Cộng khổ

24/08/2013 - 09:09

PNO - PN - “Yêu thương, kết hôn, chung sống, chưa đủ nói lên hết ý nghĩa của hai tiếng “vợ chồng”. Vợ chồng còn là hạnh phúc cùng hưởng, đau khổ đồng chia. Xác định vậy để không bao giờ có ý nghĩ còn yên vui, sung sướng thì...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cong kho

Bà Xuân chăm sóc chồng

 Trống

Đường ruộng lầy, hẹp, không vào được tận ngõ, dựng chiếc xe trên bờ ruộng phẳng, ông Lưu Hoàng Lâm - trưởng ấp 3, chỉ tay về phía căn nhà cách khoảng một cây số, nằm lẻ loi giữa cánh đồng mông quạnh: “Xa là vậy, nhưng đêm nào tiếng rên la của ảnh vẫn vọng về phía xóm. Có người cảm thông, có người khó chịu do bị mất giấc ngủ, chỉ vợ con ảnh mới sống được với âm thanh đó ngày này qua tháng nọ”. “Ảnh” là ông Nguyễn Văn Dấu - 56 tuổi, chồng bà Xuân. Cách đây mấy năm, sau một cơn tai biến, ông Dấu rơi vào trạng thái sống thực vật; dấu hiệu duy nhất cho thấy ông đang tồn tại là tiếng kêu do đau nhức cùng đôi mắt mở trừng, ráo hoảnh.

Căn nhà dựng tạm bằng những miếng gỗ vụn, tứ bề gió tạt. Chỗ ông Dấu nằm, dù được bà Xuân “kiên cố” bằng mấy vạt áo mưa, bao ni lông, vẫn có cảm giác không đủ ấm cho một người bệnh trước cái lạnh của cánh đồng hun hút gió. Đưa bàn tay kéo tấm chăn che ngang ngực chồng, bà Xuân xa xăm: “Hồi trẻ, chồng tôi cũng… huy hoàng lắm, từng là hiệu trưởng một trường cấp II, được mời dạy ở trường bổ túc văn hóa huyện Đức Hòa”. Rồi bà chùng giọng: “Mọi sự đều do mê… cây lúa!”. Năm 1991, ông Dấu nghỉ dạy, về mua hai mẫu ruộng, dựng căn nhà gỗ ngay mép ruộng, đánh cược đời mình cho đam mê trồng lúa. Trưởng ấp Lâm gật gù trước lời kể của bà Xuân: “Khác với người ta, ruộng của ảnh không bao giờ xịt thuốc diệt cỏ hay can thiệp máy móc. Tự tay ảnh làm hết, quanh năm suốt tháng dầm mình với lúa, một chiếc lá úa hay cọng cỏ vừa lú lên là ảnh phát hiện, nhổ sạch”.

“Một đêm, ông ấy ra sân nằm giữ lúa; đến sáng, chỉ có đầu óc tỉnh táo cùng với tiếng ú ớ báo hiệu, còn toàn thân bất động” - bà Xuân nhớ lại. Căn nhà vốn lẻ loi giữa đồng vắng, càng buồn tẻ hơn bởi không còn bước chân vào ra, những lời huyên thuyên, thể hiện tình yêu cây lúa của ông. Khoảng trống mỗi ngày một toang hoác hơn trong lòng bà Xuân, khi niềm tin chồng sẽ bình phục cứ teo tóp dần theo những lần đưa ông Dấu đi chữa trị. Bởi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu bất lực.

Cong kho

Bà Xuân chăm sóc chồng

Đầy

“Giờ hết hy vọng rồi, nhưng nghe ai mách ở đâu có thuốc hay là tôi tìm đến ngay, ít ra cũng giúp ông ấy bớt đau nhức” - vừa nói, bà Xuân vừa chỉ mấy chai rượu thuốc để sẵn trên đầu giường ông Dấu, rảnh lúc nào là bà mang ra xoa bóp cho chồng. Nằm bất động, nhưng nhận thức tỉnh táo nên cuộc nói chuyện giữa chúng tôi khiến ông Dấu bất ngờ khóc to. Bà Xuân dỗ: “Nín. Nín, ngủ đi ông. Có gì đâu mà khóc”. Nguyễn Huỳnh Đức - cậu con trai duy nhất của ông bà, vừa thi đỗ Trường ĐH Bách Khoa, rưng rưng: “Hồi đó ba luôn động viên em ráng học; hứa bằng mọi giá, ngày em lên thành phố thi đại học, ba sẽ dẫn đi. Hôm chuẩn bị đi thi, em nhìn ba, hỏi: “Ba hứa, sao ba còn nằm đây, không chịu dậy? Ai đưa con đi?”. Từ lúc nằm xuống, đó là lần duy nhất ba khóc rất to”.

Tình yêu của bà Xuân dành cho chồng, theo lời trưởng ấp Lâm, đã khiến nhiều người thán phục: “Miếng ngon chị nhường hết cho chồng, miếng dở mình ăn. Ảnh nằm vậy mà thịt da hồng hào. Nhiều người trong xóm kinh hãi tiếng gào thét của ảnh, chỉ chị là chịu đựng nổi”. Gương mặt mệt mỏi, sạm đen - hậu quả của tháng ngày mất ngủ liên miên, bà Xuân nhìn chồng trìu mến, nói nhẹ bâng: “Hoạn nạn, đau khổ cũng là một phần của hôn nhân, phải đồng hành với nhau chứ. Vợ chồng đâu phải lúc nào cũng hạnh phúc, yên vui”. Từ lâu, người trong xóm đã không còn lạ cảnh bà Xuân cõng chồng đi chữa bệnh. Đường ruộng lầy, hẹp, từ nhà ra lộ hơn cây số, bà cõng chồng lên lưng mình, lếch thếch bước đi. Tầm năm, bảy mét, bà để chồng ngồi xuống, quay lại lấy giỏ đồ. Đi thêm mười, mười lăm mét, bà ném giỏ đồ xuống đất, quay lại cõng chồng. Cõng xa hơn chỗ đặt giỏ đồ một đoạn, bà lại để chồng ngồi xuống quay lại xách giỏ. Cứ thế…

Ông Dấu là con duy nhất trong gia đình. Từ ngày cha mất, mẹ ông bất ngờ đổ bệnh tâm thần, suốt ngày đi lang thang. Thời gian đầu chồng bệnh, bà Xuân còn thăm hỏi, kiếm tìm; giờ thì bà đã không còn thời gian, sức lực để chạy theo những cơn điên loạn của mẹ chồng. Bất ngờ chảy nước mắt, bà Xuân nói: “Mẹ bệnh, nhưng trong lòng rất thương con trai. Nhiều lần, trong khoảnh khắc tỉnh táo, đang lang thang, bà như sực tỉnh, níu áo người qua đường, rành rọt nhờ dẫn về gặp con. Vậy mà, vừa thấy con trai, bà đứng cười: “Ba, ba khỏe không ba?”. Hỏi xong, bà lật đật túm giỏ đồ quày quả theo chân người đưa về”. Xót xa, nhưng bà Xuân chỉ biết đứng nhìn theo mẹ chồng khuất dần giữa cánh đồng bạt gió. Bà không dám đuổi theo, từ sau cái hôm vừa tiễn mẹ một đoạn, bà trở về, thấy chồng sõng soài dưới đất. “Ổng gào thét, gồng mình lên vì muốn níu chân mẹ ở lại” - bà Xuân giải thích.

Một mẫu ruộng đã bán để chạy chữa cho chồng, còn lại, bà Xuân nói để dành lo cho con trai học đại học. Điều bà lo nhất là sợ mình không đủ sức khỏe để vừa làm việc vừa chăm nom chồng. “Nếu trước, ổng vì đam mê mà không cho bất cứ sản phẩm, dụng cụ nào hỗ trợ sản xuất thì nay, để tiết kiệm chi phí, tôi cũng học chồng, lấy công làm lời” - bà Xuân cho biết. Một mình hì hục gieo sạ, cấy, cắt lúa rồi cứ dăm ba tiếng là bỏ ngang, chạy vội về nhà đút cho chồng muỗng cơm, miếng nước. Có con trai phụ giúp nhưng bà chỉ muốn tự tay chăm sóc chồng. “Mẹ thương ba lắm, không muốn ai thay mình lo lắng cho ba. Sức mạnh của mẹ, ngoài trách nhiệm, còn là tình yêu được vun đắp. Nó đủ mạnh để không rời bỏ nhau lúc ngặt nghèo” - Đức khẳng định.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI