5 năm tới, TP.HCM cần hơn 73.000 tỷ đồng để chống ngập và xử lý nước thải

09/08/2018 - 13:45

PNO - Để triển khai các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM cần tổng nhu cầu vốn là 73.411 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP là 16.388 tỷ và ngân sách Trung ương là 588 tỷ đồng.

Ngày 9/8, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải nhằm kêu gọi doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư.

Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, Đại sứ quán Hà Lan, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải.

5 nam toi, TP.HCM can hon 73.000 ty dong de chong ngap va xu ly nuoc thai
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đầu năm 2011, TP.HCM có 58 tuyến đường ngập, giai đoạn 2011-2015 phát sinh 31 tuyến mới. Đến cuối năm, xóa được 49 tuyến ngập, còn tồn tại 40 tuyến.

Về ngập do triều, đầu năm 2011 có 33 tuyến ngập, đến cuối năm 2015 xóa được 24 tuyến, còn lại 2 tuyến ngập nặng và 7 tuyến ngập nhẹ. Đặc biệt, khu vực trung tâm TP.HCM đã giải quyết được cơ bản tình trạng ngập nước.

Theo Trung tâm chống ngập, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn (trước 1975) cho quy mô hệ thống thoát nước thời điểm đó tương ứng với dân số khoảng 2 triệu người. Hiện nay, dân số của TP.HCM đã khoảng 10 triệu người, chưa kể khách vãng lai, tăng hơn quy hoạch trước đó gấp 5 lần nhưng hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời nên không đáp ứng được nhu cầu.

TP.HCM chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ biển Đông thông qua hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ Đông, 63% diện tích TP có độ cao tự nhiên dưới 1,5m nên sẽ bị ngập tại những vị trí thấp hơn đỉnh triều nếu không có biện pháp bảo vệ. Thời gian qua, do biến đổi khí hậu, tình trạng đỉnh triều vượt mức 1,5m tăng về tần suất khiến TP.HCM ngập càng nặng.

5 nam toi, TP.HCM can hon 73.000 ty dong de chong ngap va xu ly nuoc thai
TP.HCM cần hơn 73.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để triển khai các dự án chống ngập và xử lý nước thải

Theo quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM đến 2020, tần suất thiết kế thoát nước tương ứng với cơn mưa có vũ lượng trong 3 giờ liên tục là 95,91m (đối với kênh rạch), 85,36mm (cống cấp 2) và 75,88mm (đối với cống cấp 3).

Số lượng thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1962 – 2001, địa bàn TP.HCM chỉ xuất hiện 9 cơn mưa kéo dài trong 3 giờ với vũ lượng trên 100mm, trung bình mỗi 4 năm sẽ có một cơn mưa như thế. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2002 - 2010, TP.HCM xuất hiện đến 21 trận mưa có vũ lượng trên 100mm, trung bình 1 năm có 2,3 trận mưa.

Đặc biệt, trong 5 năm 2011 – 2016, TP.HCM có đến 20 trận mưa lớn kéo dài, trung bình 4 trận mưa có vũ lượng trên 100mm/năm, trong đó có những trận mưa chỉ kéo dài trong 1 giờ nhưng có vũ lượng đến 204mm. Từ đó, cho thấy theo thời gian thì mưa tăng cả tần suất lẫn vũ lượng nhưng hệ thống cống thoát nước không thể đáp ứng kịp.

50 năm nữa, phần lớn TP sẽ trở thành đầm lầy

TP.HCM đang bị sụt lún. Tính toán mỗi năm, mặt đất sụt lún 7 cm, mức độ sụt lún đang tăng nhanh mỗi năm. Đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là một vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với thành phố và người dân. Sự tồn tại của TP.HCM đang bị đe dọa.

Theo dự báo khoảng 50 năm nữa, một phần lớn TP sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy. Biến đổi khí hậu làm dâng mực nước biển. “Không nên chờ đợi nghiên cứu mà thay vào đó, chúng ta cần hành động ngay.

Đại diện Đại sứ quán Hà Lan

Thời gian qua, TP đã hoàn thành 106 dự án, đưa vào vận hành khoảng 329 km cống trục chính, từng bước giải quyết tình trạng ngập nước, xử lý nước thải cho vùng trung tâm TP với diện tích khoảng 100km2.

Năm 2016, TP cũng đã khởi công thực hiện dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 để giải quyết tình trạng ngập do triều cho lưu vực rộng 550 km, dân số khoảng 6,5 triệu người. Tuy nhiên, việc đầu tư đó chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, trong phạm vi 581,51 km (thuộc 6 vùng thoát nước) cần phải có 6.000 km cống các loại, đến nay hệ thống cống hiện có là 4.176 km, chỉ đạt khoảng 69,6%.

TP cần xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 3.076.000 m3/ngày đêm, đến nay chỉ hoàn thành được nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất 141.000 m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương công suất 131.000 m3/ngày đêm.

5 nam toi, TP.HCM can hon 73.000 ty dong de chong ngap va xu ly nuoc thai
Ngập nặng sau cơn mưa lớn

Mới thực hiện được khoảng 64km/149km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai. Như vậy, TP cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu vốn của TP.HCM trong việc chống ngập và xử lý nước thải lên đến 73.411 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách TP là 16.388 tỷ đồng, ngân sách trung ương 588 tỷ đồng. Số còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa là 20.283 tỷ đồng và vốn ODA là 36.152 tỷ đồng.

Các nhóm dự án TP.HCM kêu gọi đầu tư  

7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải gồm: lưu vực Tây Sài Gòn - 7.700 tỷ đồng; lưu vực Bình Tân – 9.804 tỷ đồng; lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm – 6.395 tỷ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1 – 5.544 tỷ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2 – 5.100 tỷ đồng; lưu vực Rạch Cầu Dừa – 5.000 tỷ đồng; lưu vực Tây Bắc 6.000 tỷ đồng.

6 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch gồm: Xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Chợ Đệm: 8.825 tỷ đồng; Xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm: 1.097 tỷ đồng; Nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào: 522 tỷ đồng; Nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé: 1.250 tỷ đồng; Cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình: 6.184 tỷ đồng.

3 dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP.HCM gồm: Cống kiểm soát triều sông Kinh: 1.200 tỷ đồng; Cống kiểm soát triều rạch Tra: 11.122 tỷ đồng; Đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại: 3.400 tỷ đồng.

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI