TP.HCM: Dự án 'ma' hoành hành, gây hại khắp nơi

04/05/2019 - 07:01

PNO - Giá đất tăng cao, nhiều “cò” đất ngang nhiên vẽ dự án “ma” rao bán, lừa đảo khắp nơi, không ít công ty bất động sản cũng tham gia, gây khốn đốn cho nhiều người.

Xem thường pháp luật 

“Bán đất dự án khu dân cư mở rộng ở H.Hóc Môn, TP.HCM” là lời rao phổ biến trên mạng, kèm hình ảnh dự án với hàng trăm lô đất được phân ra bài bản, xen kẽ là công viên, đường sá rộng thênh thang. Thấy hấp dẫn, ông Q. - ngụ tại P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM - vét hết tiền tích cóp, vay mượn thêm bạn bè, người thân được gần 5,5 tỷ đồng đến mua.

Hợp đồng ghi rõ, nền đất ông Q. mua thuộc một phần thửa 641, tờ bản đồ số 56 (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn). Bà T. - đại diện bên bán - cam kết sẽ hoàn thiện việc tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất cho bên mua. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền, ông Q. chờ rất lâu nhưng việc tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất chỉ thực hiện trên giấy, bên bán nại đủ lý do, hẹn hết lần này đến lần khác mà vẫn không thực hiện. Lo lắng, ông B. đến UBND xã Đông Thạnh hỏi thông tin dự án thì được biết, tại xã này, không có bất kỳ dự án nào ở thửa đất ông mua. 

TP.HCM: Du an 'ma' hoanh hanh, gay hai khap noi
Trên khu đất mà người dân bị các đối tượng lừa bán dự án “ma” (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn), chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo

Bà L. - ngụ tại P.Bến Nghé, Q.1 - cũng gom hết 600 triệu đồng tích cóp được, đưa cho bà T. để đặt cọc mua hai lô đất của dự án. Để khách hàng yên tâm, bà T. còn đưa bà L. ra văn phòng thừa phát lại lập vi bằng việc mua bán. Hợp đồng ghi rõ, trong thời hạn 4 - 7 tháng, bên bán có nghĩa vụ công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sang tên cho bà L. Thế nhưng, quá thời hạn cam kết, bà T. vẫn không thực hiện. Bà L. tìm hiểu thì tá hỏa khi biết đây là dự án “ma”. Hai lô đất bà mua thuộc thửa số 641 có diện tích gần 10.500m2 là đất trồng lúa của ông Mai Văn Khỉ (H.Hóc Môn). Có nghĩa, bà T. đã tự ý lấy đất của ông Khỉ phân lô, bán cho người khác. 

Một dự án bất động sản cũng vừa bị phát hiện “mọc” lên ở khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức. Điều đáng nói, vị trí dự án được các đối tượng vẽ ra, rao bán nằm ngay trong khu đất quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM, đang chờ thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa. Qua rà soát, UBND P.Linh Trung phát hiện, Công ty cổ phần Đầu tư Angle Lina (số 92/B20 đường Tôn Thất Thuyết, Q.4) và Công ty Bất động sản Hoàn Ân Group (số 254 đường Linh Trung, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) đã tự ý vẽ, phân lô ra bán. 

TP.HCM: Du an 'ma' hoanh hanh, gay hai khap noi
Đất quy hoạch Trường Đại học Quốc gia TP.HCM bị các sàn giao dịch bất động sản ngang nhiên phân lô rao bán

Tương tự, UBND P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú cũng vừa phát hiện một khu đất trống có diện tích hơn 4.000m2 nằm trong hẻm 38 Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa (đang được quy hoạch là đất công viên cây xanh, thể dục thể thao) bị phân lô ra bán. Hàng loạt khu đất đang được quy hoạch công viên, trung tâm thể dục thể thao, cơ sở y tế, trường học... ở H.Củ Chi và Q.12 cũng bị rao bán rầm rộ. 

Chính quyền bất lực hay lơ là?

Dự án “ma” được vẽ, rao bán công khai, xem thường pháp luật, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng nhưng hiện nay, hầu như các cơ quan chức năng không có biện pháp nào ngăn chặn ngoài việc cảnh báo, tuyên truyền. Theo khảo sát của chúng tôi, tại dự án “ma” ở H.Hóc Môn, các đối tượng đã tự ý phân ra ít nhất khoảng 330 nền. Trong đó tại xã Đông Thạnh, có khoảng 260 nền và khoảng 70 nền tại xã Nhị Bình. Ước tính, tổng số tiền do các đối tượng lừa đảo thu của khách hàng lên đến gần 100 tỷ đồng.

Để hạn chế số nạn nhân bị lừa đảo, UBND hai xã Đông Thạnh và Nhị Bình đã cho lực lượng công an làm hàng chục biển hiệu cảnh báo dự án “ma”. Theo UBND H.Hóc Môn, hiện huyện đã tiếp nhận khoảng hơn 100 đơn trình báo lừa đảo của người dân ở nhiều quận, huyện gửi về. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là tự ý phân nền đất nông nghiệp, tự vẽ phân lô tổng mặt bằng, sau đó tự giới thiệu, quảng cáo và rao bán cho người dân. UBND huyện này đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. 

TP.HCM: Du an 'ma' hoanh hanh, gay hai khap noi
Văn bản cảnh báo dự án "ma" của UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM

Tương tự, theo UBND P.Linh Trung, sau khi phát hiện vụ việc, UBND phường đã phát đi văn bản cảnh báo người dân về dự án “ma” kể trên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi UBND P.Linh Trung phát đi thông tin cảnh báo, phía Công ty Angel Lina đã gửi văn bản cho UBND P.Linh Trung chối tội, cho rằng mình không làm việc này.

“Công ty Angle Lina hiện đang xây dựng đề án và xúc tiến các thủ tục pháp lý để xin chấp thuận chủ trương đầu tư khu đất thuộc tổ 5, khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức. Bên cạnh đó, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên. Công ty đang tìm kiếm, kêu gọi các đối tác, nhà đầu tư cùng hợp tác và phát triển dự án. Do đó, công ty đề nghị UBND P.Linh Trung thu hồi, đính chính văn bản thông báo và công bố rộng rãi với dư luận nhằm đảm bảo uy tín của công ty...” - ông Nguyễn Bá Thi, Tổng giám đốc Công ty Angel Lina, biện hộ. 

Theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc các “cò” đất, công ty bất động sản ngang nhiên vẽ dự án “ma”, rao bán là trái pháp luật. Cách xử lý của các cơ quan chức năng hiện nay chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, giải quyết hậu quả trong khi lẽ ra phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu cơ quan quản lý nhà nước muốn, hoàn toàn có thể xử lý một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, hiện nay, các cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa hợp đồng qua thừa phát lại thay vì thực hiện ở văn phòng công chứng nhưng theo quy định, thừa phát lại không có chức năng công chứng hồ sơ nhà đất. Sở Tư pháp TP.HCM cần yêu cầu các văn phòng thừa phát lại chấm dứt chứng nhận cho hồ sơ mua bán đất trái pháp luật. 

Bên cạnh đó, để lừa đảo được người mua, các đối tượng phải đưa thông tin lên mạng rao bán. Việc rao bán này là trái quy định pháp luật nên chắc chắn các đối tượng đều rao trên các trang web lậu, cơ quan chức năng chỉ cần nghiêm khắc đóng các website này là ngăn chặn được hậu quả. Luật cũng quy định rất rõ, các sàn giao dịch bất động sản chỉ được bán dự án bất động sản có đầy đủ tính pháp lý, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ dự án cho khách hàng khi có yêu cầu... Chỉ cần căn cứ vào các quy định trên, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý các sàn giao dịch bất động sản hành vi kinh doanh trái quy định pháp luật. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Dày đặc biển cảnh báo lừa đảo 

Gần đây, tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các đầu nậu từ các nơi đổ về thâu tóm đất nông nghiệp, ngang nhiên phân lô bán nền tràn lan, đặt tên dự án, rao bán lừa đảo người dân. Tình trạng này đã phá vỡ quy hoạch và gây ra cơn sốt đất ảo. Để tránh tình trạng người dân bị lừa khi mua phải các dự án “ma”, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo khắp nơi.

TP.HCM: Du an 'ma' hoanh hanh, gay hai khap noi
UBND xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cắm biển cảnh báo dự án “ma”

Theo ghi nhận của chúng tôi, các dự án trái phép hiện nay chủ yếu tập trung ở các xã Châu Pha, Tóc Tiên, Hắc Dịch... với diện tích hàng chục héc-ta. Các dự án này chủ yếu do các đầu nậu, sàn giao dịch bất động sản từ nơi khác về thu mua đất nông nghiệp của người dân rồi tự mở đường, dựng cột điện, phân thành nhiều nền đất từ 100-200m2, rao bán với giá từ vài trăm đến 1 tỷ đồng/lô. Theo chính quyền địa phương, các dự án này không nằm trong quy hoạch và không được phép xây dựng.

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI