Chuyển canh tác, thay đổi cuộc đời

15/04/2014 - 13:24

PNO - PN - Trước đây, nhắc đến Củ Chi, người ta nhớ ngay đến rẫy khoai mì, đậu phộng; nói đến Cần Giờ, người ta nghĩ đến ruộng muối, con tôm; Bình Chánh thì nông trường mía… nhưng hôm nay, cây trồng, vật nuôi ở những vùng này phong...

edf40wrjww2tblPage:Content

HIỆU QUẢ NHỜ GIỐNG MỚI, KỸ THUẬT MỚI

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa, huyện Cần Giờ: “Trồng trọt thì có mãng cầu, xoài cát và những loại hoa màu mới. Nuôi trồng thủy sản cùng với tôm có thêm cua, hàu. Nhờ đó nhiều hộ vượt nghèo và làm giàu. Chủ trương của địa phương là đa dạng về cây giống, con giống chứ không độc canh, chuyên canh một loại nào”.

Chúng tôi được đi thăm những trại nuôi hàu trên địa bàn xã Long Hòa. Xen giữa những kênh rạch chằng chịt cây đước, cây mắm, dưới dòng nước xanh là hàng ngàn dãy phao nông dân thả hàu giống. Anh Nguyễn Văn Còn, chủ trại hàu lớn nhất nhì ở ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa hồ hởi kể: “Cách đây bốn năm, khi xã vận động người dân chuyển cây trồng, vật nuôi là lúc phong trào nuôi hàu ở Cần Giờ đang nhen nhóm. Tôi bàn với vợ thử nuôi hàu. Lứa hàu đầu tiên, sản lượng cao nhưng chưa đạt chất lượng. Vợ tôi mang hàu ra chợ Cần Thạnh bán, bị khách chê hàu đen, nhìn chưa đẹp mắt. Tôi quyết tâm phải tìm cho ra bí quyết có được con hàu đẹp”.

Biết ở xã có tổ chức lớp khuyến nông về kỹ thuật nuôi hàu, anh Còn liền đăng ký tham gia. Theo học mới biết, hóa ra nuôi hàu, cũng như nuôi bất kỳ con vật gì, nếu điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, kết quả sẽ không như ý. Qua lớp tập huấn này, anh phát hiện sai lầm của mình là chưa thật sự chú trọng môi trường sống của loài vật này. “Mấy lứa hàu sau đều chất lượng tốt, năng suất tăng gần gấp đôi” - anh Còn kể.

Chuyen canh tac, thay doi cuoc doi

Anh Còn, chị Sương thu hoạch hàu

Nuôi hàu thành công, anh Còn chia sẻ kinh nghiệm để anh chị em trong nhà cùng gầy dựng hàng chục hecta hàu. Hiện, những vuông hàu của vợ chồng anh đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức lương trung bình bốn triệu đồng/tháng.

Nói về trồng lan, ông Nguyễn Văn Xuân, 63 tuổi, ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cười sảng khoái: “Thiệt may. Trước đây tôi làm tài xế, nghỉ nghề, chưa biết làm gì để mưu sinh liền được bạn bè bày vẽ trồng lan. Tôi gom hết vốn liếng đầu tư một ngàn gốc, trầy trật, khó khăn, thu hoạch thất bát do trồng giống hoa cũ. Khi Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn, con trai của tôi theo học và bắt tay gầy dựng lại. Nó đi vay tiền trồng hoa, tôi như đứng ngồi trên đống lửa… Phải thừa nhận, kỹ thuật mới thật hiệu quả, hoa trúng mùa, được giá. Nhờ hệ thống tưới mới, mỗi ngày bật máy mất chừng 30 phút đã tưới xong cả khu vườn hơn 3.000m2”.

Chuyen canh tac, thay doi cuoc doi

Anh  Trần Văn Thà hồ hởi với mô hình trồng lan mokara

Lão nông Nguyễn Bá Ân, 81 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi so sánh đơn giản: “Vợ chồng con gái út của tôi nuôi dế, chỉ 30 ngày sau là có dế thành phẩm xuất chuồng. Một ngày chỉ mất khoảng hai tiếng cho 100 chuồng dế, sáng chiều hai lượt phun nước cho dế uống, bỏ cám cho dế ăn. Nhẹ nhàng mà hiệu quả. Trong khi trước đây vợ chồng tôi trồng rau, từ bốn-năm giờ phải dậy tưới nước, bón phân; mà rầy nâu, sâu bệnh, rồi mưa nắng thất thường; một cây cải mất ròng hơn tháng rưỡi mới thu hoạch nhưng lúc lỗ lúc huề vốn, ít khi có lời”. Giờ các con trai của ông Ân đều nuôi bò sữa, trùn quế với quy trình khép kín. Mỗi tháng, trại dế của chị Nguyễn Thị Hương (con gái út) mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Nhiều nông dân ở Củ Chi đều cho rằng, nhờ có mô hình nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp được đầu tư nhiều, giám sát chặt chẽ hơn. Anh Trần Văn Thà, ngụ ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi từng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Khi về nước, có chút vốn, nhưng vợ chồng anh không biết đầu tư vào đâu. Anh tâm sự với người bạn là trạm trưởng trạm khuyến nông của huyện, và được khuyên đầu tư trồng lan. Anh Thà nhớ lại: “Hồi đầu tôi cũng ngại ngần. Nhưng rồi anh bạn thuyết phục, giới thiệu tôi tham dự nhiều buổi tập huấn, đưa đi tham quan mấy mô hình trồng lan bên ấp Mỹ Khánh A. Vậy là vợ chồng bắt tay vô”. Ba năm nay, vườn lan của anh cho thu nhập khá.

Ông Trương Văn Phương, Chủ nhiệm CLB Hoa sứ huyện Bình Chánh tâm sự: “Làm nông cực khổ, vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng từ lúc tôi chuyển từ vườn cây ăn trái sang mô hình trồng hoa sứ, mọi sự đỡ hơn rất nhiều. Loài cây mới không đòi hỏi nhiều phân bón, lại có khả năng chịu hạn hay thời tiết khắc nghiệt… Cây lại có hoa đẹp, vừa làm việc để thoát khó khăn, người dân theo nghề trồng sứ còn có thể thư giãn trong chính khu vườn của mình”.

Chuyen canh tac, thay doi cuoc doi

Chị Nguyễn Thị Hương đang chăm sóc dế

CHUYỂN ĐỔI, CHUYỆN KHÔNG ĐƠN GIẢN

Theo đề án xây dựng nông thôn mới của TP.HCM, đến năm 2015, thu nhập bình quân người/năm của vùng nông thôn mới so với mức bình quân chung của khu vực nông thôn TP.HCM sẽ tăng 1,5 lần. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn vào khoảng 4.500 USD, bằng khoảng 75% bình quân toàn thành phố. Theo đó, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; trong cơ cấu kinh tế thành phố đến 2015, tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp chiếm 1%. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2011-2020 tăng trên 4%/năm; trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng trên 5%/năm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm và năm 2020 là 300 triệu đồng/ha/năm.

Để đạt được chỉ tiêu này không hề đơn giản, đặc biệt là vấn đề khuyến nông. Anh Trần Văn Thà nhận xét: “Cán bộ khuyến nông từ xã đến huyện đều nhiệt tình với nông dân. Việc gì khó khăn, hỏi là được chỉ tận tường… Tuy nhiên, không phải ai cũng tin. Nhiều người dân còn tâm lý ngại gần cán bộ kỹ thuật”.

Cùng với điện, đường, trường, trạm, an ninh trật tự, nhà ở cho dân… việc đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi góp phần quan trọng vào việc xây dựng các tiêu chí khác như dạy nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh… ở những địa bàn nông thôn mới. Một bài học lớn từ những xã được công nhận mô hình xây dựng nông thôn mới như xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; xã Thái Mỹ, Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh… là việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi cần kiên trì, bền bỉ.

Ông Ngô Hồng Phong - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ khẳng định: “Chính sự khéo léo trong vận động, tâm huyết trong công việc cùng kỹ năng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ khuyến nông mà việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng mới có thể thành công và phát triển bền vững. Có nhiều giống vật nuôi, cây trồng mới phát huy hiệu quả ở Hóc Môn, Bình Chánh, nhưng về Thái Mỹ không phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu… Cán bộ khuyến nông phải phát hiện sớm để giúp nông dân không bị thua lỗ, thất bại. Tuy vậy, không dễ thay đổi quan điểm hay lựa chọn của người dân. Đặc biệt là với những lão nông vốn dày kinh nghiệm”.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI