Khi con cái là nguyên nhân của rạn vỡ

06/01/2016 - 14:16

PNO - Con cái là chất keo kết dính hạnh phúc chứ không phải là nguyên nhân cho những mâu thuẫn gia đình.

Căn nhà nay trở nên im ắng. Thằng nhóc bốn tuổi đi nhà trẻ về, không dám lăng xăng nói cười, đùa giỡn. Cô con gái lớn đang học lớp 5 ngồi trầm ngâm bên bàn học. Chiếc ghế, nơi anh thường để chiếc cặp mỗi khi về nhà nay trống không, và trên kệ không thấy đôi giày đàn ông.

Tôi buột miệng hỏi: “Anh đâu rồi hả chị?”, “Anh đi công tác” - chị trả lời mà không nhìn vào mắt tôi, rồi đến bên bàn lúi húi lau dọn. Con bé đang ngồi làm bài, như chợt nhớ ra điều gì, nhìn về phía mẹ: “Mẹ ơi, lát nữa mẹ ra siêu thị nhớ mua vài cây nến về thắp cho ấm”. Tôi nghe mà thấy không bình thường. Khí trời nóng nực, trong khi máy điều hòa hoạt động re re mà lại đòi thắp nến cho ấm? Con bé lạnh từ trong hồn.

Khi con cai la nguyen nhan cua ran vo
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Rồi việc “anh đi công tác” kéo dài chưa từng có. Cuối cùng, chúng tôi nói chuyện với nhau. Chị kể việc anh và chị chuẩn bị ly hôn. Sau trận cãi vã, chị đuổi anh ra khỏi nhà, anh gom hết quần áo về nhà bố mẹ.

Tôi hỏi nguyên do, chị nói chán vì anh chẳng quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Nói chung anh chỉ biết đi làm rồi mang tiền về nhà, còn con cái học hành, dạy dỗ thế nào đều là phần chị. Đã vậy, chị quyết định cho con học cái gì, hỏi ý kiến của anh, anh đều bàn lui.

Chị và anh đều là những người thành đạt. Công việc mang lại cho hai vợ chồng mức lương mà bao nhiêu người mơ ước. Anh cũng không bê tha rượu chè, không lăng nhăng bồ bịch… Vậy nên mỗi khi nghe chị tâm sự chuyện hai vợ chồng giận nhau vì việc học hành của con, tôi thườ ng buông những lời nhẹ tênh:

“Chị đòi hỏi làm chi những điều đó. Để tìm một người hoàn hảo theo đúng ý mình thì chỉ có… lên trời. Vấn đề quan trọng là những thiếu sót đó không quá lớn thì cố gắng chấp nhận và dung hòa nó. Còn chuyện anh không quan tâm đến việc học của con, thì chị quan tâm nhiều hơn, để anh quan tâm việc khác là được rồi”. Có lẽ tôi chưa từng trải qua cuộc sống gia đình nên chưa hiểu hết tính chất phức tạp của nó.

Mỗi lần như vậy, chị đều nói với tôi: “Đâu dễ em. Không có tiếng nói chung, dạy con thế nào được”

Một chị bạn khác của tôi, không biết bao nhiêu lần hạnh phúc gia đình đã lăm le bên bờ vực thẳm mà nguyên nhân chủ yếu chỉ loanh quanh đến vấn đề học hành và giáo dục con cái. “Nói thật là chồng chị tốt tính. Xét một cách công bằng, ảnh không có gì để chê. Nhưng chẳng hiểu sao, đối với việc dạy dỗ con cái, ảnh làm gì chị cũng không thể nào vừa mắt được, chỉ muốn ly hôn chồng để dạy con, chứ cái kiểu dở dở ương ương thế này, khó chịu quá. Con cái thì chẳng mấy khi quan tâm, nhưng đến khi mình dạy dỗ chúng thì lại chen vào phản đối. Con hư là vì ảnh cưng chiều quá mức. Trong mắt mấy đứa nhỏ, mẹ nó phát xít bao nhiêu thì ba nó là một ông bụt hiền từ bấy nhiêu. Riết rồi nó cũng chẳng biết sợ mình vì mỗi khi mẹ la, luôn có ba đỡ cho”.

Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Những ông bố hầu như không quá đặt nặng chuyện thành tích học hành, muốn để con được trọn vẹn với tuổi thơ, phát triển một cách tự nhiên nên cứ đủng đa đủng đỉnh; trong khi những người mẹ, với thiên chức chăm sóc và nuôi dạy con cái lại thường nóng ruột hơn, lo lắng nhiều hơn đến tương lai của con, và một phần do tính cách phụ nữ, cứ hay nhìn con người này người khác và muốn con mình bằng con người.

Quan điểm không thống nhất, cuối cùng chồng để mặc vợ tự do quyết định, từ đó sinh ra chuyện không quan tâm đến con cái học hành. Rồi cũng từ chỗ không thống nhất đó mà nảy sinh bao nhiêu mâu thuẫn trong vấn đề dạy con.

Từ xưa, người cha luôn nghiêm khắc trong vấn đề dạy con, trong khi đó, với bản chất yếu mềm của phụ nữ, người mẹ thường dành cho con những tình cảm dịu dàng, dễ trở thành nguyên nhân cho những “thói hư” mà người xưa thường nói “con hư tại mẹ”. Những trường hợp mà tôi nói ở đây thì có vẻ ngược lại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI