Nơi chôn nhau cắt rốn sao nỡ lìa xa

17/04/2017 - 10:09

PNO - Là những người sống bằng hoài niệm, không nỡ vứt bỏ những đồ dùng cũ, nên căn nhà nhỏ của ông bà chật kín các đồ dùng “cổ”.

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Sơn và bà Đỗ Thị Cúc (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) được nhiều người biết nhờ hàng chè bưởi nức tiếng. Kinh tế gia đình ổn định, các con đều thành đạt nhưng lúc nào cả hai cũng đầu tắt mặt tối.

Nhiều người thắc mắc: “Ông bà lớn tuổi rồi, làm mãi chi cho cực?”, ông bà chỉ đáp nhẹ tênh: “Quen rồi…”. Ngày mới từ Sài Gòn về đây lập nghiệp, dù là vùng đất bạt ngàn đồn điền cao su và điều, nhưng thay vì làm nông như bao người, ông bà lại chọn việc kinh doanh. Bà Cúc nấu ăn ngon, lại học được công thức nấu chè đặc biệt từ người chị chồng nên mở quán chè bưởi tại nhà, đến nay đã hơn 30 năm. 

Noi chon nhau cat ron sao no lia xa
Thương hiệu chè bưởi của quán không tên (phía trên là menu có một không hai do ông Sơn tự làm)

Nấu chè bưởi phải qua nhiều công đoạn nhưng làm quen nên ông bà không còn thấy cực nữa. Khi không có khách, ông bà cũng chẳng chịu ngồi yên bởi “tánh thích lao động”. Bà loay hoay ngoài vườn với mớ rau củ gieo trồng từng đợt, ăn ít nên chỉ là “trồng cho vui”.

Ông thì cả ngày cặm cụi sửa chữa đồ trong nhà, tái chế đồ cũ thành đồ mới, làm hoài không xong vì “tánh ưa mày mò, sáng chế”, thích tự tay làm mọi vật dụng đơn giản trong nhà, thậm chí cái bếp đang dùng cũng một tay ông lát gạch, ốp tường, làm từ A-Z.

Ông thông thạo những việc này phần vì khéo tay, phần vì khi kinh tế còn khó khăn, mọi việc đều phải tự làm. Quán chè, quán karaoke, tiệm game ngày xưa ông mở ra đều do chính tay ông thiết kế, trang trí, nên độc đáo và khác biệt. Cũng nhờ cái tánh ưa làm nên bà rất thương ông.

Như chuyện mấy con gà giành nhau ổ đẻ trứng, bà kể hôm trước là hôm sau ông vót tre, đan ngay cho mỗi con một cái ổ. Nhưng cũng chính cái tánh ưa làm đó nhiều lúc khiến bà “điên đầu” vì ông làm quên cả sức khỏe. 

Hai cô con gái của ông bà đang định cư ở nước ngoài, một ở Đức, một ở Mỹ, đều muốn đón cha mẹ sang sống cùng để phụng dưỡng nhưng ông bà chẳng muốn đi. “Nơi chôn nhau cắt rốn sao nỡ lìa xa”. Hai cô không thuyết phục được, bèn đề nghị ông bà dời nhà lên TP.HCM nhưng cũng chẳng được vì ông bà thích sống ở đây, thích ra vô bán chè và thích những chuyện vui buồn tủn mủn mỗi ngày với đám học trò nhỏ. 

Ông bà từng mong ước đi phượt một chuyến xuyên Việt bằng xe máy, nhưng buôn bán bận bịu nên ý định đó cứ dời lại mãi. Đến khi con cái trưởng thành, kinh tế khá hơn thì sức khỏe không còn chờ đợi mình nữa.

Ông mê tốc độ, có hẳn một bộ sưu tập xe cổ, chiếc nào cũng “ngầu”. Có những chiếc không còn dùng được nhưng ông vẫn giữ, trưng bày ngay phòng khách, như là một cách ghi nhớ ước mơ ngao du một thời tuổi trẻ của mình. 

Là những người sống bằng hoài niệm, không nỡ vứt bỏ những đồ dùng cũ, nên căn nhà nhỏ của ông bà chật kín các đồ dùng “cổ”. Vài cái máy cát-sét từ thập niên 80 đã tróc sơn ông cũng không đành bỏ đi, mà cho hết vào hộp “để dành”. Mấy thùng các-tông đựng báo, tạp chí của bà cũng chiếm trọn một góc trên căn gác nhưng “vứt thì tiếc”.

Vì thế nhà thì to rộng, lại chỉ có hai ông bà sống nhưng vẫn thấy chật… Con cái ở xa nên thú cưng trở thành những người bạn của ông bà. Hơn 10 chú chó, mèo được ở phòng riêng, ăn chế độ đặc biệt, thi thoảng còn được chủ cho đi dạo phố trên “xe cổ”. Tấm menu cũ mèm của quán cứ rực rỡ sắc màu vì đã không biết bao nhiêu lần được ông tân trang.

Đây cũng là một trong những điểm nhấn ấn tượng của quán khi gợi nhắc kỷ niệm trong lòng nhiều thực khách. Ông bà vui khi mọi đồ vật trong nhà đều lưu dấu ký ức của một thời bán buôn cơ cực nhưng hạnh phúc. Vui nhất là ông bà đã “bán” được niềm vui cho rất nhiều người. Họ vui khi đến ăn chè bà nấu, khi chơi điện tử hoặc karaoke cùng nhau ở quán của ông bà... Đó là khoảng thời gian ông bà nhớ mãi. 

Tổ ấm của ông bà còn là nơi hơn 30 năm rộn rã tiếng cười đùa của bọn trẻ. Bà vẫn nhớ những buổi trưa tan trường, tụi nhỏ vào quán ăn một hũ rau câu 500 đồng chủ yếu chỉ để được uống chai nước mát miễn phí. Chúng tu một hơi sạch chai rồi lại tiếp tục đạp xe, đội nắng trên chặng đường hơn 10km về nhà.

Mỗi lần tăng giá chè là ông bà đắn đo mãi, vì nhớ những lúc tụi nhỏ thèm chè, đến ăn mà không đủ tiền, bẽn lẽn lại gần giúi vào tay ông bịch hạt điều để “trả” tiền chè. Vậy nên giá một ly chè cả chục năm mới “nhích” một lần, sau 30 năm mới cán mức 5.000đồng/ly.

Tất cả những điều thân thuộc đó là một phần nguyên do vì sao ông bà cứ trì hoãn mãi các chuyến du lịch xa. Chó mèo, gà vịt và hàng trăm gốc cây ăn trái, cây kiểng được chăm sóc từ đôi bàn tay đầy tình cảm của hai vợ chồng nên đi đâu một chút là không yên tâm với từng “đứa con” của mình ở nhà.

Ông bà là dân gốc Sài Gòn, vùng quê nghèo Bình Dương chỉ là nơi hai người tìm đến để lập nghiệp sau ngày giải phóng; vậy mà bám rễ đâm cành. Nhưng rồi cũng phải đến lúc ông bà tính đến việc phải dời nhà về lại TP.HCM khi bệnh gan và thần kinh tọa của ông trở nặng. Sức khỏe “lên tiếng”, ép ông giảm bớt việc, chỉ duy trì những hoạt động nhẹ nhàng.

Sau lần sức khỏe biến động, ông bà cứ nơm nớp lo, rủi có chuyện gì xảy ra, hai người già đơn chiếc liệu có xoay xở kịp, khi người thân và bệnh viện đều xa. Ông bà lại tính với nhau: “Ngoài sáu mươi tuổi là hết rồi! Hay mình bán nhà, lên Sài Gòn ở cho gần mấy chị, mấy cháu?”. Đã thống nhất về “chủ trương”, nhưng ông bà cứ lần lữa bởi có quá nhiều thứ phải tiếc nuối…

Kim Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI