Không thể gần con

28/03/2015 - 16:43

PNO - PN - Người cha trong câu chuyện dưới đây gần như bất lực trước hoàn cảnh bơ vơ của con gái, khi ước muốn gần gũi, được yêu thương, chăm sóc con của anh bị ngăn cản.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khong the gan con

Anh Nguyễn Xuân Định (hiện ngụ tại Sơn Tây, Hà Nội) và chị Nguyễn Hạnh Như Lan (quê Phù Mỹ, Bình Định) chung sống không đăng ký kết hôn. Khi không còn hòa hợp, họ quyết định đường ai nấy đi. Bản án ly hôn ngày 12/12/2012 của TAND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định không công nhận hai người là vợ chồng; con gái chung là bé Nguyễn Bảo Châu (SN 2009) do chị Lan trực tiếp nuôi dưỡng.

Sau đó, anh Định lập gia đình mới và sống tại Hà Nội. Bé Châu ở cùng mẹ tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Không lâu sau, chị Lan sang Mỹ định cư, gửi bé Châu cho cậu ruột nhờ nuôi dưỡng. Biết tình cảnh của con, anh Định tranh thủ những ngày rảnh rỗi hay cuối tuần bay vào thăm nom.

Trăn trở, xót xa khi con gái thiếu thốn tình thương, anh Định muốn đưa bé Châu về Hà Nội để tiện chăm sóc. Vì vậy, anh gửi đơn xin được thay đổi người trực tiếp nuôi con. Ngày 21/7/2014, TAND tỉnh Bình Định mở phiên sơ thẩm, nhận định: “Chị Lan đã ra nước ngoài định cư, không trực tiếp nuôi con. Anh Định đã lập gia đình và có công việc, thu nhập ổn định. Cháu Châu rất cần sự chăm sóc trực tiếp của cha hoặc mẹ; việc phải sống với cậu, thiếu vắng tình cảm cha mẹ sẽ gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, nên giao cháu cho anh Định nuôi là phù hợp”.

Sau đó, anh Định đưa con ra Hà Nội. Bé Châu nhanh chóng hòa nhập môi trường mới. Tuy nhiên, khi mọi thứ đang đi vào ổn định thì bất ngờ, anh Định nhận được thông báo vụ việc phải xét xử phúc thẩm; do có đơn kháng cáo của chị Lan.

Trong đơn kháng cáo, chị Lan trình bày, do anh Định đã có gia đình mới nên chị lo ngại con gái không được đối xử tốt. Đồng thời, chị cho biết, việc gửi con nhờ người nuôi dưỡng là vì chị đang trong thời gian hoàn tất các thủ tục đưa con sang Mỹ đoàn tụ. Ngày 3/2/2015, TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm, nhận định: “Cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con của anh Định là không có căn cứ, không xem xét đến quyền lợi cũng như sự phát triển lâu dài của cháu Châu”. Tòa tuyên bác đơn khởi kiện của anh Định; bé Châu vẫn thuộc quyền trực tiếp nuôi dưỡng của chị Lan.

Khong the gan con

Anh Định và con gái

Anh Định chia sẻ, anh rất... sốc với bản án này. Thêm vào đó, chỉ hai ngày sau, chị Lan cùng hai người lạ mặt đến trường nơi bé Châu học vờ hỏi thủ tục nhập học để tìm gặp con gái. Khi thấy Châu, chị Lan đã cùng hai người này “bắt” con bỏ trốn. Sau đó, được mọi người động viên, chị đưa con gái đến cơ quan công an trình báo và cho biết về “hiệu lực thi hành” của bản án phúc thẩm. Do đó, chị được phép mang con về Bình Định.

Bất lực trước những hành động của vợ cũ, anh Định càng... đau khổ hơn bởi từ đó đến nay, mọi liên lạc giữa anh cùng con gái đều bị cắt đứt. Chị Lan chẳng những không cho con nghe điện thoại của cha, mà còn ngăn cản nhiều người thân nhận cuộc gọi từ anh Định. “Không phải đến bây giờ Lan mới cư xử như vậy. Trước đây, mỗi lần tôi vào thăm con, Lan đều yêu cầu người thân ngăn cản, không cho gặp.

Có khi gặp con, tôi chở con gái đi chơi; Lan gọi điện thoại, hối thúc người thân đi tìm cháu đưa về” - anh Định buồn bã. Khi chúng tôi hỏi, vì đâu có sự cản trở này, anh Định ái ngại khẳng định, là vì tính... hiếu thắng, muốn trả thù của chị Lan. Ngày trước, mặc dù thỏa thuận chia tay khi quá bế tắc trong giải quyết các mâu thuẫn; chị Lan vẫn hằn học, chửi bới, nói xấu anh. Thậm chí, biết anh có người mới, chị còn nhiều lần bay ra Hà Nội, đến gặp gia đình người này để kể tội anh hòng chia rẽ mối quan hệ.

Anh Định cho biết, đã gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xin giám đốc thẩm vụ án để được trực tiếp chăm nuôi con. Theo anh Định, việc đưa con gái ra nước ngoài định cư, anh ủng hộ nếu môi trường, cuộc sống ở đó tốt hơn cho con - dù bản thân anh tin mình vẫn có thể lo cho con một tương lai tốt đẹp ngay tại quê nhà. Nhưng, trong khi mọi chuyện chưa ngã ngũ, con gái phải sống thiếu thốn tình thương, như đứa trẻ không cha, không mẹ khiến anh không cam lòng.

 TUYẾT DÂN 

Bản án phúc thẩm không đúng quy định pháp luật

Điều 84, Luật HN-GĐ năm 2014 quy định: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: a/ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; b/ Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Trường hợp trên, chị Lan trước đây là người trực tiếp nuôi con, nay chị đã xuất cảnh và gửi cháu Châu lại cho người cậu trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc. Như vậy, chị Lan đã không còn trực tiếp nuôi con.

Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn vừa là quyền vừa là nghĩa vụ về mặt nhân thân và tình cảm của cha mẹ đối với con, phải do cha mẹ trực tiếp thực hiện, nên không thể ủy quyền, cũng không thể chuyển giao cho người khác như một giao dịch dân sự (trừ trường hợp trẻ không còn cha mẹ, hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc...).

Mặt khác, ngoài việc được nuôi dưỡng, chăm sóc, trẻ còn có các nhu cầu và các quyền lợi khác về nhân thân và tài sản cần phải có người đại diện, trong khi theo quy định của pháp luật thì cha mẹ mới là người đại diện hợp pháp cho con chưa thành niên. Do vậy, việc chị Lan nhờ người cậu nuôi cháu Châu, khi không có sự đồng ý của cha đứa bé trong khi người cha đủ điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc... là không phù hợp quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm giao cháu Châu cho anh Định trực tiếp nuôi là có căn cứ và đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm sửa án theo hướng bác đơn kiện của anh Định là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.

 Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI