Trẻ hung hăng cũng bị tổn thương

26/12/2017 - 10:27

PNO - Không chỉ trẻ thường xuyên bị bắt nạt, ăn hiếp mới tổn thương tâm lý, mà cả những đứa trẻ hung hăng, hay gây hấn cũng khổ sở không kém.

Khi con là người gây hấn

Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc một đứa trẻ giải quyết vấn đề bằng bạo lực cho thấy sức khỏe tâm thần của bé đang gặp vấn đề. Cha mẹ cần nhận biết, tạo cơ hội trò chuyện với trẻ và nhà trường, nơi trẻ dành phần lớn thời gian để tương tác, tạo dựng các mối quan hệ.

Tre hung hang cung bi ton thuong
Trẻ thường có khuynh hướng nói ra những khó khăn mình gặp phải nếu biết chắc chắn mình được nghe với thái độ cảm thông

Theo nghiên cứu, trẻ tuổi mẫu giáo hoặc ở năm học đầu cấp thường cần hỗ trợ vì giai đoạn này bé rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường. Trẻ có thể về nhà với lời phàn nàn của thầy cô rằng hôm nay bé đánh bạn, nhưng khi bạn hỏi vì sao làm thế, hầu hết trẻ sẽ có câu trả lời giống nhau: “Con không biết”. 

Bác sĩ nhi khoa Russell Horton (Arizona, Mỹ) cho biết việc một đứa trẻ có những phản ứng mạnh mẽ, thậm chí là kiếm chuyện cũng dễ hiểu, nhất là với giai đoạn trẻ thay đổi điều gì đấy.

Đó có thể là: trẻ không được học cùng bạn thân nữa, trẻ không thích giáo viên của mình, trẻ cảm thấy bản thân khó thích nghi với sự thay đổi, không thoải mái với môi trường mới… Xét về giới tính, bé trai thường có xu hướng hung hăng hơn bé gái nếu từ nhỏ các em quen với những trò mạnh bạo hoặc có xu hướng thích mạo hiểm. Nói chung, trẻ ở lứa tuổi này không biết đâu là giới hạn cho những hành vi của mình. 

Cẩn thận với việc “dán nhãn”

Chính vì trẻ không thể hoàn toàn nhận thức với những giới hạn nên cha mẹ càng phải cẩn thận khi gán một đặc điểm nào đó trở thành tính cách của con. Chuyên gia McPherson, người đồng sáng lập chương trình chống bắt nạt học đường Be The One ở Mỹ cho biết, đứa trẻ tiếp thu việc “dán nhãn” rất nhanh. Khi bị gọi là đứa trẻ tồi tệ hoặc đứa trẻ hung hăng, bé càng có khuynh hướng lặp lại hành vi ấy.

Tre hung hang cung bi ton thuong
Ảnh minh họa

Theo McPherson, cách duy nhất để giúp con là hãy đối thoại để trẻ nhận biết được những việc mình làm là không phù hợp. Cô đã phát triển chương trình Be The One với các tiết học ngoại khóa xây dựng tính cách, khơi gợi trong trẻ khả năng nhận diện hành vi tiêu cực lẫn tích cực.

Từ đó, trẻ sẽ có chọn lựa của mình thay vì chối bỏ, né tránh những điều bé đang đối diện. Theo McPherson, đứa trẻ nào cũng cần sự chú ý, liên kết để được thấu hiểu cho đến khi chúng hoàn toàn tự tin ở môi trường mới. Nhà trường và cha mẹ cần đào sâu tìm hiểu đâu là vấn đề trẻ gặp phải và giúp bé tháo gỡ.

 Đó không phải là “bệnh” lâu dài

Đôi khi trẻ không biết vì sao mình có hành động vô lý với bạn. Bác sĩ Horton gợi ý cha mẹ cần xem lại sinh hoạt hằng ngày của con. Đôi khi, cách kháng cự, tỏ thái độ với điều mình không thích hoặc thể hiện sự bối rối bằng hành vi bạo lực của cha mẹ vô tình tạo cho con một hình mẫu mà không ai nhận ra. 

Theo chuyên gia McPherson, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc cho trẻ tiếp xúc sớm và quá nhiều với thiết bị điện tử khiến bé không có nhiều thời gian trò chuyện, đối thoại, là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ cáu gắt. 

Trừng phạt khi trẻ có thái độ bạo lực, hung hăng không giải quyết được vấn đề, chỉ càng khiến bé kháng cự bằng thái độ chai lì hoặc bỏ mặc mà không giúp con vượt qua những vấn đề đang tồn tại. 

Chuyên gia McPherson cho rằng luôn có lý do phía sau từng thái độ, cô đưa ra những câu hỏi cơ bản mà cha mẹ có thể dựa vào đó tìm hiểu câu chuyện thật sự đang diễn ra trong con: chuyện gì đã xảy ra? Chuyện xảy ra lúc nào? Bao lâu lại xảy ra? Ai liên quan? Ai chứng kiến, chuyện được giải quyết tại thời điểm ấy như thế nào? 

Đây chỉ là những thông tin ban đầu. Cha mẹ cần tìm hiểu thêm lúc ấy tâm trạng, tình trạng sức khỏe con như thế nào, có chuyện gì làm con cáu gắt hay không. Quan trọng là trẻ cần được lắng nghe hơn răn đe, bé thường có khuynh hướng nói ra những khó khăn mình gặp phải nếu biết chắc chắn mình được nghe với thái độ cảm thông. 

Thiên Như (theo First For Women)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI