Cám cảnh nhà chui gầm cầu, bàn thờ đặt cạnh toilet

21/08/2014 - 17:26

PNO - PNO - Một loạt hộ dân ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hiện không dám làm nhà, phải ở tạm bợ dưới gầm cầu vượt QL 1A để chờ xin bố trí tái định cư.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đây là những hộ dân có diện tích giải tỏa còn lại trên 100m2 nên không thuộc diện được bố trí vào khu tái định cư (TĐC). Nhưng đất của họ lại nằm trong phạm vi an toàn giao thông đường bộ, chỗ thì rộng, nơi thì hẹp nên cũng không dám xây nhà.

Người ra gầm cầu, bàn thờ xuống cạnh nhà vệ sinh

Theo ông Đỗ Quang Mưu (63 tuổi), gia đình ông và 2 hộ khác, cùng ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, vào giữa tháng 6 đã tháo dỡ nhà cửa để giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A. Tuy nhiên do diện tích đất còn lại sau khi bị giải tỏa của gia đình còn gần 150m2, nên không nằm trong diện được cấp đất tại khu TĐC.

Cam canh nha chui gam cau, ban tho dat canh toilet

Nơi cư ngụ của gia đình ông Mừng và 2 hộ khác dưới gầm cầu vượt QL 1A

Ông Mưu giãi bày: “Lâu nay cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào chiếc máy xay xát. Với diện tích đất còn lại của tôi nếu làm nhà bình thường thì không có chỗ để đặt máy mưu sinh, còn làm nhà tầng thì không có tiền. Đó là chưa nói diện tích đất còn lại của tôi cũng nằm trong phạm vi của hành lang an toàn đường bộ. Nếu lỡ vì lý do nào đó lại bị yêu cầu tháo dỡ thì xem như trắng tay vì không được bồi thường”.

Cũng vì diện tích đất còn lại sau khi giải tỏa trên 100m2 và nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ, rồi chỗ rộng, đầu hẹp... nên gia đình ông Phùng Văn Mừng, ở cùng thôn, cũng không dám làm nhà.

Ông Mừng cùng ông Mưu và 1 hộ nữa chọn cách "gửi phận" dưới gầm cầu suốt hơn 1 tháng qua. Không đủ "can đảm" để đưa bàn thờ tổ tiên ra gầm cầu, nên trên diện tích đất còn lại cạnh chuồng gà, nhà vệ sinh..., ông Mừng che tạm thêm mấy tấm tôn để đặt và nhang khói.

Cam canh nha chui gam cau, ban tho dat canh toilet

Nhà dân đang sống "chui" gọn dưới gầm cầu 

“Dù sao cũng đỡ hơn phải để ông bà phải bị xe cộ chạy trên đầu. Ngoài tiếng ồn như gõ búa trên đầu mỗi khi xe chạy qua là tình trạng bụi bặm mịt mù do số phương tiện chở vật liệu, đất đá... cho công trình thi công gần đó gây ra. Cực khổ vô cùng”, ông Mừng thở dài.

Ông Mừng cho biết đã nhiều lần cùng 2 nhà hàng xóm làm đơn xin được cấp đất trong khu TĐC, nhưng chính quyền xã Phổ Khánh và huyện Đức Phổ bảo chờ xem xét.

Cần sớm giao đất cho dân

Ông Huỳnh Thạch Bàn (57 tuổi), cho biết: “Dân ở khu vực giữa và phía nam của gầm cầu này, tuy đã được cấp đất TĐC, nhưng do nhu cầu sửa chữa nhà, công trình bị ảnh hưởng, tháo dỡ của dự án nâng cấp và mở rộng QL 1A quá lớn, thợ xây “chạy sô”, nên nhà cửa vẫn dang dở chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành”.

Cam canh nha chui gam cau, ban tho dat canh toilet

Nhà xây vẫn chưa xong nên người dân phải tiếp tục tạm trú gầm cầu chấp nhận nguy hiểm

Gia đình ông Bàn đã trú ngụ dưới cầm suốt 9 tháng qua. Họ biết rằng sống dưới gầm cầu, đặc biệt lại gần đường xe lửa là vô cùng nguy hiểm cho trẻ em, nhưng tất cả đành chịu vì “không ở đây thì biết ở đâu”. Vùng này cũng không có nhà trọ để thuê ở.

Trong khi đó, 14 hộ dân ở xã Phổ Châu may mắn hơn khi thuê được nơi ở trọ, nhưng cũng đang chịu vất vả vì chưa được giao mặt bằng để làm nhà. Tiền hỗ trợ thuê nhà chỉ 6 tháng, nhưng nay đã qua đến tháng thứ 9 mà mặt bằng để xây nhà vẫn chưa có, nên nhiều người bức xúc.

Đại diện chủ đầu tư khu TĐC, ông Huỳnh Văn Quang, PCT UBND xã Phổ Châu, cho biết: “Khu TĐC đã hoàn thành rồi, nhưng thủ tục chưa xong nên chưa giao được. Tuy nhiên nếu hộ nào cần, thì xã cũng có thể bàn giao ngay đất để làm nhà”.

Riêng với số hộ ở gầm cầu vượt xã Phổ Khánh, ông Trần Em, PCT UBND huyện Đức Phổ cho rằng: “Vì số hộ trên không thuộc diện bố trí TĐC, nên hiện địa phương đang xem xét giải quyết”.

Minh Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI