Đàn bà yêu nước

20/05/2014 - 08:13

PNO - PN - Những ngày này, tòa soạn Báo Phụ Nữ tiếp nhận nhiều cuộc gọi mà không khỏi bùi ngùi. Một bà cụ dặn nhớ đợi đến cuối chiều, đừng về sớm (vì tưởng báo làm theo giờ hành chính) để dắt cháu nội đến. Cháu muốn đập...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị nội trợ thu vén bớt tiền ăn của gia đình, bà giáo già bớt một phần lương hưu còm cõi, chị bán rau gom những đồng tiền lẻ mặn mồ hôi của mấy ngày ngồi chợ - để gửi bồi dưỡng các anh kiểm ngư bị thương, gửi vợ chiến sĩ cảnh sát biển đang nuôi con nhỏ... Những tấm lòng vô danh như thế nhiều không kể xiết, họ hướng ra biển đảo theo cách riêng rất lặng lẽ của mình.

Ngày “Chủ Nhật Đỏ” 11/5, trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc, trong đoàn tuần hành phản đối giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981), tôi nhìn thấy chị Y. - một người phụ nữ "quyền lực" của giới bất động sản Hà Nội bên cạnh các em nữ sinh viên mặc áo xanh tình nguyện, cầm cờ cùng mấy chị tiểu thương chợ Hàng Da. Và cả những bà lão ở câu lạc bộ dưỡng sinh nào đó, nghiêm ngắn đồng phục lụa trắng - biểu ngữ - cờ đỏ, đi dưới cái nắng trưa gần 400C. Nhà giáo già Nguyễn Thượng Long xúc động bảo tôi: “Bạn nhìn quanh chúng ta xem! Khi Tổ quốc bị thử thách, chúng ta nhận ra tình yêu đất nước vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của mọi người”. Vâng, yêu nước không phải tình cảm độc quyền của riêng ai, ai cũng có quyền yêu nước theo cách của họ.

Dan ba yeu nuoc
Mẹ con chị Lương Thị Mai (phải), TP.HCM, trao 42 triệu đồng ủng hộ chương trình
"Hướng về biển đảo thiêng liêng" do Báo Phụ Nữ tổ chức

Như người mẹ ở Thái Bình, ôm chặt cánh tay cậu con trai 20 tuổi lên đường gia nhập lực lượng hải quân. Người mẹ mắt nhòa lệ, nhưng lời dặn dò (tỏ ra) cứng cỏi: “Con yên tâm trông chừng biển ngoài đó, đừng lo bố mẹ và các em ở nhà!”. Như người mẹ ở Hà Nội, chat trên Facebook với con trai đang du học ở Mỹ, đã òa khóc khi con trai nhắn: “Nếu đất nước có sự gì, con sẽ về Việt Nam để cầm súng!”.

Như chị kia đi siêu thị, thay vì nâng lên đặt xuống xem cùng một mặt hàng cái nào rẻ hơn, đã đổi cách chọn, cẩn thận xem nhãn mác để tránh chọn phải hàng “Made in China”. Lúc ra quầy thu ngân, chị nhờ cô nhân viên chuyển lời đến ban giám đốc siêu thị “Xin đừng nhập hàng Trung Quốc nữa, dù là lợi nhuận cao! Hãy đồng hành cùng người tiêu dùng chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam”.

Như cô giáo dạy tiếng Việt ở Berlin, đang soạn gấp giáo án đưa hình ảnh về hải đảo của Việt Nam, những người chiến sĩ canh giữ biển vào các bài giảng của mình, để những trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước Đức xa xôi hiểu Tổ quốc còn có biển đảo, có Trường Sa và Hoàng Sa. Như những người phụ nữ đang bảo nhau: “Hãy cố gắng làm tốt nhất chức phận của mình. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, trách nhiệm với công việc xã hội, giữ cho gia đình đầm ấm và ổn định. Nếu thấy xung quanh có ai hẩm hiu đau khổ hơn mình thì cố gắng chia sẻ, giúp đỡ. Dạy con và luôn nhắc nhở bản thân mình đừng ích kỷ, tránh vụ lợi, không vô cảm. Làm một công dân lương thiện và tử tế, cũng là yêu nước”.

Đàn bà yêu nước bằng lý lẽ đơn giản và đôi khi tưởng như bé mọn, nhưng cuộc sống luôn được đan dệt bằng những điều bình thường như thế. Cô bạn gái của tôi vừa chia sẻ tâm trạng trên Facebook: “Tôi ghét chiến tranh. Vì nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẽ không còn được chở bố đi ăn sáng vào những ngày cuối tuần, không được chờ con sau giờ tan học. Vợ chồng thậm chí chia lìa nhau. Vì thế, tôi mong đất nước Việt Nam luôn bình yên để vợ được ở bên chồng, con cái được quây quần cùng bố mẹ. Chỉ đơn giản thế thôi!”.

 Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI