Nương nhau mà sống

01/04/2017 - 14:28

PNO - Suy cho cùng, nền văn minh nào cũng là hướng đến con người, vì con người…

Tôi vẫn thường mua báo ở góc đường quen. Ngày trước, ở những quầy báo lớn muốn mua đầu báo nào cũng có. Nhưng một sáng đi ngang giật mình khi những quầy hàng đã vắng. Góc đường chỉ còn một mâm báo nhỏ. Người bán cũng chỉ chọn bán những tờ báo quen thuộc với bạn đọc.

Ừ thì vỉa hè đã thông thoáng, mà sao lòng tôi thấy xót điều gì. Biết là bà phải dọn sạp trả vỉa hè, tôi vẫn hỏi thăm. Bà cười bảo: “Gọn nhẹ như vầy khi bị dẹp vỉa hè mình bưng chạy cho dễ!”. Hôm trước tôi cũng nghe một chị bán bánh mì nói bây giờ bán hàng lúc nào cũng phải tranh thủ chạy, vừa bán vừa lo. 

Nuong nhau ma song
 

Tôi đã bao lần nhìn thấy cảnh “bưng chạy” - từ khi còn chưa có chương trình “trả lại vỉa hè” cho người đi bộ. Tôi từng chảy nước mắt khi thấy bà cụ già cố giành lại mẹt chanh ớt, năn nỉ đến khản giọng để giữ được chỗ hàng ít ỏi - mà biết đâu đó lại là cả một nguồn mưu sinh. Tôi từng đứng thẫn thờ nhìn chị hàng bông ngồi bần thần khi cả gánh hàng bị mang đi mất. Tôi thấy những giọt nước mắt bất lực của người nghèo.

Những người thực thi nhiệm vụ đang làm đúng vai trò, nhưng có những cuộc-chấp-hành-nghẹn-ngào vẫn khiến người ta thắt lòng. Hôm trước, tôi xem một clip phỏng vấn ngắn người bán hàng bún trên vỉa hè. Bà trả lời hết sức tự nhiên: “Bị đuổi thì mình vui vẻ mà chạy, họ cũng đang làm nhiệm vụ của họ, mình lo phần mình. Cứ nương nhau mà sống vậy, chứ giờ tụi tui biết làm sao?”. 

Câu nói “nương nhau mà sống” sao mà nghe thương quá. Người nghèo, trong những cuộc mưu sinh buốt mặt này, họ cũng biết họ không đúng, nhưng đành phải cố gắng “lách” theo cách đơn giản nhất. Có lẽ chẳng có thành phố lớn nào trên thế giới mà có nhiều hàng rong, buôn bán vỉa hè như ở TP.HCM. Bởi vì người nghèo của Việt Nam còn nhiều lắm.

Họ từ tứ xứ đổ về đây, sống nương nhờ vào mảnh “đất lành chim đậu”. Họ tựa vào những ân tình bao dung của đất và người nơi thành phố hơn 300 năm này. Có những con đường mà tôi biết, bao năm đã trở thành nơi trú nắng trú mưa cho những người cùng khổ. Họ sống luôn trên vỉa hè ấy. Ai mà không muốn có một mái nhà, một nơi chốn thuộc về để an cư lạc nghiệp. Nhưng người nghèo phải gồng gánh vất vả cơ hàn, vì đâu dễ mà có những lựa chọn khác hơn…

Công cuộc giành lại vỉa hè được nhân dân ủng hộ nhiệt liệt. Tôi cũng vui nhìn thành phố thông thoáng hẳn. “Hòn ngọc viễn Đông”, “thành phố đáng sống”, “đô thị văn minh” - những khái niệm này không thể được dành cho mảnh đất bề bộn bán buôn, vỉa hè chật hẹp. Nhưng mà, nghĩ cho người nghèo trong thành phố, cũng là nghĩ cho tương lai của những thế hệ tiếp sau.

Phía sau những cuộc mưu sinh vỉa hè ấy, là cả trời tương lai của những đứa trẻ nghèo. Có bao nhiêu người thành đạt bây giờ, trở thành ông này bà kia, doanh nhân kỹ sư bác sĩ đã từng lớn lên nhờ những hàng gánh vỉa hè ngày xưa của bà, của mẹ. Chắc chắn là nhiều lắm. 

Tôi và có lẽ bao người cũng sẽ thấy nhẹ lòng hơn khi nghe phát biểu của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến: “Về lâu dài, vỉa hè phải dành cho giao thông nhưng trước mắt, 24 quận, huyện phải tính toán, sắp xếp để ổn định cuộc sống người dân, nhất là những người đang mưu sinh trên vỉa hè, tránh trường hợp con em người nghèo phải bỏ học, thất nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật vì không có kế mưu sinh”.

Cuộc cách mạng nào cũng sẽ phải chấp nhận những phần được mất. Phải phá bỏ cái cũ để kiến tạo xây mới. Nhưng nghĩ cho người nghèo cũng là nghĩ cho tương lai của một thế hệ. Chiến dịch “đòi lại vỉa hè” vẫn đang tiếp tục.

Nhưng thành phố “cho kinh doanh vỉa hè tạm thời, có trật tự” và những đề án kinh doanh thí điểm trên vỉa hè, mở chợ phiên hàng rong bến Bạch Đằng có thể cho người nghèo an tâm hơn. Những tầm nhìn nhân văn sẽ mở đường cho những phát triển cân bằng, công bằng, đạt lý thấu tình... 

Suy cho cùng, nền văn minh nào cũng là hướng đến con người, vì con người…

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI