sẻ.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Để đào tạo kỹ thuật múa lân không khó nhưng quan trọng người học phải biết tôn sư trọng đạo, cầu thị.

Tuy nhiên, chi phí đi lại là điều nhiều đoàn lo lắng vì phải tự túc, ban tổ chức chỉ hỗ trợ ăn, ở. “Tôi nghĩ nếu có điều kiện, đoàn nào cũng nên đưa anh em sang các cuộc thi quốc tế để hiểu hơn cách thức họ tổ chức như thế nào. Mình có thể không đi vì giải thưởng trong lần đầu tiên, nhưng kinh nghiệm từ chuyến đi đó sẽ giúp đoàn biết được đâu là chi tiết mà ban giám khảo chấm điểm cao để tập trung. Nếu muốn đạt đến những mục tiêu cao hơn, thi quốc tế là hoạt động các đoàn nên thử sức”, anh Bá Kiên nói.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Múa lân có nhiều kỹ thuật từ thấp lên cao, dễ đến khó nên thời điểm đầu, các thành viên tập quen dưới đất trước khi lên mai hoa thung.

Về việc truyền nghề cho những thế hệ sau, tất cả đoàn lân được hỏi hầu hết đều ủng hộ những thành viên gia nhập đoàn, nếu có điều kiện hãy tiếp tục đưa danh tiếng của đoàn đi xa.

Với Nhơn Nghĩa Đường, hiện tại có rất nhiều đoàn lân ở các tỉnh thành đi ra từ lò đào tạo này, thậm chí tại Úc có đại diện của Nhơn Nghĩa Đường ở 4 thành phố lớn. Thật sự, với các lò đào tạo, không khó khăn để các huấn luyện viên chỉ dạy kỹ thuật nhưng điều quan trọng, họ cần thái độ cầu thị, tôn sư trọng đạo.

Xuan ve, ron ra nhip trong lan
Không chỉ là công việc lúc nhàn rỗi, nhiều bạn trẻ xem múa lân là đam mê của mình.

“Dạy múa lân sư rồng không chỉ dạy các bạn kỹ thuật không mà còn dạy làm người. Có thể, nhiều em giỏi chỉ cần học lỏm là làm được nhưng lân sư rồng yêu cầu thái độ tôn trọng thầy, tôn trọng anh em của người học. Tôi sẵn sàng đuổi những em xem mình giỏi mà khinh người khác, không đoàn kết hay nói dối cha mẹ đi tập lân nhưng thực chất đi chơi. Dạy múa lân không phải như trường lớp bài bản nhưng đoàn nào cũng có kỷ luật riêng. Với tôi, dạy lân là dạy trở thành người nghĩa hiệp”, ông Lưu Chí Vỹ cho biết.

Bài, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI