“Hô biến” thịt trâu Ấn Độ thành thịt bò Việt Nam: Bị phạt 50 triệu

13/02/2016 - 08:44

PNO - Thịt trâu Ấn Độ được mua từ Đồng Nai với giá 100.000 đồng/kg rồi trộn lẫn với thịt bò để bán ra thị trường từ 250.000 - 280.000 đồng/kg.

Chiều ngày 12/2, trao đổi với Phunuonline, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cho biết, đã quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với bà Trần Thị Thu Hương, tên thường gọi là Ý (30 tuổi, trú tại thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam), chủ cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt bò có quy mô lớn tại huyện Hàm Thuận Nam về hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ.

Trước đó ngày 4/2, tổ kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và phát hiện trên ô tô mang BKS: 53M - 1118 do ông Nguyễn Văn Hòa (tạm trú P. Phú Trinh, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm chủ, đang lưu thông trên QL1A (đoạn qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận, Bình Thuận) có nhiều thùng thịt không rõ nguồn gốc.

“Ho bien” thit trau An Do thanh thit bo Viet Nam: Bi phat 50 trieu
Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ tang vật.

Qua kiểm tra cho thấy, trên xe có 16 thùng thịt, tổng trọng lượng là 318kg được đóng gói cẩn thận, ghi tên nhãn hiệu bằng tiếng nước ngoài. Trên thùng có dán giấy ghi tiếng Việt là thịt trâu đông lạnh, xuất xứ từ Ấn Độ và 2 thùng xương bò. Số thịt nói trên hư hỏng nặng, có màu tái nhợt và thâm đen, bốc mùi hôi thối. Trên xương bò có dòi nằm lẫn trong các thớ thịt.

Chủ số hàng này là bà Trần Thị Thu Hương, tên thường gọi là Ý (30 tuổi, trú tại thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam), chủ cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt bò có quy mô lớn tại huyện Hàm Thuận Nam. Bà Hương khai: "Số thịt trâu Ấn Độ này bà mua của một bạn hàng từ Đồng Nai với giá 100.000 đồng/kg, rồi trộn lẫn với thịt bò do cơ sở giết mổ để bán ra thị trường từ 250.000 - 280.000 đồng/kg".

Theo công an Bình Thuận, cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt bò của bà Ý và một vài cơ sở khác tại thôn Văn Lâm mua thịt trâu Ấn Độ nhập khẩu trôi nổi, rồi tẩm với tiết bò để có màu đỏ và mùi giống thịt bò. Sau đó, thịt bò giả được phân phối tại các chợ trong TP. Phan Thiết và các huyện lân cận.

Nguồn thịt bò giả này còn được cung cấp cho các cơ sở nấu thức ăn tiệc cưới, quán ăn và đặc biệt là các quán bò né đang hoạt động rầm rộ tại thành phố Phan Thiết gần đây.

Phương Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI