PNO - Ngày 12/7, bác sĩ (BS) Cao Đằng Khang, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch - Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược cho biết ca mổ tim bẩm sinh phức tạp của bé Đỗ Nguyễn Minh Thảo, 15 tháng, nặng 4,7kg.
Ngày 12/7, bác sĩ (BS) Cao Đằng Khang, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch - Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược cho biết ca mổ tim bẩm sinh phức tạp của bé Đỗ Nguyễn Minh Thảo, 15 tháng, nặng 4,7kg - mà nhiều BV khác đã từ chối mổ vì thể trạng bệnh nhân quá nhỏ - đã thành công tốt đẹp. Khi mẹ của bé ngỏ lời cảm ơn ê kíp phẫu thuật, thì BS Đằng Khang nói: “chị đã cứu mạng một đứa trẻ khác và tôi chỉ làm theo chị”.
Bất hạnh nhân đôi
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân ở tổ dân phố Lộc An, P.Cam Lộc, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa mang thai ba lần. Lần 1 chị bị sẩy lúc thai hai tháng. Lần 2, trong khi vợ chồng chị đếm từng ngày chờ đón con chào đời, vậy mà vào một tối tự dưng chị thấy bụng trở nên im ắng lạ thường. Chị vỗ nhè nhẹ vào bụng: “Con cưng ơi, nói chuyện với ba mẹ đi”, lệ thường, đáp lại lời mẹ sẽ là tiếng chân đạp bùm bụp của thai nhi vào bụng mẹ. Vậy mà, lần này không một âm thanh và không một gợn sóng nhấp nhô báo hiệu. Chồng chở vợ và đồ đạc cho cuộc vượt cạn lao vào BV sẵn sàng cho một cuộc sinh nở sớm. BS khám, siêu âm và lắc đầu “thai đã lưu”. Vợ chồng chị đổ ập xuống.
Gần một năm sau, niềm vui đã trở lại: chị mang thai lần 3. Đến tuần 12, khi đi siêu âm đo độ mờ da gáy, BS cho biết có bất thường và khuyên chị bỏ thai. Không dám tin vào kết quả này, vợ chồng chị khăn gói vào TP.HCM, tìm đến BV phụ sản lớn nhất khám. Nơi đây cũng khuyên chị chấm dứt thai kỳ, vì thai nhi đã bị phù, rất yếu. Trên đường về nhà, đôi vợ chồng trẻ lặng im, chỉ có tiếng khóc cho thấy sự sống vẫn còn tồn tại.
Anh chị nghĩ “con cái là cái duyên, là lộc trời nên cứ thuận theo tự nhiên”. Cái “tự nhiên” mà chị nghĩ là nếu có bất trắc, sẽ để thai ra tự nhiên, vì BS dự báo bé chỉ có thể sống khoảng hai ngày nữa. Nhưng ngày thêm ngày, chị bắt đầu cảm nhận được thai máy, rồi cái quơ tay, đạp chân mạnh mẽ hơn của con. Thai sáu tháng, BS kết luận: bé bị bệnh tim bẩm sinh. Vợ chồng chị chấp nhận con đường khó: sẽ chăm con vất vả, tốn kém.
Chị Xuân nhớ lại: “Mỗi ngày, vợ chồng em đều trò chuyện với con, cho con nghe nhạc. Chúng em chỉ biết nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương, bằng niềm tin. Cứ thế, bé ngủ ngoan trong lòng mẹ và ngày 14/3/2015, bé chào đời ở tuần 38 với cân nặng như bao đứa trẻ bình thường khác: 2,9kg. Nhưng bé không khóc được, người tím tái và em chưa kịp ôm con thì bé đã vào phòng Hồi sức sơ sinh vì bệnh tim nặng và BS luôn dặn người nhà chuẩn bị lo hậu sự cho bé, thế nhưng…”.
Sinh một, lại có con đôi
15 tháng, bé Minh Thảo vẫn quắt queo như trẻ sơ sinh. Ngoài bệnh tim, bé còn bị khiếm khuyết về tâm thần vận động, bé không ngồi, không đứng và chỉ lăn cuộn tròn. Nuôi con gần 1,5 năm, bé tăng chưa đến 2kg. Vì vậy, khi hai đoàn khám bệnh từ thiện của hai BV lớn ở TP.HCM bảo chờ bé đủ 10kg mới phẫu thuật tim được thì chị Xuân tắt hy vọng. Bởi đó là điều gần như bất khả thi và cơn đau tim có thể quật ngã đứa trẻ bé bỏng này bất cứ lúc nào.
Đến ngày 18/6, khi đoàn khám bệnh từ thiện của BV ĐH Y Dược có mặt ở Cam Ranh, BS Cao Đằng Khang khẳng định mổ được cho bé thì ba ngày sau vợ chồng chị đã có mặt ở Sài Gòn, quên luôn cả việc hỏi chi phí mổ. Dù chị chưa đóng đồng nào, dù chi phí mổ tim, chăm sóc hậu phẫu, điều trị hơn một trăm triệu đồng, nhưng lãnh đạo BV vẫn quyết định “mổ trước, tiền bạc tính sau”. Khi đưa con lên bàn mổ, chị Xuân mới thấm thía câu “gieo nhân nào, gặt quả đó” và chị không biết rằng, một trong những lý do thôi thúc các BS tiến hành sớm ca mổ cho bé Thảo cũng là một cách thay đời trả ơn cho vợ chồng chị Xuân.
Đó là những ngày chị tất tả và tuyệt vọng chăm con ở khoa Hồi sức sơ sinh BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Mỗi ngày chị chỉ được vào thăm con hai phút và ngày ngày, người mẹ với bầu sữa căng tức luôn khát khao, chờ đợi được một lần cho con bú dòng sữa yêu thương của mẹ. Nhưng bé bị xuất huyết tiêu hóa sau lần “nếm” thử sữa mẹ nên chị cũng tắt hy vọng.
Rồi đêm khuya, chị nghe tin có một đứa trẻ 5 ngày tuổi bị nhiễm trùng sơ sinh - bị mẹ bỏ rơi đang khát sữa thì chị liền xin điều dưỡng để chị cho bé bú. Đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt vì đói, vừa ngậm ti chị, thì bé đã nín khóc. Chị thầm thì với bé: "Con của cô chưa được bú mẹ lần nào, con là người bú đầu tiên đó nghen”. Đứa bé chăm chăm nhìn chị và sau khi “xử” cạn hai bầu sữa thì nằm phè phỡn cười với “cô vú”.
Kể từ đó, cứ cách hai tiếng là chị vệ sinh ngực kỹ càng và vắt sữa cho vào bình và gửi vào cho đứa trẻ bất hạnh kia. Trong suốt ba tuần, mỗi ngày chị vắt sữa 10 lần nên hầu như chẳng ngủ được và hai đầu ti đau đến rướm máu. Chị cắn răng chịu đau và cố gắng bồi bổ để có sữa cho đứa trẻ xa lạ kia. Ngay cả lúc con chị ở những giờ phút ngặt nghèo nhất, tưởng chừng qua không khỏi, chị vẫn không bỏ cữ sữa nào cho bé - mà vợ chồng chị âm thầm đặt tên là Tí.
Tí càng lớn, nhu cầu bú nhiều hơn, chị không đủ sữa nên mua sữa hộp xen vô cho bé. Có lần mẹ chị nghe tin có người nhận Tí làm con nuôi nên nói: “Thôi, con lo cho con mình đi, để thằng Tí cho người ta lo”. Nhưng chị khóc: “Khi nào người ta bồng nó đi thì thôi, chứ để nó tội lắm”.
Những ngày chị chăm con người ta, thì như có một phép màu, sức khỏe bé Thảo dần tốt hơn trong sự ngỡ ngàng của BS. Bé đã mở được mắt và sau khi “nếm” thử sữa mẹ lần 2, bé không còn bị xuất huyết tiêu hóa như trước và hai ngày sau thì BS cho xuất viện - khi bé được một tháng. Khi đó, vợ chồng chị Xuân đã đăng ký xin Tí làm con.
Bà Phạm Thị Long - mẹ chị kể: “Có một lần sau khi BS kêu Xuân vào gặp BS gấp, khi ra thì nó giàn giụa nước mắt, tôi và chồng nó cứ ngỡ con Thảo có chuyện gì. Hỏi mãi nó mới nói được: “BS đồng ý cho vợ chồng con nuôi thằng Tí rồi”.
Vậy là, trong lúc chờ đợi hoàn tất thủ tục, hàng ngày, sau khi xong ca, anh Võ Đình Quốc Bảo - chồng chị chạy một mạch từ chỗ làm đến BV Khánh Hòa 60km để thăm cu Tí và xem bé có được cho uống sữa đầy đủ không. Và khi đón Tí về, chị luôn nhắc lại lời nói nửa đùa, nửa thật với mọi người là chị sinh đôi. Chị đặt tên hai bé là: Võ Nguyễn Minh Thảo với ý nghĩa, con minh mẫn, hiếu thảo và Võ Nguyễn Minh Trung với hy vọng con là người thông minh, trung nghĩa.
Vợ làm kế toán, chồng làm công nhân, lương thưởng cũng chỉ chục triệu đồng, dù nuôi con tốn kém, vất vả nhưng vợ chồng chị không một lời thở than. Bởi theo anh Bảo: “Có con là niềm hạnh phúc không tưởng với vợ chồng tôi, giờ còn được trời cho hai đứa, đủ nếp đủ tẻ thì còn mong gì hơn”.
Cúi hôn con gái đang ngủ say, chị Xuân rưng rưng khi nhắc đến con trai: “Nửa tháng nay em ở suốt trong này, nhớ thằng Tí quá, chỉ có ba nó được chạy đi chạy về thăm con. Hai đứa nhỏ biết chuyện lắm chị. Khi đứa này bệnh, là đứa kia ngoan, không bao giờ quấy. Hay ngay khi cơ quan em vừa gọi điện thông báo là em phải đi làm đúng hạn, không giải quyết nghỉ thêm thì ngay trưa hôm đó, hai bé tự dưng không chịu bú mẹ và bú bình luôn đến giờ. Và kỳ lạ nhất là, dù mang trong người bệnh tim nặng, nhưng bé Thảo lại rất khỏe, ít khi bệnh vặt và cu Tí cũng rất dễ nuôi nên vợ chồng em mừng lắm. Giờ bé Thảo được mổ tim nữa thì vợ chồng em không có hạnh phúc nào hơn, chỉ mong sớm về để được gặp con, cho chị em nó gặp nhau”.
Câu chuyện của vợ chồng chị Xuân, câu chuyện của BS Đằng Khang cho thấy dòng chảy của tình thương, lòng nhân ái đang lan tỏa mạnh mẽ, làm cuộc sống tươi đẹp hơn.
Doanh nhân Ngọc Thị Yến luôn xuất hiện trên thương trường với phong cách uy nghiêm. Nhưng khi ở nhà bà luôn là người vợ, người mẹ, người bà giản dị.