12 chữ 'vàng' cho năm 2019

28/12/2018 - 18:55

PNO - Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai một chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị, cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, ra sức phấn đấu, khẩn trương tập trung ưu tiên vào những nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

12 chu 'vang' cho nam 2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại hội nghị. 

"Muốn thế, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong việc tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc văn bản được ban hành có nội dung không rõ ràng, thiếu chuẩn xác; tệ nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, xây dựng, bảo vệ môi trường, tiếp cận thị trường, các nguồn lực và các dự án đầu tư...", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  yêu cầu phát triển đồng bộ và lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thị trường các yếu tố sản xuất như: thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản, thị trường điện… để bảo đảm cung cầu trên thị trường và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối thu chi ngân sách nhà nước, vay trả nợ nước ngoài, giữ vững an ninh, an toàn kinh tế - tài chính - tiền tệ quốc gia.

12 chu 'vang' cho nam 2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.

Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án đầu tư chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; nâng cao chất lượng, tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển…

Không đánh đổi giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai một chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Thủ tướng nêu rõ: chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. 

12 chu 'vang' cho nam 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước ĐBSCL.

Theo Thủ tướng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số. Đất nước không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà sẽ đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Việt Nam thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo 3 nhóm vấn đề năm 2019

Trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

12 chu 'vang' cho nam 2019
 

Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Ví dụ, riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay có thể đem lại kim ngạch tới gần 10 tỷ USD. Đây là lĩnh vực Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất toàn cầu…

“Mặc dù những con số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nêu rõ. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.

12 chu 'vang' cho nam 2019
 

Chính phủ dự kiến GDP năm 2019 tăng 6,8% và lạm phát vẫn dưới 4%.

Kịch bản tăng trưởng năm 2019 được Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ  nêu tại dự thảo Nghị quyết 01, đưa ra mục tiêu GDP tăng 6,8%, cao hơn ngưỡng 6,6-6,8% Quốc hội đưa ra cuối tháng 11. Lạm phát năm 2019 dưới 4%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những giải pháp hàng đầu là "củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế".

Chính phủ tiếp tục nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Việc điều hành lãi suất, tỷ giá cũng sẽ theo hướng linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý.

Một trong những nội dung điều hành chính sách tiền tệ quan trọng khác, là tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Chính phủ cũng sẽ đưa ra giải pháp tín dụng chính thức phù hợp đáp ứng nhu cầu của người dân và thay thế tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.

12 chu 'vang' cho nam 2019
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Kỷ luật tài chính - ngân sách cũng sẽ tiếp tục được siết chặt, nhằm đưa nợ công về 61,3% GDP, nợ Chính phủ 52,2% GDP và nợ nước ngoài quốc gia dưới 49% GDP vào cuối năm 2019.

Cùng đó, chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... sẽ được triển khai thông qua việc rà soát, hoàn thiện thể chế và đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm.

Chính phủ cũng sẽ tập trung cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; khơi thông thể chế để tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với nợ xấu, Chính phủ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 5%.

Thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), hay kết nối ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng... sẽ được nghiên cứu đẩy mạnh trong năm tới.

                                                                                                Mai Phan
Ảnh: Quang Hiếu

 
TIN MỚI