Món quà tặng cô

17/11/2018 - 16:30

PNO - Ai có từng là người thầy mới có thể hiểu. Lao động của người thầy làm sao có thể xem là lao động bình thường thấy được rõ ràng, tính toán được sòng phẳng?

Tôi đi dạy đã ngót nghét 20 năm. Trên kệ sách của tôi có một nơi cất giữ tất cả những kỷ niệm của nghề giáo. Những tấm thiệp, bó hoa hồng giấy, quyển sổ ghi cảm nghĩ có hình các em, hàng trăm con hạc giấy sặc sỡ... 

Có lần con trai tôi tìm sách, lôi hết các thứ ra đọc, xem rồi mặt mũi ra chiều suy nghĩ. Buổi cơm tối hôm ấy, con trai nhìn tôi nói như chia sẻ một bí mật: “Lớn lên con làm thầy giáo, được không mẹ?”. 

Nghề giáo chưa bao giờ buồn như hiện nay. Lắm khi, có những sáng đất trời hãy còn ngái ngủ, hay những lúc mưa dầm từ tối hôm trước đến tận sáng sớm hôm sau. Vén tà áo dài chui vô chiếc áo mưa lùng bùng còn phảng phất mùi ẩm mốc, bươn bả cho kịp giờ vào lớp; ra chơi nhìn gói xôi, khúc bánh mì nằm còng queo trong cặp tự nhiên có chút tủi thân dẫu muốn ngăn cũng cứ trào ra. 

Mon qua tang co

Công sức của người thầy, nếu thật sự xứng đáng là một người thầy, liệu có thể tính, có thể để trả giá? (Ảnh minh họa)

 

Ai có từng là người thầy mới có thể hiểu. Lao động của người thầy làm sao có thể xem là lao động bình thường thấy được rõ ràng, tính toán được sòng phẳng? Trái tim một con người chạm đến trái tim một con người liệu mình đong đo ra sao? Thầy đâu chỉ đứng trên bục giảng dạy những con số, những câu văn, bài thơ? Một hành vi, một lời nói, một cách sống được rèn giũa từ người thầy chứ còn ai? 

Công sức của người thầy, nếu thật sự xứng đáng là một người thầy, liệu có thể tính, có thể để trả giá? Khi xã hội tôn thờ chủ nghĩa vật chất, chỉ tin ở tiền, cho nó là chìa khóa mở tất cả cánh cửa và thật sự mở được tất cả các cánh cửa thì hậu quả sẽ ra sao? Ai cũng nghĩ đồng tiền mình có sức mạnh, rồi người thầy cũng toan tính nhận được gì hay không nhận được gì, có giá trị bao nhiêu từ học sinh hay phụ huynh, rồi mọi thứ sẽ ra sao?

Những chiều tháng Mười âm lịch, trời sụp tối nhanh như mi mắt trẻ con buồn ngủ. 17g, tiết học cuối cùng vẫn còn 15-20 phút nữa, học sinh tôi rón rén xin cô cho nghỉ sớm để tập văn nghệ, làm báo tường chào mừng ngày Nhà giáo.

Nhìn các em học sinh say sưa đàn hát, bỏ giày túm áo, bò lăn trên tờ giấy các-tông vẽ vẽ, dán dán nghe len lỏi trong lòng một cảm giác nhẹ nhàng, vui vẻ lạ. Chỉ có vậy, giản dị, tựa như chiếc khăn lau bảng của cô bao giờ cũng được giặt và vắt khô; tựa như thấy cô từ xa bạn trai đã chạy ùa tới “con xách giỏ cho cô nhen!”; tựa như giờ ra chơi có bạn gái lấp ló cầm trên tay chai nha đam đường phèn: “Trời nóng, con nấu cho cô nè!”. 

Chỉ có vậy thôi, mà nghe thương yêu tràn khắp. Vâng, có lẽ chúng tôi chỉ chờ những món quà như vậy... 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI