Gà cúng đêm giao thừa: Quay đầu gà vào trong hay ra ngoài?

07/02/2016 - 17:01

PNO - Trong mâm cỗ cúng Giao thừa và ngày Tết, nhiều người thắc mắc không biết chọn gà, luộc gà, bày gà sao cho đúng...

Trong mâm cỗ cúng Giao thừa và ngày Tết, nhiều người thắc mắc không biết chọn gà, luộc gà, bày gà sao cho đúng... Đặt biệt, nên đặt gà cúng quay đầu vào bàn thờ tổ tiên; quay ra ngoài; hay để ngang khiến nhiều người bối rối.

Cách chọn gà cúng đúng kiểu

Quan niệm của người Việt ta từ xưa, mâm cỗ cúng giao thừa thường có một con gà trống hoa luộc bày khéo, miệng ngậm bông hồng đỏ với ý nghĩa khoẻ mạnh và tinh khiết.

Ga cung dem giao thua: Quay dau ga vao trong hay ra ngoai?

Như vậy, làm sao để có một con gà trống hoa cúng đẹp, ta cần chọn gà rất kỹ.

Thứ nhất, con gà trống choai mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ (gà ri).

Gà nặng trong khoảng từ 1,2 kg - 1,4 kg là vừa, gà to quá bày không đẹp, thịt kém ngọt nhiều xương. Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới cắt tiết.

Luộc gà sao cho đẹp mắt

Công đoạn luộc gà cũng hết sức quan trọng. Bỏ gà đã được làm sạch với chân cài trong bụng, cánh và đầu buộc tạo hình đầy đủ vào nồi nước lạnh để luộc chín.

Luộc gà phải chọn nồi sâu lòng, cho nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C (để hạn chế nước trong thịt gà không bị tiết ra nước, giữ độ ngọt của thịt gà), cho muối gừng hành đập dập, rồi cho gà vào luộc.

Nên đặt gà nằm sấp khi chín mới đẹp. Đậy vung đun lửa vừa, khi bắt đầu sôi, hạ nhiệt độ nước sôi nhẹ, cho tiết lòng vào luộc. Khi gà nổi lên, nước có nhiều váng béo, dùng tăm xiên thử vào đùi gà, thấy nước tiết ra không đỏ là gà đã chín.

Vớt ra nhúng gà vào nước nguội để da gà được giòn. Sau khi gà ráo nước thì xoa một chút mỡ gà lên da để trông con gà béo vàng mọng (để lâu da không bị co nhăn nheo).

Nên đặt gà hướng đầu vào tổ tiên

Trao đổi về cách bày gà cúng lên bàn thờ tổ tiên sao cho đúng, ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông – Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) từng trao đổi trên báo chí cho biết:

 “Với mâm cúng giao thừa nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ngài Tân niên hành khiển đi qua. Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu chầu”

"Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn. Còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì”, ông Hà Thanh cho biết thêm.

Sơn Khê (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI