Chợ Tết

09/02/2015 - 06:49

PNO - PN - Chợ Long Hoa này, hai mươi năm về trước, ở độ tuổi 12, tôi từng lẽo đẽo theo cha…

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhà tôi cách chợ 10km. Với chúng tôi, đến chợ là ước mơ cháy bỏng có khi đi hết cả tuổi thơ mà có đứa vẫn chưa chạm tới được. Tôi còn nhớ, ngày tôi được đặt chân lần đầu đến chợ Long Hoa năm ấy là mùa giáp Tết. Những “ông trốt” gió xoáy vòng vòng cuốn theo cả bọc ni lông, giấy, lá chuối… cứ trôi ù ù bên tai vòng qua mấy cửa chợ. Cuối cùng “ông trốt” dừng lại ở cửa 5 - nơi mệnh danh là “cửa tiệm vàng” vì cửa ấy tập trung gần như tất cả các tiệm vàng của phố huyện. Sau dãy tiệm vàng là các cửa hàng ăn uống.

Con nít đi chợ không ham gì bằng vào hàng ăn. Tôi ăn liền hai đĩa bánh tằm mặn, một ly to sương sa hột lựu. No lặc lè nhưng nhìn mâm bánh đúc thẳm xanh màu lá dứa vẫn thèm; nhìn mẹt bánh da lợn nhiều tầng rắc đầy mè vẫn muốn ăn… Cha bảo nhỏ: “Thôi, cứ đi một vòng chợ coi cho đã, rồi đói thì ăn nữa, con”. Tôi “dạ” đầy tiếc rẻ. Cha bảo tôi đi trước, cứ mạnh dạn đi bất cứ hẻm hóc nào của chợ, đừng lo lạc, đã có cha phía sau.

Tôi đi, nhìn ngắm thỏa thuê, thắc mắc vì sao ban ngày mà mấy gian hàng này cứ bật đèn sáng trưng. Chả bù ở nhà mình, ban đêm mới được đốt đèn mà cái bóng điện nhỏ xíu như viên kẹo dù có cái bình ắc-quy bốn hộc hẳn hoi. Vậy chắc ở đây người ta có cái bình ắc-quy lớn lắm hả cha? Không, người ta dùng điện con à. Điện là gì hả cha? Điện là… mà con còn nhỏ lắm, nói cũng không hiểu đâu.

Rất đông các ông chủ bà chủ hàng hỏi tôi mua gì. Mua gì hả cha? À… dắt cháu nó đi coi chợ một bữa… còn mua gì để mai mốt bả lên mua! Đi qua vài gian hàng quần áo, không thấy chủ đâu. Tôi hỏi cha, không có chủ, bỏ đồ vậy có mất không? Cha bảo, chủ “trốn” trong mớ quần áo đó, để canh trộm đấy, có tiền thì mua, không có thì coi thôi, ăn trộm sẽ bị bắt ngay. Bất chợt, một ông chủ hàng đang “trốn” trong mớ quần áo treo nhì nhằng đó “nhảy ra” nắm tay cha tôi: “Anh Năm hả? Lâu quá mới gặp? Mua gì cho cháu, anh?”.

Hóa ra, đây là ông chủ nhà mà cha tôi từng làm. Ông khen hết lời rằng tay nghề thợ hồ của cha tôi “cứng”, nhà mấy năm rồi chưa phải tu sửa gì. “Còn nhà ông Tư, nhà bà Tám kế bên nhà em, anh Năm nhớ không? Hồi đó chê anh lãnh mắc, kêu thợ khác, ai dè mới 5 năm mà phải sửa bốn lần!”. Cha tôi cười, nói: “Chú mày khen anh quá làm chi, để tiếng khen đó lại, đổi cho con nhỏ món đồ nào dễ thương chút đi!”. Vậy là tôi có ngay một sợi dây nịt màu xanh thật đẹp. “Nhưng dây nịt để làm gì cha?”. “Để nịt vào lưng quần khi đi học, cháu không biết à” - chú chủ hàng quần áo nói. “Dạ… đi học cháu mặc "củng" (váy) chú ạ!”. Cha tôi, chú bán hàng cười xòa, tôi thì mắc cỡ giấu mặt sau lưng cha, không biết mình nói gì sai mà người lớn cười dữ vậy.

Cho Tet

Không khí mua sắm Tết tràn ngập phố phường - Ảnh: Internet

Bây giờ chợ Long Hoa đã thành trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh, tôi rành từng ngó ngách chợ, nhưng với hai đứa con 5 và 14 tuổi của tôi, chợ vẫn còn xa lạ lắm.

Trung tâm thương mại Long Hoa có nhiều tầng, nhiều khu nhưng tôi chọn góc phải tầng hầm cửa 1 là nơi bán các loại bánh mứt, trái cây để đưa con đi tham quan. Mùi tết ngọt ngào ùa vào tất cả các giác quan khiến thằng bé năm tuổi của tôi hào hứng: “Mùi bánh mứt thơm ngào ngạt mẹ ơi!”. Các cô bán hàng cười vang, bảo con nít gì mà nói chuyện văn vẻ quá! Thằng bé dạn dĩ đến bên sạp mứt của người vừa khen nhìn chăm chú. Cô bán hàng vốc cho bé một vốc mứt dừa trắng muốt, bé cúi chào: “Cảm ơn cô, thơm quá”. Lại một trận cười vang: “Là cô thơm hay mứt thơm?”.

Vòng qua khu vực trái cây, không thể đếm hết những mặt hàng chưng Tết. Nào thơm, bưởi, quýt đường, quýt tiều, nho, bom, lê, táo, mận… Mâm ngũ quả chưng mẫu vẫn cầu, đủ, dừa, xoài, sung… còn nguyên phấn trắng của trái cây mới hái. Những phong bao lì xì đỏ lấp lánh nhũ vàng, những giấy dán nhà cũng lóng lánh kim tuyến được bày tràn góc chợ.

Con trẻ bây giờ đi chợ không rụt rè như mẹ ngày xưa. Ngoài những món sắm tết cho nhà mình, chúng còn biết chọn phần biếu ông bà. Người già không nên ăn ngọt lắm, thằng bé 14 tuổi chọn mứt me nguyên trái, hồng khô, nho khô. Nhưng thằng em tranh luận: “Ông ngoại sứt hết răng rồi. Mấy mứt đó cứng làm sao mà ăn! Anh mua mứt mãng cầu cho ông đi, tròn tròn như ngón tay vầy nè, lột vỏ là ăn được liền!”.

Ra cửa chợ, thằng em níu tay anh đòi mua bằng được một chậu cây chanh. “Để làm gì?”, thằng anh thắc mắc. “Để mỗi khi bố đi làm về mệt thì em hái cho bố uống. Chứ từ nãy tới giờ mình chưa mua gì cho bố hết”. “Sao Bo không mua mà kêu anh?”, anh Hai hỏi tới. “Tại em bưng không nổi… Mà bố không ưa ăn mứt, ăn kẹo. Toàn uống nước chanh thôi, anh phải mua cây chanh này đi!”. Cây chanh của thằng em thật sự là cây tắc đấy.

Mấy mẹ con đi chợ sớm nhằm tránh mấy ngày cận Tết xe cộ đông đúc. Người đi chợ Tết vẫn còn thưa thớt nhưng tôi lại rất vui vì các con không chỉ biết sắm Tết cho mình mà còn lo cho những người thân. Trèo lên xe, chợt thằng em hỏi: “Ủa, nãy giờ sao không thấy mua cái gì cho mẹ vậy anh Hai? Ngừng lại, ngừng lại… để Bo vô mua cho mẹ cái gì đi”. Xe nổ máy rồi, tôi bảo, nụ cười của các con là món mà mẹ thích nhất. Con cười hăng hắc ra chiều thích chí nhưng vẫn cố vặn vẹo: “Nhưng mẹ cũng phải ăn cái gì chứ!”.

Tôi bảo chỉ cần các con ngoan ngoãn là mẹ… no rồi. Gió xuân khe khẽ, tôi thấy lòng lâng lâng.

 Đ.P. THÙY TRANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI